Ngày 23/9, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN) nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tại đây, một số DN nhập khẩu nguyên liệu điều cho biết những quy định về phế phẩm, xuất xứ hàng hóa đang gây khó cho DN.
Phải lưu kho mấy nghìn tấn điều thành phẩm
Bà Nam Phương - Giám đốc tài chính Công ty TNHH Điều Intersnack cho hay, công ty nhập khẩu điều thô từ châu Phi - các nước không thuộc Danh mục các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành, để chế biến và xuất khẩu điều nhân. Theo bà Phương, đơn vị nhập 85% hạt điều thô từ châu Phi để sản xuất và xuất khẩu nhưng chỉ lấy được 25%, còn lại là vỏ cứng và vỏ lụa. Thế nhưng, trong 25% này chỉ xuất khẩu được 17%, 8% sản phẩm còn lại không đạt tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu nhưng không thể chuyển nội địa.
“Để giải quyết 8% sản phẩm còn lại đơn vị đi hỏi nhiều nơi. Hải quan nói hủy nhưng ngành thuế không cho. Trường hợp muốn bán nội địa phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Do chưa tìm được đầu ra cho lượng hàng trên nên công ty đang phải lưu container, lưu kho mấy ngàn tấn rất tốn chi phí. Hơn nữa, hạt nhân thành phẩm nếu để 1 - 2 tháng là ra cám. Nếu bị cho là phế phẩm rất giá thấp và thiệt hại rất nhiều cho DN” - bà Phương phân trần.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Công ty LNT & Partners thông tin, DN nhập điều thô để sản xuất, xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, một phần lớn sản phẩm (khoảng 70% - 80%) không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe theo yêu cầu của bên mua, dẫn đến DN tồn đọng lượng lớn sản phẩm không thể xuất khẩu được. DN mong muốn chuyển tiêu thụ nội địa số hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu này. Theo tìm hiểu, để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, hạt điều phải được kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, điều thô nguyên liệu của DN được nhập từ nước không nằm trong danh sách các nước đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành. Ngoài ra, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ có thể thực hiện khi thông quan hàng hóa (thời điểm thông quan điều thô). Đơn vị này muốn có hướng dẫn phương án xử lý số sản phẩm không đạt chất lượng xuất khẩu trong trường hợp này. Ngoài ra, DN thắc mắc, có thể xem đây là phế phẩm và bán lại cho các doanh nghiệp trong nước khác hay không.
Trả lời về những vướng mắc mà DN đang gặp phải, ông Nguyễn Hữu Nghiệp - Phó Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, thời gian qua có rất nhiều DN nhập khẩu điều nguyên liệu từ các nước để sản xuất rồi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Do điều nguyên liệu trong nước giảm đáng kể ở các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh.... Điều đáng nói, qua hoạt động này cơ quan chức năng phát hiện có tình trạng xuất khống để hoàn thuế giá trị gia tăng. Qua kiểm tra phát hiện nhiều đơn vị sai tờ khai trọng lượng, phế phẩm... bị phạt hành chính. Ông Nghiệp yêu cầu Chi cục Hải quan cần hướng dẫn DN chi tiết hơn. Riêng tỷ lệ hao hụt và phế phẩm như thế nào Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư phải có báo cáo trả lời nhanh cho DN.
Mù mờ về xuất xứ hàng hóa
Liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu điều, các DN kinh doanh mặt hàng này cũng thắc mắc thêm quy định xuất xứ hàng hóa. Đại diện một DN cho biết, DN thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu là hạt điều thô từ Indonesia, Campuchia, Bissau, Conakry, Bờ Biển Ngà, Senegal, Ghana và Tanzania về Việt Nam để sản xuất. Các sản phẩm hạt điều nhân thành phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đều được đóng gói sản phẩm với nhãn “Product of Vietnam” và ghi nhận xuất xứ Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay khi một số Chi cục Hải quan không đồng ý với cách ghi nhận nhãn hàng hóa và xuất xứ hàng hóa như nêu trên đây.
Đại diện Công ty TNHH Điều Intersnack nói, DN nhập khẩu nguyên liệu điều thô, sản xuất chế biến và xuất khẩu điều nhân. Vậy DN ghi trên nhãn hàng hóa là “Sản phẩm của Việt Nam”, hay “Packing in Vietnam” như đề nghị của một số chi cục hải quan.
“Theo quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi của pháp luật Việt Nam hiện hành, thành phẩm (hạt điều nhân) để xuất khẩu của DN có được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam không? Trường hợp, nếu DN xuất khẩu hạt điều nhân sang thị trường Campuchia hoặc thị trường các nước châu Âu thì theo quy tắc xuất xứ hàng hóa ưu đãi việc DN xác định hạt điều nhân xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam có phù hợp với quy định pháp luật hay không? Nếu không, chúng tôi cần phải xác định xuất xứ hàng hóa trên cơ sở nào và việc xác định xuất xứ hàng hóa sẽ được thực hiện một lần hay thực hiện theo từng lần xuất khẩu?” - đại diện DN hỏi.
Về xuất xứ hàng hóa, Cục Hải quan TPHCM khẳng định, hàng hóa phải đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam thì mới ghi xuất xứ, ngược lại chỉ ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng hoặc hoàn tất tại hay đóng gói tại Việt Nam. Theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, trong nhiều hiệp định thương mại có nhiều vấn đề liên quan đến giảm thuế nhập khẩu. Thời gian tới, Hải quan thành phố sẽ tổ chức tập huấn xuất xứ hàng hóa. Xuất xứ hàng hóa rất quan trọng, DN không làm tốt không được hưởng giảm thuế xuất xứ hàng hóa.