Có vị trí liền kề ở nhiều địa phương nhưng thời gian qua, các trục đường giao thông kết nối giữa TP HCM và tỉnh Long An (cùng các tỉnh, thành khác ở Đồng bằng sông Cửu Long) vẫn rất nhỏ hẹp, xuống cấp. Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ kết thúc trong thời gian tới khi đồng loạt nhiều dự án xây dựng đường giao thông giữa 2 địa phương này được khởi động.
Thực tế, việc xây dựng, sửa chữa các dự án hạ tầng giao thông ở TP HCM hay địa bàn Long An là điều khá bình thường, diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, việc cả 2 địa phương cùng bắt tay để xây dựng nhiều dự án giao thông là điều khá mới mẻ.
Cụ thể, Sở GTVT TP HCM cho biết, năm 2021 tới sẽ có tất cả 7 dự án hạ tầng giao thông nối giữa TP HCM và Long An sẽ được triển khai.
Cụ thể, các dự án gồm cải tạo trục đường Nguyễn Văn Bứa (Hóc Môn) - ĐT824 (Đức Hòa) có vốn đầu tư 2.800 tỷ đồng. Quốc lộ 50 qua Bình Chánh - Cần Giuộc có vốn gần 1.500 tỷ đồng. Đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) - ĐT826C (Cần Giuộc) có vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (Cần Giuộc) là 5.100 tỷ đồng. Dự án xây dựng tuyến đường song song quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) - đường trục động lực (Cần Giuộc), tổng chiều dài hơn 8,6 km, kinh phí 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh Long An còn mở đường mới ở huyện Đức Hòa dài khoảng 7,5 km kết nối với phía Tây Bắc TP HCM từ đường Nguyễn Thị Tú, đường Vĩnh Lộc với tổng kinh phí khoảng 6.400 tỷ đồng.
TP HCM cũng đưa vào quy hoạch đường Võ Văn Kiệt nối dài kết nối với tuyến đường tỉnh ĐT 822, 823, 823B, 825 (Đức Hòa) với tổng kinh phí 3.300 tỷ đồng. Tổng cộng nguồn vốn dành cho các dự án này lên đến hơn 24.400 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Đại Đoàn Kết, đây đều là các tuyến đường hiện hữu đang khai thác nhưng đều nhỏ hẹp, đã xuống hoặc thường xuyên ùn tắc.
Vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển mạnh mẽ, khu vực giáp ranh giữa 2 địa phương như Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè (TP HCM) hay Đức Hoà, Bến Lức, Cần Giuộc (Long An) luôn tập trung đông đúc các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, chế xuất… Vì vậy, nhu cầu hạ tầng của người dân là rất lớn và các trục đường hiện hữu là không đủ.
Theo ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An, các tuyến đường kết nối có vai trò quan trọng, được ưu tiên phối hợp đầu tư, thuộc chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa hai địa phương trong thời gian tới. Khi hoàn thành có ý nghĩa lớn, thúc đẩy Long An và TP HCM phát triển về mọi mặt.