Gỡ cơ chế để kéo doanh nghiệp về nông thôn

Khánh Ly (thực hiện) 25/06/2015 09:36

Trong cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết bàn về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp- nông thôn- nông dân, ĐBQH (TP.HCM) Đặng Thành Tâm cho rằng: Cần có những biện pháp, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào lĩnh vực này, cũng như tạo cơ chế, động lực tốt cho chính những người làm nông nghiệp trở thành những DN nông nghiệp.

Gỡ cơ chế để kéo doanh nghiệp về nông thôn

Đánh giá về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các DN, ông Đặng Thành Tâm cho rằng, đến nay, DN, doanh nhân đã có vị thế nhất định trong xã hội. Về cơ chế chính sách, Luật DN mới ra đời đã tạo cơ chế động lực mạnh mẽ cho DN phát triển. So với 5-10 năm trước đây thì đến giờ, các DN đã có môi trường pháp lý và điều kiện thực sự tốt để phát triển. Nhà nước đã ký kết nhiều hiệp định thương mại mở ra nhiều thị trường mới cho DN Việt Nam. “Tôi cho rằng, mọi điều kiện cần và đủ đã có. Do đó DN nên mạnh dạn sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng cho mình và đóng góp cho đất nước, cho xã hội”- ông Tâm nói.

Vẫn theo ông Tâm, nhu cầu phát triển của xã hội, của kinh tế là một quá trình đi lên. Quá trình đó đòi hỏi pháp luật và các chính sách của Nhà nước phải luôn luôn bổ sung, đổi mới để theo kịp với sự phát triển. Về mặt này thì chúng ra vẫn còn e dè và lúng túng. “Thường thì chính sách ra chậm hơn so với nhu cầu phát triển. Ví dụ, hiện nay DN nhỏ và vừa của Việt Nam đã lớn mạnh và là thực thể kinh tế rất quan trọng, nhưng những chính sách để cổ vũ, ủng hộ các DN này phát triển thì vẫn còn thiếu nhiều. Vì thế, cần xây dựng cơ chế, chính sách thật tốt để họ có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn, tiếp cận nguồn lực đất đai, tài nguyên…”- ông Tâm thẳng thắn nói.

Cũng theo ĐBQH Đặng Thành Tâm, hiện vốn chủ yếu vẫn tập trung và đổ vào những DN lớn vì họ có nhân lực tốt và có tài sản để thế chấp. Gần đây, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách cho vay không thế chấp. Đây là một động lực rất lớn cho DN nhỏ và vừa (thường không có đủ tài sản thế chấp). Tuy vậy, các ngân hàng thương mại sau thời gian khó khăn giải quyết nợ xấu vẫn còn rất e dè với việc cho vay không thế chấp, nên tín dụng đến với DN nhỏ và vừa vẫn chưa được khơi thông mạnh mẽ.

PV: Theo cá nhân ông, chính sách nào gỡ khó cho DN nhưng chưa tới cộng đồng DN?

Gỡ cơ chế để kéo doanh nghiệp về nông thôn - 1

Ông ĐẶNG THÀNH TÂM: Đảng và Chính phủ luôn luôn ủng hộ DN, luôn kêu gọi đổi mới để tháo gỡ khó khăn và tạo động lực mạnh mẽ cho DN phát triển. Tuy vậy, để các chủ trương chính sách tốt đẹp này đi vào cuộc sống thì thường rất lâu. Có khi hàng năm sau khi chính sách đã có nhưng để thực thi thì vướng rất nhiều vì các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành chưa ra đời kịp. Thậm chí, có nhiều văn bản pháp luật cũ chưa được hủy bỏ gây cản trở cho những chủ trương, chính sách mới không được phát huy. Một vấn đề nữa rất quan trọng là sự minh bạch, rõ ràng trong trình tự và rõ ràng về thời gian để hạn chế tiêu cực gây cản trở những chính sách tốt đẹp này đi vào cuộc sống. Về mặt này, chúng ta có thể nhận thấy vẫn còn ở khắp các lĩnh vực, các bộ ngành. Ví dụ, Hiến pháp năm 2013 và Luật DN đã có nhiều đổi mới khi mở ra quyền tự do kinh doanh, nhưng để Hiến pháp và luật này thực sự đi vào cuộc sống và phát huy sức mạnh thì còn cần thời gian vì sẽ còn có rất nhiều các quy định phải hủy bỏ hoặc thay đổi các quy định này ở khắp các địa phương và các bộ ngành.

