Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…

NHẬT ĐĂNG 26/09/2022 11:16

Nhoáng một cái, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã đi xa chúng ta 2 năm. Tôi nhớ đó là một ngày Hà Nội mưa. Lúc ấy, tự nhiên trong tôi bật lên câu hát: “Thuyền ta ngược thuyền ta xuôi/ Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (1944-2020).

Câu hát ấy là trong bài “Hồ trên núi” mà tôi thích, bên cạnh “Trên đỉnh Phù Vân”, “Những cô gái quan họ”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Một thoáng Tây hồ”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Về quê”…

Khi viết những dòng này, tôi nghe lại những ca khúc của nhạc sĩ Phó Đức Phương - những ca khúc mà như sinh thời ông bảo, hầu hết được viết theo “đơn đặt hàng”, nhưng đều có dấu vân tay của một người tài hoa, làm việc gì cũng làm tới tận cùng.

Bộ tứ Sông Hồng (hay còn gọi Tứ quái Sông Hồng) gồm: Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường và Phó Đức Phương, mỗi người mỗi vẻ. Nhưng riêng Phó Đức Phương ngoài âm nhạc, ông còn để lại dấu ấn của mình trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc. Dứt bỏ sáng tác khi đang còn sung sức, Phó Đức Phương ngoặt rẽ vào địa hạt bản quyền còn mới mẻ và đầy rẫy thị phi ở Việt Nam, nhưng không nề hà, không ái ngại, không từ nan bất cứ sự va chạm, đối mặt nào…

Người ghét ông nhiều và người yêu ông cũng rất nhiều. Nhưng thời gian qua đi, phải khẳng định, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã làm được một việc cực kỳ lớn đối với lĩnh vực bản quyền âm nhạc Việt Nam, không chỉ là qua chuyện đòi bản quyền để các nhạc sĩ “có thu nhập” chính đáng mà quan trọng hơn, đã khơi thông và định hình cái văn minh, văn hóa tác quyền trong việc sử dụng các tác phẩm âm nhạc vốn lâu nay bị lờ đi, bị lãng quên, bị nhập nhèm…

Bây giờ, 2 năm sau ngày mất của nhạc sĩ Phó Đức Phương, tôi lật lại những trang báo cũ, để nhớ về ông…

* Từ khi còn trẻ, tôi đã đi tìm thầy để học hát tuồng, học hát ả đào, học hát chèo, học hát dân ca miền Trung… từ các nghệ nhân gạo cội nổi tiếng, do đó, chất dân gian đã ngấm vào mạch máu, hơi thở của tôi. Cùng với những sáng tạo nghệ thuật của bản thân mà tôi “chiết xuất” cái giọng điệu dân gian ấy thành tác phẩm mang phong cách riêng của mình.

* Quê ngoại tôi ở Bắc Ninh. Hồi đi học tôi lại sơ tán ở Hà Bắc. Khung cảnh làng quê êm đềm với những làn điệu quan họ thấm dần vào hồn tôi, tạo cho tôi một cảm xúc bền vững để viết nên bài “Trên quê hương quan họ” mượt mà đằm thắm. Tôi có một niềm cảm hứng đặc biệt khi được sống trong thiên nhiên, tâm hồn lúc ấy như cánh chim được sải cánh bay. Vì thế, âm nhạc của tôi luôn giàu hình ảnh. Có lẽ một phần vì tôi thấy sông nước là một cái gì đó vừa êm ả vừa không hề tĩnh lặng vì nó là một dòng chảy liên tục. Nó gợi cho tôi một cảm giác rung động lập tức và hội cảm với nó luôn.

* Mỗi khi viết một tác phẩm mới, tôi bao giờ cũng có cảm giác mình chuẩn bị đi vào một cõi riêng, dọn mình sạch sẽ, quên hết tục lụy giống như lúc mình chuẩn bị hương hoa để cúng ông bà. Những cõi ấy là Phù Vân - Yên Tử, sóng nước hồ Ba Bể, mộng mị Sa Pa. Tôi luôn sống cùng cảm giác ấy đến tận cùng và cảm thấy mình tiếp cận được những vùng đặc biệt.

