Xét tuyển ĐH về lâu dài cần có những phương án tuyển sinh khác không phụ thuộc vào điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là ý kiến của TS Lê Thống Nhất - một nhà giáo với hơn 40 năm kinh nghiệm khi chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết.
Lúng túng trong chọn ngành/nghề
Theo TS Lê Thống Nhất, điểm chuẩn của nhiều trường ĐH năm nay cao không nằm ngoài dự đoán bởi trước đó, Bộ GDĐT đã đưa ra phân tích phổ điểm một số khối thi. Tuy nhiên, nhiều ngành tăng mạnh điểm chuẩn ngoài mức tưởng tượng có thể lý giải là bởi với nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, các ngành đã kịp tuyển gần đủ trước khi sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Về phía thí sinh, tâm lý chủ quan, đăng ký ngành nghề theo trào lưu khiến ngành đó sốt, điểm chuẩn theo đó tăng lên. Đây là điều đã từng xảy ra, nếu hệ thống lại có thể thấy lúc thì xu hướng vào kinh tế, lúc vào khối ngành công nghệ, khi vào tài chính, có giai đoạn tập trung vào trường luật nhiều khiến điểm chuẩn tăng lên.
Chia sẻ quan điểm này, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng hiện nay vẫn còn một bộ phận thí sinh lúng túng trong việc chọn ngành, chọn nghề do không xác định được đam mê của bản thân. Các em đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển ĐH nhưng lại vào nhiều ngành nghề khác nhau, chủ yếu vào các ngành hot và… không trúng tuyển, chỉ trúng tuyển nguyện vọng cuối theo kiểu “chữa cháy” nên “học đại” chứ không phải thực sự hiểu hay yêu thích, từ đó dẫn tới việc học không hứng thú, ra trường làm việc không thực sự yêu thích công việc mình làm.
Vì vậy, GS Xuân đề xuất trước hết là phải đẩy mạnh công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông, sau đó là các trường tự chủ tuyển sinh theo các phương án khác nhau để làm sao không chỉ chọn được người học có đầu vào cao mà còn phải phù hợp với chuyên ngành học, tránh lãng phí trong quá trình đào tạo.
Sớm có các trung tâm khảo thí độc lập
Để làm được điều này, việc đẩy mạnh xây dựng các trung tâm khảo thí độc lập như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là cần thiết. Khi đó, các bài thi trắc nghiệm được tổ chức nhiều đợt trong năm và không gây áp lực, căng thẳng như kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay. Thí sinh có thể đăng ký thi nhiều đợt và các trường gọi nhập học làm nhiều đợt do hiện nay ĐH học theo tín chỉ, sinh viên hoàn toàn chủ động việc học tập của mình.
Đổi mới tuyển sinh ĐH là vô cùng cấp thiết. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT cho rằng việc hình thành nên các trung tâm khảo thí độc lập có thể giải quyết được những bất cập của việc dùng điểm thi tốt nghiệp xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi khâu tổ chức thi được chuẩn hóa, đề có thể khác nhau nhưng sự đánh giá công bằng, đảm bảo độ tin cậy. Muốn vậy, cần có thời gian để tích lũy được ngân hàng câu hỏi.
Với phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển, TS Tùng cho rằng việc cộng điểm ưu tiên như hiện nay là không hợp lý khi thủ khoa cũng có thể bị trượt do bị chiếm chỗ bởi những thí sinh có nhiều điểm ưu tiên. Vì vậy, nếu còn điểm này thì trước mắt mỗi trường cần có tính toán riêng để tránh những sự cố đáng tiếc như điểm chuẩn của ngành lên tới 30,5 điểm như năm qua.
Ngoài ra, các phương án xét học bạ, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ… hiện đang được các trường áp dụng rất đa dạng cũng là một hướng đi cần được đẩy mạnh để nhà trường chủ động, thí sinh cũng không bị động, phụ thuộc duy nhất vào kết quả thi tuyển của kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm chỉ diễn ra một lần duy nhất. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như vừa qua, nhiều địa phương đã phải hoãn thi đợt 1, chuyển sang đợt 2 sau đó cũng không thi đợt 2 mà xét tốt nghiệp đặc cách cho thí sinh khiến cơ hội vào trường ĐH yêu thích của các thí sinh này rất mong manh.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM đề xuất bên cạnh các hình thức xét tuyển đang có, các trường có thể liên kết với nhau để tuyển sinh. Bởi nếu có quá nhiều trường tổ chức thi riêng sẽ dẫn đến áp lực “chạy show” cho thí sinh.
Chọn lọc đầu vào, siết “đầu ra”
GS Võ Tòng Xuân cho rằng hiện nay ở nhiều nước, nhất là ở châu Âu có xu hướng nới lỏng đầu vào ĐH để những ai có mong muốn thì vào học, miễn là đáp ứng được một số điều kiện. Tuy nhiên, các kỳ thi trong trường phải rất khắt khe, đánh giá chính xác năng lực người học để quyết định ai sẽ được học tiếp, ai rớt phải chọn con đường khác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, bên cạnh những trường ĐH có đầu vào khó, đầu ra cũng khó thì ngược lại có những trường dễ dãi cho sinh viên tốt nghiệp bởi tuyển sinh đã khó, nếu đánh rớt sinh viên nữa thì lấy đâu người dạy? Vì vậy, cần thiết phải để các trường tự chủ tuyển sinh nhưng vai trò quản lý của Bộ GDĐT là không thể buông lỏng.
TS Lê Thống Nhất cũng đồng tình rằng tự chủ trong tuyển sinh đã được đưa vào Luật Giáo dục ĐH 2019 và trong thời gian tới, Bộ GDĐT nên để các trường ĐH tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì cũng được. Các trường phải lên phương án tuyển sinh, để Bộ GDĐT kiểm duyệt, tránh việc quay trở lại câu chuyện trường nào cũng tổ chức thi gây tốn kém xã hội trước đây.
“Các trường có thể liên kết với nhau để tổ chức kỳ thi chung, sử dụng kêt quả của trung tâm khảo thí để làm căn cứ tuyển sinh thì điều này mới là xu hướng. Còn nếu như hiện nay, chất lượng đầu vào không đảm bảo thì đầu ra cũng bất cập. Nhân nhượng đầu vào, đầu ra lại kém sẽ không đáp ứng yêu cầu xã hội” - ông Nhất cho hay.
Từ đây, quay trở lại câu chuyện phải học thật - thi thật và quyết tâm của chính các trường nếu muốn kiến tạo - xây dựng và giữ vững thương hiệu đào tạo của mình. Nếu ồ ạt tuyển sinh, dễ dãi đào tạo không màng tới chất lượng thì sớm muộn cũng sẽ bị chính người học xa lánh.
(còn nữa)