Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội với chuyên môn về cơ khí, nhưng ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Trọng Tùng đã đam mê nhiếp ảnh. Sau một số giải thưởng về ảnh phóng sự, anh hợp tác với nhiều tạp chí trong và ngoài nước ở lĩnh vực ảnh chân dung - thời trang và trở thành có tiếng. Là một nhiếp ảnh gia tự do, từng quản lý một công ty về ảnh thương mại, bỗng dưng, Tùng rời Hà Nội, chọn sống lang thang từ Mũi Né đến Đà Lạt trên chiếc ô tô nhỏ của mình.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Tùng.
PV: Thật bất ngờ khi thấy Tùng rời Hà Nội sống đời... du cư. Vì sao lại có quyết định này?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Trọng Tùng: Dòng đời xô đẩy thôi bạn ơi. (cười) Tôi vẫn mê lướt sóng, và vẫn gắn bó với anh em Mũi Né nhiều năm nay. Bước chân một ngày lạc đến Lâm Đồng thì cái kí ức tuổi thơ, một cuộc sống mộc mạc với cỏ cây, những bài học về cây cối của mẹ, những chiêu trò săn bắt của bố… cho mình cơ hội được sống một cuộc sống nhiều cảm xúc hơn. Sống giữa thiên nhiên, tôi có cảm giác được hướng thiện nhiều hơn. Những bế tắc của cuộc sống đô thị được giải quyết nhanh gọn. Cuộc sống đơn giản là sự lựa chọn thôi. Tôi chọn đánh đổi những vội vã dưới ánh đèn showbiz để lấy một đêm yên bình bên phố núi, uống nốt hớp rượu vang cuối cùng để ngày mai lại bắt đầu kiếm những đồng tiền mới, bé thôi, nhưng đẫm mồ hôi, và niềm vui.
Có lúc còn mang theo cả gia đình, làm thế nào để anh có sự ổn định trên hành trình này?
- Lại là những bài toán cân bằng thôi. Làm nông nghiệp được cái mùa vụ rõ ràng. Lúc vội thì tôi đi một mình, ngày nông nhàn thong thả thì tôi cùng gia đình mình thong dong khuấy trà ngắm mây. Việc cần ở đâu thì mình đi tới đó, gia đình tôi có một mức độ di chuyển ổn định! Và một độ thảnh thơi cũng khá ổn định! Chỉ có số lượng tiền có trong túi là ít đi thôi (cười).
Vậy là nghỉ nhiếp ảnh và làm nông nghiệp?
- Không, dùng nhiếp ảnh như một phương tiện khai thác nông nghiệp! Cái bản năng của một tay phóng viên ảnh giúp tôi thấu hiểu ngành sầu riêng chỉ sau hơn một năm gắn bó với dự án này, và cũng chính tư duy nhiếp ảnh đưa tôi đến với những con người quan trọng trong ngành, hướng đi được hoạch định rõ nét hơn, nhanh gọn hơn rất nhiều. Nhiếp ảnh giúp tôi kết nối được rất nhiều vấn đề đến với giải pháp, cũng may là nhiều bạn bè nữa! Đến giờ thì tôi cũng chỉ là người làm hình ảnh cho sầu riêng Việt Nam thôi mà, nào có trồng được cây nào mà đòi làm nông dân…
Với những trải nghiệm trực tiếp như thế, Tùng thấy nông nghiệp Việt Nam nói chung và cụ thể là sầu riêng có những vấn đề gì?
- Vấn đề lớn nhất là đầu ra, nếu thị trường được công khai minh bạch, nhà vườn được kết nối với nhà phân phối một cách thẳng thắn thì sẽ phát triển rất mạnh. Chủ yếu nông sản Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Mà thị trường đó không ổn định. Khó khăn của sầu riêng là nó chín nhanh và khó bảo quản, giá trị lại cao nên nhiều thương lái sử dụng hoá chất bảo quản rất nguy hiểm tới sức khoẻ. Tôi đang xây dựng một chợ online bán sỉ sầu riêng sạch tuyệt đối an toàn, công nghệ thông tin giúp đỡ người làm nông nghiệp khá nhiều!
So sánh cuộc sống ổn định ở thành phố và “du cư”, anh thấy có gì hay? Có gì khó khăn?
- Tôi không cho rằng cuộc sống ở thành phố là ổn định. Tốc độ đô thị hoá cao khiến môi trường thành phố ngày càng khó thích nghi hơn, khắc nghiệt hơn. Tôi chọn "về quê" để có được không khí trong lành mỗi ngày. Sự bình yên mỗi tối. Và xa rời vòng xoáy của tài chính. Cái khó không thiếu, nhưng khó nhất là sự đồng cảm của bạn bè, người thân. Phần đông họ không hiểu được câu chuyện vì sao mình lại ngược đời thế, và để giải thích sự băn khoăn đó tôi chẳng có cách nào ngoài tiếp tục bước về phía trước!
Là một nhiếp ảnh gia thời trang có tiếng tăm, khi lang thang, anh có nhớ về thời gian ngày ngày tiếp xúc với những người đẹp?
- Cũng vui, ngắm những bạn đẹp nghe lời mình răm rắp là một cảm giác thú vị, cái đẹp luôn hấp dẫn, hồi đó tôi sống rất vui, mỗi ngày được giao tiếp với một, thậm chí vài cá tính đặc biệt. Chơi với họ thôi cũng đủ vui, chụp và giữ lại được dù chỉ một sắc thái đẹp thôi cũng mãn nguyện lắm rồi!