* Những ca khúc của tôi tưởng như không nói về tình yêu nhưng lại là nói về tình yêu đấy! “Chảy đi sông ơi” là nỗi lòng của một người con gái mất người yêu, nhờ dòng sông nói hộ lòng mình nỗi nhớ da diết đến tê tái, quặn thắt… “Trên đỉnh Phù Vân” là bước tiếp theo của “Chảy đi sông ơi”, một người mất người yêu và muốn thoát khỏi bụi trần, lên với núi cao ngàn mây để quên đi tất cả nhưng rồi vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh… Với tôi, tình yêu là đề tài luôn có những cái mới, và đem lại nguồn cảm hứng bất tận…

* Nguồn gốc của người Việt là gắn với nền văn minh lúa nước và những dòng sông.

Tôi mệnh Thủy nên luôn có cảm giác như cá về với nước khi đứng trước vẻ đẹp biến ảo, diệu kỳ của sông hồ, của biển cả bao la và những ngọn núi xa thẳm. Sự giao hòa tuyệt đối mà tôi luôn có, khi đứng trước bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình có lẽ còn bởi tôi có thể bộc lộ mọi cảm xúc, chia sẻ mọi nỗi niềm mà không bao giờ bị chúng phản biện, chất vấn và hiểu lầm. Không chỉ thấu hiểu, vỗ về, chở che, chúng còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Trước thiên nhiên, tôi thấy lòng mình thanh thản, thấy mình bao dung hơn, rộng lượng hơn và cũng lấy lại cân bằng hơn. Chưa kể cảnh sắc ấy luôn đưa con người ta đến với những xúc cảm mạnh, dữ dội, có cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Với “Trên đỉnh Phù Vân” của nhạc sĩ Phó Đức Phương, ca sĩ Mỹ Linh đã tạo được ấn tượng trong lòng khán giả.

* Đã bước vào nghệ thuật thì phải cương quyết đi đến tận cùng. Với tôi, mỗi sản phẩm âm nhạc đều như gói ghém, chứa đựng cả linh hồn của người nghệ sĩ. Muốn những đứa con tinh thần bay cao, bay xa, người nghệ sỹ cần gửi gắm vào đó tất cả nội lực, tâm huyết sẵn có.

* Quá trình sáng tác một ca khúc khiến tôi có cảm giác như vừa trải qua một cuộc hành xác vậy. Bạn bè, có người xót xa khi thấy tôi nhọc công tốn sức cho hành trình bảo vệ tác quyền âm nhạc đã bảo, sáng tác nhẹ nhàng, sang trọng thế không muốn, lại muốn làm Đông Ki Sốt đánh nhau với cối xay gió cho khổ cái thân. Tôi bảo, tôi làm cái gì cũng khổ. Và chưa biết viết nhạc hay đi bảo vệ quyền lợi người sáng tác, cái nào vất vả hơn đâu. Cũng nhiều khán giả nhận xét tốc độ sáng tác của tôi rất chậm. Mỗi ca khúc là một lần “dọn mình” để nhập thân vào cõi khác như thế, “đẻ sòn sòn” được mới là chuyện lạ. Nói tôi cầu toàn, khó tính chẳng oan tý nào!

* Sáng tác vất vả thế nhưng tôi vẫn cho ra đời khá nhiều ca khúc. Đó là nhờ tôi luôn làm việc theo “đơn đặt hàng” của cuộc đời. Vì thế, tác phẩm của tôi rất đa dạng, đáp ứng được mọi yêu cầu phong phú của đời sống. Tôi quan niệm, nếu chỉ viết theo cảm hứng cá nhân, người nhạc sĩ dù có tài tới đâu cũng chẳng thể “tự đẽo mình” ra mãi. Nếu có bản lĩnh, viết theo đơn đặt hàng là cơ hội may mắn giúp người nhạc sĩ sáng tác được những tác phẩm với màu sắc phong phú, đa dạng mà vẫn in đậm dấu ấn cá nhân, vẫn thấy mình trong đó.

