Làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) được hình thành từ rất sớm với nghề truyền thống chài lưới và làm nước mắm. Sau khi nhường đất do một dự án du lịch, không gian làng bị thu hẹp nhưng người Nam Ô vẫn quyết bám nghề, gìn giữ tinh hoa của sản vật cha ông để lại.
Người dân nỗ lực bám nghề
Là người dân chài lưới, ông Trần Ngọc Vinh - Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô luôn giữ thói quen ra bờ biển vào sáng sớm và chiều muộn. Bờ cát trắng cùng gành đá dưới chân núi Nam Ô không chỉ là nơi gần 300 hộ dân trong làng neo đậu thuyền, thúng, phơi cá, vá lưới mà còn là nơi họ được nghe tiếng sóng gầm gào, được gần gũi hơn với hơi thở biển khơi. Từ khi bức tường cao của một dự án khu du lịch được xây, chắn tầm nhìn ra biển; bờ cát, gành đá, trở thành không gian sinh hoạt chung của gần 300 hộ dân chài lưới và làm nước mắm làng Nam Ô. Chuyện giữ nghề nghề truyền thống luôn được dân làng bàn bạc ở bờ biển, gành đá này.
Ông Vinh cho biết, làng Nam Ô có 170 hộ ngư dân chài lưới và 112 hộ làm nước mắm truyền thống. Từ năm 2012, có 100 hộ ngư dân chài lưới và 60 hộ làm nước mắm truyền thống phải di dời để nhường đất cho dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô do một doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Nơi bố trí tái định cư của 160 hộ cách xa làng biển Nam Ô gần 3km. Người dân tái định cư hàng ngày phải thuê xe ôm đến nơi đậu ghe thuyền để đi đánh bắt. 60 hộ làm nước mắm truyền thống di dời đến nơi ở mới cũng phải chấp nhận bỏ nghề do không gian sống chật hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất. Trừ một số ít hộ còn đất đai, sân vườn, đa phần bà con phải để lu, thạp (chum, vại) trên lối đi nhỏ hẹp trước nhà và dọc bức tường cao của dự án khu du lịch.
Nước mắm được biết đến là một đặc sản của Nam Ô. Người dân chủ yếu làm nước mắm bằng cá cơm than đánh bắt từ biển, ủ trong lu, thạp. Mặc dù chất nước mắm mặn hơn các loại nước mắm thường gặp trên thị trường nhưng có vị ngọt thanh của tinh cốt cá cơm được ủ trong lâu ngày từ 12 - 18 tháng, với mùi thơm rất đặc trưng.
Nước mắm làng Nam Ô từng là sản vật tiến các vua triều Nguyễn. Năm 2019, làng nghề nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tiếng tăm và vinh dự của làng nghề là động lực để 60 hộ dân còn trụ lại ở ngôi làng truyền thống theo đuổi, gìn giữ, phát huy tinh hoa sản vật do tiền nhân để lại.
Ngoài những người như ông Trần Ngọc Vinh (74 tuổi), ông Nguyễn Hoa (75 tuổi), hiện làng nghề truyền thống Nam Ô có các thế hệ nối như: anh Phan Công Quang (40 tuổi), anh Nguyễn Viết Dũng (50 tuổi), vợ chồng bà Phạm Thị Hải (cùng 60 tuổi) là giáo viên nghỉ hưu..., duy trì, phát huy được sản phẩm làng nghề, cung cấp ra thị trường lượng nước mắm lớn, cho thu nhập cao và ổn định. Riêng hộ ông Trần Ngọc Vinh mỗi năm bán ra thị trường 10 tấn nước mắm với giá bình quân 120.000 đồng/lít.
“Còn nghề là còn làng, giữ nghề là giữ làng”, người Nam Ô hiểu rất rõ điều này nên dù không gian sống bị thu hẹp, thiếu mặt bằng sản xuất nhưng tất cả các hộ ở làng đều cố gắng giữ nghề để giữ thu nhập ổn định cuộc sống và nuôi con cái ăn học”, ông Vinh chia sẻ.
Không gian làng nghề phải gắn liền với biển
Để bà con chài lưới và làm nước mắm có điều kiện tốt hơn, với tư cách Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm Nam Ô, suốt 10 năm qua ông Trần Ngọc Vinh đã đôn đáo tìm mặt bằng nhằm tạo không gian sản xuất phù hợp cũng như đề nghị các cấp thẩm quyền hỗ trợ kinh phí mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt nhưng chưa có kết quả. Hiện chỉ có 170/300 hộ ở làng Nam Ô có thuyền nhỏ hoặc thúng gắn máy. 200 hộ còn lại sử dụng thuyền, thúng không gắn máy đánh bắt gần bờ nên đầu vào của nguyên liệu sản xuất nước mắm bị hạn chế rất nhiều.
Ông Lê Duy Hòa - Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cho biết, trong đề án được thành phố phê duyệt cho làng nghề Nam Ô, có 2 tàu đánh bắt trung bờ, đánh bắt cá cơm than làm nguyên liệu sản xuất nước mắm. Nhiều loại cá có thể làm nước mắm như cá nục, cá ngừ tuy nhiên chỉ con cá cơm than mới cho ra vị và mùi thơm đặc trưng của làng nghề truyền thống Nam Ô. Ông Hòa cũng nêu quan điểm cần phải bảo tồn và giữ nguyên vẹn những gì thuộc về bản sắc làng nghề truyền thống. Sản xuất nước mắm phải gắn liền với không gian truyền thống, nếu di dời đến khu vực được quy hoạch tập trung thì chỉ có thể gọi tên sản phẩm là “Nước mắm Nam Ô”, không thể gọi là “Nước mắm làng Nam Ô” nức tiếng từ xưa đến giờ.
Chia sẻ của Chủ tịch Hội Nông dân quận Liên Chiểu cũng là tâm trạng chung của người dân chài lưới và làm nước mắm làng biển Nam Ô. Những người cao tuổi ở nơi đây cho biết, mọi người đồng thuận với dự án du lịch hình thành trên phần lớn diện tích đất làng để đời sống khá hơn nhưng vẫn rất cần không gian truyền thống gắn với biển, với nghề. Không gian ấy chính là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy nguyên vẹn các giá trị trầm tích lịch sử, văn hóa, bản sắc, nhất là nghề truyền thống được trao truyền qua bao thế hệ.