Ký ức nào làm anh nhớ nhất?
- Tôi trải qua nhiều thứ quá rồi, mà của đáng tội cái nào cũng đáng nhớ hết, có dám quên cái nào đâu. Ví dụ như rủ nhau đi chụp ảnh cưới ngoài Lý Sơn xong, cả lũ bị kẹt ngoài đó vì bão, hút chết xong mới tái mặt nhìn nhau biết sợ, nhưng vẫn đủ vui để chơi vơi giữa biển khơi trên một hòn đảo gần như hoang vắng và tận hưởng trọn một cơn bão với bạn bè. Chỉ cắm trại và chụp ảnh từ tinh mơ tới tối mịt có thể là một kỉ niệm đẹp, hoặc lang thang đi chụp ảnh với mấy đứa ở Thanh Hoá, xin vợ đi chiều về, thế quái nào chuyến đi lại kết thúc ở Đà Lạt, sau hơn 2 tuần (cười).
Được đào tạo bài bản về cơ khí, vậy mà anh lại đến với nhiếp ảnh?
- Ôi chuyện dài lắm. Ban đầu là chơi linh tinh thôi, rồi tự nhiên thấy thích. Rồi mọi người cứ nhờ chụp cái này cái kia. Nên động vào cái gì thì tôi học cái nấy. “Chẳng may” lại chụp giống giống mấy cái “tây tây” nên là họ thích họ lại nhờ. Tôi chẳng qua trường lớp gì cả, toàn học anh em bạn bè. May là toàn quen người tốt người giỏi! Công lớn thì là bạn gái cũ. Bạn ấy sắm máy ảnh cho mới có mà chơi, xong về sau chia tay buồn lắm, định bỏ cả chụp ảnh cơ mà.
Kỷ niệm về máy ảnh đầu tiên mà anh sử dụng?
- Nikon Coolpix5200 máy du lịch compact kĩ thuật số hình như là 5.2mpixel thì phải. Bố mẹ bạn gái mua để đi du lịch. Những lúc không đi du lịch thì tôi mượn đi chụp, sinh viên mà, đi đâu cũng kè kè cái máy ảnh, diện lắm, kiểu dân chơi ý, chụp xong lưu vào máy tính thi thoảng lôi ra xem! Kè kè cái máy đó cũng chụp được cái ảnh này ảnh nọ, kiếm được tiền, rồi mới sắm máy cho mình. Tôi mua lại giá rất hời của một anh bạn thân năm 2007 thì phải, máy Olympus E500 với hai cái ống kính zoom, một cái chân máy to đùng. Anh bạn thân đi du học, vì quý thằng em, muốn nó có máy tử tế chụp vì suốt thời gian đó, tôi cũng mượn máy ông ý đi chụp suốt, chính bộ máy đấy! Về xin nhà một ít, tiền kiếm có một tí, chủ yếu là ông ý cho.
Vậy là từ những máy ảnh đó, anh đã bước chân vào con đường nhiếp ảnh, và kiếm tiền như thế nào?
- Đầu tiên là ma chay hiếu hỉ, xong rồi báo chí cũng có nhiều anh chị chơi trên diễn đàn ảnh, ưu ái lấy ảnh in, nhưng sau này chính thức đi làm ra tiền và gắn bó với nghề ảnh là những bộ phóng sự ảnh trên báo Gia đình Xã hội là đầu tiên. Nhưng mà nhiều tiền nhất vẫn là ảnh cưới, bộ ảnh đầu tiên đi chụp ra tiền là chụp cho MC Khánh Chi - Đường lên đỉnh Olympia. Còn bộ ảnh phóng sự ấn tượng nhất với tôi, giờ còn nhớ mãi, đi làm một bộ ảnh về lò luyện thi đại học, quen một cô bé ở Hải Dương, lên Hà Nội luyện thi, lọ mọ theo chân cô ấy tới hết lò này tới lò kia chụp cơ man là ảnh. Xong về phòng trọ theo cô ý học bài, nấu cơm, giặt đồ, chơi đùa với bạn bè. Chụp xong bộ hình, in trên báo, sau này còn được mang ra triển lãm. Tôi cũng gặt hái được nhiều thành công từ việc kiên trì bám đuổi nhân vật.
Vì sao đã gặt hái được thành công ở mảng phóng sự, anh lại trở thành nhiếp ảnh gia về chân dung - thời trang?
- Tôi chụp thời trang ít lắm, chủ yếu là chân dung nhân vật. Ở báo cũng là chụp nhân vật và chuyển sang tạp chí cũng là chân dung nhân vật mà thôi. Chủ yếu qua tạp chí, vì ảnh trên đó in sẽ đẹp hơn mà thôi.
Với anh, chụp chân dung nhân vật điều gì khó nhất và anh chuẩn bị như thế nào để đạt được tấm hình như mong muốn?
- Chân dung thì không có gì khó hết, bạn cứ mở lòng ra, chuyện trò, lắng nghe, rồi bạn hiểu nhau nhanh lắm. Tôi luôn tìm kiếm một sự tương phản cho mỗi bức ảnh của mình, làm một cái gì gở gở, hâm hâm và thế là dễ lắm, ảnh không chớp mắt là đẹp.
Vậy cùng những ngày lang thang này, dự định tới của anh có liên quan gì tới nhiếp ảnh không?
.- Dự định của tôi thì vẫn cứ kiên trì với việc xây dựng hình ảnh cho sầu riêng, và lướt sóng của Việt Nam thôi.