Ngoài ra, một vấn đề nóng hổi và cấp thiết đó là đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về tự do hóa thương mại và đầu tư. Trên cơ sở này, nước ta đã ký và chuẩn bị ký nhiều hiệp định thương mại tự do, cũng như xây dựng nhiều chính sách để thúc đẩy đầu tư… Tuy nhiên, các DN Việt Nam hiểu và tiếp cận những vấn đề này còn rất hạn chế.

Vấn đề nổi lên tại các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII này có lẽ là những khó khăn của khu vực tam nông. Trả lời trước QH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát có đề cập đến một nguyên nhân khiến nông dân khó càng thêm khó: đó là thiếu sự chung tay của DN. Theo ông, cần thêm những cơ chế gì để kéo DN về với tam nông?

- Việt Nam có thế mạnh là nước nông nghiệp, nhưng lợi thế này càng ngày càng giảm đi. Đời sống của người nông dân không được cải thiện đáng kể như đời sống ở thành thị. Những thành quả của công cuộc đổi mới đã rất thành công trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhưng lại chưa phát huy mạnh mẽ đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đây là thực tế.

Với dân số 70% vẫn làm nông nghiệp, do vậy, chúng ta vẫn phải quan tâm mạnh mẽ cho lĩnh vực này. Nhà nước đã và đang làm tốt công tác đưa đường điện, nước đến nông thôn, làm rất tốt công tác thủy lợi, nhưng chưa thu hút được một lực lượng lớn DN tham gia đầu tư vào nông nghiệp và chưa tạo cơ chế, động lực tốt cho chính những người làm nông nghiệp trở thành những DN, hay nói cách khác là đội ngũ nông dân thành DN nông nghiệp chưa nhiều.

Hiện nay, có nhiều biến chuyển trong phong trào làm nông nghiệp. Nhiều DN đổ tiền vào nông nghiệp như nuôi bò sữa, trồng cao su, trồng cây… Đây là những động thái tích cực cần khuyến khích. Nhưng cốt lõi của vấn đề vẫn cần được mổ xẻ, đó là đầu ra hay còn gọi là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp và quy mô hay số lượng đủ để công nghiệp hóa và xuất khẩu kỹ thuật, giống mới.

Vậy, Nhà nước có thể làm được gì và có chính sách gì để khuyến khích DN tham gia mạnh mẽ với tam nông? Người ta nói “cái khó bó cái khôn”, và cũng có câu “cái khó ló cái khôn”. Thực tế hiện nay, Nhà nước không thể làm hết mọi việc được mà phải để thị trường tự điều chỉnh. Khi có chính sách tốt thì DN tự nhiên sẽ tham gia. Rồi tự các DN sẽ tìm thị trường trong nước và ngoài nước. Cũng tự họ sẽ xây dựng quy trình công nghệ để sản xuất với năng suất cao, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo quy mô cũng như tự họ sẽ tìm đến nguồn giống tốt… Để có thể như thế thì các DN rất cần cơ chế, chính sách cụ thể của Nhà nước như: Khơi thông được nguồn vốn lãi suất thấp cho phát triển nông nghiệp. Cần có sự cam kết, gắn kết, đảm bảo, sát cánh của các ngân hàng thương mại. Có chính sách cho nghiên cứu giống mới, gien mới cho sản phẩm nông nghiệp. Ưu đãi về thuế cho sản phẩm nông nghiệp. Có các chương trình hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

Về việc này, tôi đề nghị không nên ưu đãi đầu vào mà ưu tiên ưu đãi đầu ra. Ví dụ, chúng ta xây dựng Quỹ phát triển nông nghiệp và hỗ trợ lãi suất khi DN nào có sản phẩm nông nghiệp tốt, tạo giá trị gia tăng trong nước và giá trị xuất khẩu, như xuất khẩu được vải hay thanh long… - những sản phẩm cần ưu tiên khuyến khích - thì lúc đó mới được hỗ trợ lãi suất và ưu đãi. Như vậy, Nhà nước mới “không mất tiền oan”. Hiện nay, chúng ta hỗ trợ đầu vào nên xảy ra biến tướng, có DN và đối tượng xấu lợi dụng được hưởng ưu đãi đầu vào và cuối cùng chả có sản phẩm nào hết, làm mất tiền, gây lãng phí đối với Nhà nước, đối với nhân dân. Nếu hỗ trợ ưu đãi đầu ra, tức là có được sản phẩm tốt hay xuất khẩu được sản phẩm thì Nhà nước mới xét đủ điều kiện để ưu đãi, như vậy, không gây thiệt hại cho Nhà nước vì chính sản phẩm đầu ra đó đã góp phần tạo công ăn việc làm, tạo ra sản phẩm xã hội và tạo giá trị gia tăng, đóng thuế vào ngân sách nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ cơ chế để kéo doanh nghiệp về nông thôn