Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Mạnh Cường (35 tuổi, trú tại quận 9), Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Phát An Gia, với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. CQĐT xác định, Cường đã có hành vi “vẽ” nhiều dự án “ma”, sau đó phân lô rao bán, rồi ký các hợp đồng đặt cọc với nhiều khách hàng, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, dù không nộp hồ sơ xin phép và không được cơ quan có thẩm quyền nào phê duyệt đầu tư xây dựng dự án khu dân cư, nhưng Cường đã bịa ra dự án, lập bảng quảng cáo, bản vẽ phân lô đất, rồi ký kết hợp đồng chuyển nhượng 91 nền đất cho 80 khách hàng, thu tiền và chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Hành vi lừa đảo của Cường bị vạch trần khi nhiều khách hàng gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Đáng tiếc, đây không phải là trường hợp đầu tiên “vẽ” dự án “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Trước đó không lâu, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và nhiều thuộc cấp cũng đã bị khởi tố, bắt giam vì hành vi “vẽ” dự án “ma” bán cho nhiều người để chiếm đoạt số tài sản lớn.
Còn hàng loạt vụ án liên quan đến việc “vẽ” dự án “ma” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bài viết không thể liệt kê hết.
Vậy là giữa “thanh thiên bạch nhật”, giữa một xã hội pháp trị lại vẫn xuất hiện những “con ma”, dễ dàng lừa đảo hàng trăm tỷ đồng của người dân lương thiện. Theo lý thuyết tâm linh, ma luôn chỉ dám xuất hiện trong đêm tối, không dám ló mặt ra ánh sáng.
Vậy, vì sao những dự án “ma” lại có thể xuất hiện giữa một rừng quy định pháp lý, sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương?
Không thể nói rằng, khi vị Tổng Giám đốc Công ty An Phát Gia “vẽ” dự án, quảng cáo, rao bán rầm rộ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương lại không hề hay biết.
Cái sự “không biết” đó chỉ có thể giải thích bởi hai nguyên nhân: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa làm tròn phận sự được giao; hoặc có sự nhấm nháy, thông đồng, chung chi để bao che, dung túng cho hành vi vi phạm pháp luật.
Lâu nay có rất nhiều vị tổng giám đốc, giám đốc của các công ty “vẽ” dự án “ma” đã bị các cơ quan tố tụng “sờ gáy”, nhưng lại chưa thấy cá nhân, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm vì để “ma” xuất hiện giữa ban ngày.
Theo quy định của pháp luật, lực lượng công an và chính quyền sở tại buộc phải biết mọi tình hình ở địa phương, đồng thời phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các dự án đang triển khai trên địa bàn mình quản lý.
Ấy vậy mà khi có dự án “ma” xuất hiện, cơ quan chức năng lại không hề hay biết dẫn đến hậu quả rất nhiều người dân bị lừa với số tiền lớn.
Tất nhiên, để trốn tránh trách nhiệm, các cơ quan chức năng sẽ nói rằng, người dân đã thiếu khôn ngoan, tự chui đầu vào rọ của các đối tượng lừa đảo, chẳng liên quan gì đến cơ quan quản lý nhà nước. Song, nếu cơ quan quản lý làm hết trách nhiệm, kịp thời ngăn chặn “ma” thì người dân liệu có bị lừa?
Vậy nên, để hạn chế vấn nạn các dự án “ma” tiếp tục xuất hiện công khai, giữa thanh thiên bạch nhật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân lương thiện, bên cạnh việc mọi người cần nâng cao cảnh giác khi “móc hầu bao”, cũng cần các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm hơn nữa với chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi có sự “để mắt” của các cơ quan chức năng, tin rằng các dự án “ma” khó lòng xuất hiện, hoặc nếu có thì cũng phải mau chóng tan biến trước ánh sáng công lý.