* 95% ca khúc tôi viết là do đặt hàng. Kể cả bài mà chính tôi khóc và mọi người khóc đầm đìa là bài “Về quê”, cũng là đặt hàng. Khi ấy tôi chỉ đạo nghệ thuật, làm kịch bản và làm tổng đạo diễn của đoàn quan họ Bắc Ninh để đi hội diễn theo lịch của Bộ Văn hóa. Bấy giờ là đầu năm 1998. Chả nhẽ đoàn quan họ năm nào cũng đem bài cũ ra hát. Vì thế tôi mới có ý tưởng táo bạo: Phải làm sao có những bài quan họ mới trong nhân dân, của ngày hôm nay, nó mới chứng tỏ sức sống của quan họ. Tôi nói với Sở với Đoàn là phải có mạng lưới những tác giả hiểu quan họ, yêu quan họ như người quan họ và họ tiếp tục viết những bài quan họ mới. Làm xong đề cương kịch bản, tôi mời hai tác giả viết ca khúc, cùng với tôi viết 3 bài hát mới với tinh thần đây là những bài quan họ của ngày hôm nay. Hai người kia cũng hoàn thành nhiệm vụ của chương trình. Bài “Về quê” dường như bây giờ lẫn thành bài dân ca của đất nước rồi. Đó là đúng tinh thần mà tôi đặt ra.

* Cái việc phải đi viết nhạc theo đơn đặt hàng từ miền núi xuống vùng biển, từ ngành than đến ngành văn hóa tạo ra những tác động cho người nhạc sĩ. Nếu người nhạc sĩ không đủ bản lĩnh, không đủ sức mạnh để có cái tôi riêng của mình thì có lẽ cả đời có tới 3.000 bài nhưng sau 3.000 bài ấy, người ta cũng không nhận ra bản sắc của anh.

Nhưng, nếu người nhạc sĩ là một khối đủ lực bên trong thì việc phải khổ ải đi tứ xứ viết bài, trong đó có cả việc viết theo đơn đặt hàng lại giúp người nhạc sĩ được làm giàu mình lên. Lúc này người nhạc sĩ sẽ có đủ năng lượng, đủ cá tính, đủ sự bướng bỉnh để viết về bất cứ thứ gì thì nó cũng có nét riêng. Nó sẽ không bị rơi vào trường hợp nhàn nhạt. Nó cũng không bị rơi vào trường hợp là bài nào cũng na ná như bài nào.

* Tôi nghĩ, tính cách tôi cũng là căn mệnh. Với tôi, khi làm bất cứ việc gì tôi cũng làm cho đến chết, làm tận tâm, trách nhiệm đến tận cùng. Nhiều nhà báo đã hỏi tôi, tại sao nhạc sĩ đang ở thời điểm đỉnh cao của sáng tác, nhạc sĩ lại chuyển hướng đi làm công việc bản quyền tác giả đầy khó khăn?

Khi tôi còn làm ở cương vị sáng tác, tôi cũng khổ tâm lắm, tôi luôn luôn tìm tòi, đào sâu, trăn trở, ngụp lặn, tự đặt cho mình những yêu cầu hết sức khắc nghiệt cho đứa con tinh thần của mình. Và khi ở công việc bản quyền tác giả cũng vậy.

* Khi viết một bài, trước mặt tôi chỉ là một tờ giấy trắng. Không có bất cứ kinh nghiệm cũ nào sống lại và được tôi sử dụng cả. Lúc đó hoàn toàn hồi hộp với một thứ sản phẩm mới tinh, không liên quan gì đến những bài đã viết trước đó. Còn điều này nữa, sau sự hồi hộp, hưng phấn thì trong tôi luôn xuất hiện cảm giác lo lắng. Lo sợ về việc bài hát sau đó có được mọi người chấp nhận không. Hồi hộp, hưng phấn và lo lắng, có thể nói đó là 2 cảm giác thường trực của tôi khi sáng tác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…