GMS 6 và CLV 10: Bắt tay cùng tạo dựng tương lai

Mai Loan 30/03/2018 21:07

Ngày 30/3, tại Hà Nội, trong ngày làm việc thứ hai của Hội nghị cấp cao tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS 6) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS.

GMS 6 và CLV 10:  Bắt tay cùng tạo dựng tương lai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Vinh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể đối thoại chính sách của Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS. Đây là lần đầu tiên một diễn đàn quy mô lớn được tổ chức nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác GMS và Hội nghị cấp cao hợp tác tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam (CLV) cùng gần 2.600 nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực.

Đẩy mạnh kết nối, cùng phát triển

Trong phiên làm việc sáng 30-3 của Hội đồng kinh doanh GMS, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, GMS đã đi qua chặng đường 25 năm hợp tác và phát triển của các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. 25 năm, ¼ thế kỷ các quốc gia trong GMS đã chứng tỏ nhiều điểm chung. Những điểm chung ấy theo Bộ trưởng Dũng chính là những nét tương đồng về văn hóa đã gắn bó các quốc gia và tạo cơ sở đưa sự hợp tác về kinh tế trở thành bước phát triển tất yếu của các quốc gia khu vực sông Mê Công. Đặc biệt trong thập kỷ gần đây, kinh tế thế giới và khu vực có nhiều chuyển biến sâu sắc, các quốc gia phải gắn kết chặt chẽ để cùng phát triển. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác GMS đóng vai trò vô cùng quan trọng và ngày càng có ý nghĩa đối với sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia cũng như của toàn khu vực.

Thông qua Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, ông Dũng cũng bày tỏ mong muốn, tất cả các quốc gia trong tiểu vùng Mê Công mở rộng (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc với 2 tỉnh đại diện là Vân Nam và Quảng Tây) cùng nhìn nhận và đánh giá thật sâu sắc những cơ hội phát triển và tăng trưởng, tạo sức hấp dẫn lớn hơn trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác phát triển về nền kinh tế của GMS; qua đó cùng chia sẻ tầm nhìn phát triển và trao đổi những cơ hội kết nối trong tương lai.

Hiện GMS đã cùng nhau cam kết, thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, Hiệp định mà các nhà lãnh đạo của khu vực này đề ra nhằm tận dụng tốt nguồn đầu tư 66 tỷ USD tại hơn 220 dự án trên toàn khu vực, đưa nền tảng kinh tế - xã hội của 6 quốc gia GMS lên một tầm cao mới.

Việt Nam đang làm hết sức mình

Phát biểu trước cộng đồng đông đảo các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong năm 2017, tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu châu Á, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,5%, lãi suất, tỷ giá ổn định, kim ngạch thương mại đạt kỷ lục 425 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đến nay đạt trên 60 tỷ USD.

Hiện nay ở Việt Nam đã có 25.000 dự án đầu tư nước ngoài FDI đang hoạt động tại Việt Nam với số vốn đầu tư đạt trên 320 tỷ USD. Chỉ số thị trường chứng khoán VNindex năm 2017 tăng 41%, nằm trong Top 3 của thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới WB, chỉ số môi trường kinh doanh (DB 2017) của Việt Namtăng 14 bậc lên mức 68/190;theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI 2017) tăng 5 bậc lên 55/137, và theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII 2017) tăng 12 bậc lên 47/127...

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh quyết tâm cải cách của Chính phủ trên 4 phương diện: Quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhà nước không làm thay thị trường và doanh nghiệp mà chỉ tập trung nhiệm vụ kiến tạo; Không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh; Tiếp tục chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với khu vực GMS và CLV, đồng thời xác định trọng tâm trong năm 2018-2019 là ký kết, phê chuẩn đưa vào hiệu lực 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA Việt Nam - EU, đồng thời đẩy mạnh thực thi hiệu quả 10 FTA đã có hiệu lực, thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP và một số hiệp định khác… Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các tuyến giao thông huyết mạch. Ngoài các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư như từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, Cà Mau; từ Hà Nội đi Hải Phòng, từ Hà Nội đi Lào Cai (kết nối đến Côn Minh củaTrung Quốc), từ Hà Nội đi Lạng Sơn (kết nối đến Nam Ninh, Trung Quốc), đây chính là sự kết nối khuôn khổ “hai hành lang, một vành đai kinh tế” với sáng kiến của Trung Quốc “Vành đai - Con đường”…

Nỗ lực để GMS không phải là một phép cộng cơ học

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa; thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do”.

“Phát triển nhanh và bền vững phải là yêu cầu hàng đầu, là mệnh lệnh của các thế hệ tương lai đối với mỗi quyết định, mỗi hành động của chúng ta ngày hôm nay. Tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công quý báu. “Hài hòa” là giá trị truyền thống của châu Á”-Thủ tướng nêu quan điểm và cho rằng, mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi íchcủa các bên, của chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam để lần đầu tiên GMS có Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh, giúp chúng ta lắng nghe tâm tư nguyện vọng của DN, kêu gọi sự tham gia của DN. Ông Vương Nghị cho biết: Trung Quốc sẽ chỉ mở cửa và mở cửa hơn nữa và, 5 năm tới sẽ tạo dựng môi trường kinh doanh hàng đầu thế giới, thu hút hàng trăm tỉ đô la đầu tư và cũng sẽ đầu tư hàng trăm tỉ đô la ra nước ngoài. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: Mở cửa phải từ hai bên, và nói thêm, trong thương mại quốc tế khác biệt là bình thường; quan trọng là phải đưa ra được cách giải quyết tích cực. Chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ là đi ngược lại lịch sử và như vậy chỉ mang lại trái đắng mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GMS 6 và CLV 10: Bắt tay cùng tạo dựng tương lai