Dịch Covid-19 với những thay đổi về nhịp sống, thói quen và cách thức học trực tuyến trong thời gian kéo dài đã khiến không ít học sinh gặp các vấn đề về tâm lý. Các chuyên gia đã cảnh báo người lớn cần chú trọng sức khỏe tâm thần của trẻ do hệ lụy từ Covid-19.
Sang chấn tâm lý do thiếu tương tác
Trong đại dịch, nhiều trẻ em bị tổn thương sức khỏe tâm thần. Học trực tuyến kéo dài khiến trẻ em mệt mỏi, tăng lo âu, giảm tương tác. Từ đó dẫn tới những hiện tượng sang chấn tâm lý.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) nhận định, học sinh vừa phải trải qua thời gian biến chuyển tâm sinh lý lại vừa phải làm quen với việc chuyển đổi từ hình thức học trực tiếp sang trực tuyến. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, chưa kể những yếu tố rủi ro vì dịch bệnh như các em bị mồ côi cha mẹ, mất người thân. Vì thế, những sang chấn tâm lý đối với các em là không thể tránh khỏi, đặc biệt một số em bị khủng hoảng tâm lý.
PGS. TS Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) phân tích, học sinh chịu tác động của dịch Covid-19 có biểu hiện suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học, căng thẳng, lo âu. Học trực tuyến trong thời gian dài, thiếu vắng sự tương tác trực tiếp với giáo viên khiến học sinh dễ chán nản, không có hứng thú học tập.
Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục sức khỏe tâm lý y học, ĐH Y Dược TP HCM phân tích, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến trẻ nhỏ có khuynh hướng thoái lùi, bám mẹ nhiều hơn, trẻ lớn có khuynh hướng tập trung vào những khó khăn của dịch, thường cáu kỉnh, bất an, lo lắng đến sự chia ly.
Trẻ em phải thay đổi cách học, phải ở lâu trong nhà, trong khi đây là tuổi tương tác. Đồng thời, thể chất các em cũng bị ảnh hưởng do không được vận động nhiều, trong khi việc vận động thể chất giúp tiêu tốn năng lượng dư thừa và những trạng thái tâm thần tiêu cực.
Lâu nay, cảnh báo khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra. Những khó khăn, khủng hoảng tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội.
Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Minh, việc triển khai tư vấn tâm lý học đường hiện còn nhiều khó khăn trong bối cảnh ngành giáo dục chưa có đội ngũ chuyên trách. Đây là vấn đề khó mà ngành giáo dục đang phải tháo gỡ. Thực tế, dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến các học sinh mà cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của các thầy, cô giáo.
Trước mắt, chính các thầy, cô cũng phải biết cách cân bằng công việc gia đình và công việc của trường lớp để có quỹ thời gian phù hợp, làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho các học sinh.
Sớm đánh giá tác động của Covid-19 đến trẻ em
Bà Lê Thị Thảo, Phó Trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, tính riêng từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021, số cuộc gọi đến Tổng đài đã vượt mốc 500.000 cuộc. Trung bình mỗi tháng, đường dây 111 của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) tiếp nhận 30.000 cuộc gọi/tháng.
Đặc biệt, trong những tháng gần đây, con số này tăng lên tới 40.000 đến 50.000 cuộc/tháng, chủ yếu liên quan đến dịch Covid-19, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em.
Theo bà Thảo, các cuộc gọi gần đây thường liên quan nhiều đến Covid-19. Trong số những cuộc gọi tư vấn liên quan đến các vấn đề của trẻ em, một nội dung đáng chú ý đó là việc học trực tuyến kèm theo thời gian tham gia internet kéo dài có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tâm thần và cả thể chất của trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất: Chúng ta cần phải triển khai ngay nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động Covid-19 đến quyền trẻ em, làm cơ sở xây dựng các chính sách, các quy hoạch đặc thù, thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để giúp học sinh vượt qua những vướng mắc về tâm lý trong thời gian nghỉ học dài ngày, cần sự chung tay và đồng hành của các bậc phụ huynh với thầy, cô giáo.
Với những trẻ bị ảnh hưởng tâm lý, giáo viên, phụ huynh cần có nhận thức đúng đắn câu chuyện này; gọi tên cảm xúc, tìm hiểu bản chất của trẻ để “thải độc” cảm xúc thay vì phán xét, đổ lỗi. Phụ huynh và con cần dành thời gian cho nhau để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhằm hỗ trợ học sinh vượt qua khủng hoảng tâm lý, vừa qua Bộ GDĐT đã tổ chức chương trình tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hơn 1.000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GDĐT, các trường tiểu học, THCS, THPT đã tham dự tại 400 điểm cầu trên toàn quốc. Thông qua tập huấn, bước đầu các cán bộ, giáo viên đã có kiến thức và kỹ năng để nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19.
Rất mong, kế hoạch hỗ trợ tâm lý học đường phải trở thành hoạt động dài hơi; các nhà trường cần có đội ngũ tư vấn hỗ trợ tâm lý chuyên nghiệp để trở thành chỗ dựa cho học trò khi các em gặp rối nhiễu tâm lý. Đặc biệt là vượt qua ám ảnh dịch Covid-19, sớm bắt nhịp với môi trường học tập trực tiếp tại nhà trường.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản gửi các Sở GDĐT; trường ĐH - CĐ sư phạm về việc hỗ trợ học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh vấn đề tâm lý. Theo đó, các cơ sở giáo dục cần phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong nhà trường để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho học sinh khi gặp những vấn đề về tâm lý, an sinh; xây dựng kế hoạch, phương án tư vấn trực tuyến, tư vấn cá nhân khi học sinh cần.