Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%. Như vậy áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5% là vô cùng lớn. Trong khi đây là năm bản lề của kế hoạch 2021-2025. Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng hay tốc độ tăng trưởng cao hay thấp không quá quan trọng, căn bản vẫn là phải giữ vững nền tảng cho tăng trưởng.
PV: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%. Như vậy có thấp quá không, thưa ông?
Ông Trần Văn Lâm: Mức tăng trưởng này không có nhiều thay đổi so với mức đã báo cáo Quốc hội trong 5 tháng đầu năm (3,32%). Tăng trưởng chưa đạt được 4% là thấp. Chính vì vậy, vừa qua trong Nghị quyết của Quốc hội đã có chỉ đạo làm sao thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt, đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, trọng tâm làm sao đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; tăng “cung tiền” đưa vào nền kinh tế. Một số dự án theo đúng quy định phải đưa vào dự phòng nhưng vừa qua Quốc hội vẫn quyết định giao vốn để tiếp tục triển khai, tăng đầu tư công để đưa tiền vào nền kinh tế. Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với mặt hàng có thuế suất 10% được thực hiện đến hết năm 2023. Đây là vấn đề chúng ta đã lường trước và đánh giá được tình hình tăng trưởng khi bị tác động bởi những yếu tố từ tình hình thế giới và tình hình trong nước...
Do là vấn đề đã được lường trước nên tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã đề ra các giải pháp, yêu cầu Chính phủ thực hiện, nhanh chóng chỉ đạo kịp thời trong 6 tháng cuối năm với kỳ vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ tốt và khá hơn để bù cho 6 tháng đầu năm.
Tình hình được dự báo là khó khăn nhưng Chính phủ vẫn kiên định mục tiêu đề ra là 6,5%. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu này?
- Việc Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng thể hiện quyết tâm rất lớn, cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra cho cả năm. Cá nhân tôi thấy rằng đạt được mục tiêu 6,5% là rất khó khăn. Mục tiêu đề ra thì phải cố gắng phấn đấu, song tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng hay tốc độ tăng trưởng cao hay thấp không quá quan trọng mà căn bản vẫn là chúng ta phải lo để giữ vững nền tảng cho tăng trưởng, ổn định nền kinh tế trong lâu dài. Theo đó, làm sao để giữ nền tảng vĩ mô thực sự ổn định, vì phải ổn định thì chúng ta mới có cơ hội để bứt phá khi có điều kiện.
Chính vì thế trong Nghị quyết của Quốc hội hay giải pháp mà Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thì giải pháp đầu tiên, căn bản nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trước tiên là cân đối thu - chi ngân sách; xuất - nhập khẩu; sản xuất - tiêu dùng; đặc biệt phải kiểm soát được chỉ số lạm phát, không để đồng tiền mất giá, giá cả hàng hoá leo thang; các thị trường bất động sản; chứng khoán; tiền tệ phải ổn định. Chỉ khi những yếu tố thị trường ổn định thì các yếu tố cân đối lớn của nền kinh tế mới được đảm bảo. Nợ công ở trong giới hạn cho phép thì nền tảng vĩ mô mới ổn định, làm cơ sở cho tăng trưởng ổn định lâu dài.
Cho nên căn bản, căn cốt nhất là làm sao giữ cho được yếu tố ổn định vĩ mô. Nếu yếu tố vĩ mô thay đổi sẽ tác động rõ nét đến đời sống của người lao động, của người dân, hoạt động của các doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn tới khả năng phát triển, tăng trưởng trong lâu dài. Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với vấn đề phát triển. Tức là tăng trưởng gắn với giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh; đảm bảo hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, phát triển các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, đời sống xã hội... đảm bảo cho một xã hội ổn định, yên bình, chất lượng cuộc sống được cải thiện nâng lên... Đó mới là mục tiêu lớn nhất của chúng ta.
Tăng trưởng phải gắn với chất lượng cuộc sống tốt đẹp cho mọi người và xã hội, thịnh vượng ở tất cả các khía cạnh chứ không phải nhằm nhìn vào mục tiêu tăng trưởng thuần tuý. Theo tôi không nên quá coi trọng và “chiếu” vào đó để đánh giá về một sự thành công hay thất bại của một chu kỳ phát triển. Đó là một chỉ số quan trọng nhưng không phải là tất cả.
Tăng lương và hạ thuế VAT 2% từ 1/7/2023 có tác động nhiều tới tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm không, thưa ông?
- Chắc chắn là có. Khi tăng lương cho cán bộ công chức, người hưởng thu nhập từ ngân sách nhà nước thì thu nhập của một bộ phận người dân tăng lên. Lúc đó tiêu dùng sẽ tăng lên và góp phần kích cầu. Thứ hai là giảm thuế VAT thì tiêu dùng cũng sẽ tăng lên. Nhu cầu của thị trường tăng kéo theo sản xuất, dịch vụ phát triển. Cả hai yếu tố đó tác động cộng hưởng để tăng cầu và thúc đẩy cho sản xuất phát triển, kinh tế đi lên. Giải pháp đưa ra trong thời gian này là tương đối đồng bộ, phù hợp.
Tăng trưởng và phát triển là hai khái niệm độc lập. Tăng trưởng chỉ nói về một con số đơn thuần gia tăng giá trị của nền kinh tế, gia tăng sản lượng của nền kinh tế, số lượng sản xuất ra được nhiều hay ít, tăng bao nhiêu%. Nhưng sự tăng trưởng đấy có mang lại hiệu quả, sự phát triển cho nền kinh tế hay không, thì cần phải gồm các yếu tố đánh giá khác. Thứ nhất kinh tế có tăng trưởng; thứ hai các vấn đề xã hội, lao động, việc làm, y tế, văn hoá giáo dục cũng đều được tiến độ tăng theo nhịp của tăng trưởng đó; an ninh trật tự phải được đảm bảo; môi trường phải được bảo vệ không bị suy thoái, không giảm chất lượng môi trường. Tổng hợp của các yếu tố đó mới là phát triển. Chỉ số tăng trưởng tăng lên mà chỉ số xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự xã hội không tăng cùng, bị giảm đi, thì chất lượng cuộc sống đi xuống, và tăng trưởng khi ấy không có ý nghĩa gì.
Trân trọng cảm ơn ông!