Hội thảo sẽ tập trung vào xem xét đánh giá phân tích theo bốn nhóm: thể chế, chính sách, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính.
Ngày 12/12, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội, Học Viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn háo, Thể thao và Du lịch, tỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức họp báo giới thiệu hội thảo Văn hoá 2022: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá.
Hội thảo sẽ diễn ra vào ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chủ trì hội thảo có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Hội thảo sẽ có khoảng hơn 800 đại biểu tham dự tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh và trực tuyến tại một số điểm cầu và qua nền tảng Internet.
Tham dự hội thảo có các lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố, các Bộ, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và liên quan tới văn hóa.
Tại buổi họp báo, ông Bùi Hoài Sơn, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tháng 11 năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề: “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội thảo.
Theo ông Sơn, đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hoá Việt Nam (1943-2023).
Ông Sơn cũng thông tin, hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: “Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa”. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia thảo luận bàn tròn.
Trong Phiên chuyên đề, hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong Phiên toàn thể, hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
“Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", ông Sơn nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, có triển lãm về văn hóa, nghệ thuật vùng Kinh Bắc tại sảnh Hội trường chính.
Trả lời về chính sách đào tạo, bố trí cán bộ làm văn hoá khi thời gian qua có việc bố trí, sử dụng chưa đúng, bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, văn hoá là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo một Nghị định về vấn đề này để Chính phủ xem xét. Trong đó sẽ đánh giá thực trạng sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ làm văn hoá trong thời gian qua có bất cập khi nhiều nơi chưa bố trí cán bộ chưa đúng với năng lực, sở trường để phát huy năng lực của cán bộ.
Theo bà Thuỷ, đây là điểm vấn đề lớn, và mong tại hội thảo tới sẽ trao đổi thảo luận thêm về vấn đề này để ban hành chính sách lớn trong đào tạo bố trí cán bộ làm văn hoá, qua đó khắc phục những bất cập trong thời gian qua.
Bà Thuỷ cũng thông tin, hiện Bộ đang nghiên cứu chính sách đãi ngộ đặc thù đối với các văn, nghệ sĩ như: múa, xiếc có tuổi nghề ngắn. Khi không còn tham gia trình diễn nữa sẽ bố trí phân công như thế nào cho phù hợp chứ không phải vắt kiệt sức khi đang lao động, còn không đủ sức khoẻ thì cho nghỉ. “Bộ sẽ cùng với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để nghiên cứu đề xuất, và mong vấn đề này sẽ nhận được nhiều ý kiến từ chuyên gia, các văn nghệ sĩ, đặc biệt là ý kiến từ địa phương tại hội thảo tới đây. Nhất là các địa phương cần có đề xuất và giải pháp để kiến nghị góp phần hình thành chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Bởi văn hoá là trách nhệm của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ riêng ngành văn hoá. Cho nên mong qua thảo luận sẽ tìm được giải pháp, vì chúng ta coi văn hoá là nội lực quan trọng vậy thì đầu tư như thế nào để thành trụ cột, kết nối để phát triển du lịch, nhất là bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể. Tham luận của các địa phương, các nhà khoa học từ đó có chính sách chung, tổng thể nguồn lực với sự tham gia của cả hệ thống chính trị để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá để phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội đất nước trong thời gian tới", bà Thuỷ cho hay.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng cho biết, văn hoá cần sự phối hợp các ngành với nhau. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các giới, cơ quan quản lý, các nhà văn hoá chia sẻ. Với sự tham dự của các lãnh đạo tại hội thảo sẽ xây dựng được thể chế chính sác và nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho biết, quan trọng nhất là vấn đề thể chế, vấn đề chính sách cũng như là nguồn lực để đầu tư cho văn hóa. Nguồn lực ở đây gồm hai nhóm. Tức nguồn nhân lực là nguồn lực con người, và nguồn lực về tài chính gồm nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội hóa. Nguồn lực nếu không có sự chăm lo thì chính sách khó thực hiện. Cho nên xây dựng thể chế cũng phải bảo đảm các nguồn lực.
“Vì thế các điểm nghẽn này cần nghiên cứu một cách thỏa đáng, nghiên cứu một cách sâu sắc toàn diện chúng ta sẽ khơi thông được những nguồn lực để tạo được môi trường tốt hơn cho văn hóa phát triển. Với cái tinh thần như vậy hội thảo sẽ tập trung vào xem xét đánh giá phân tích theo bốn nhóm: thể chế, chính sách, nguồn lực con người, nguồn lực tài chính”-ông Vinh cho hay.