Gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp

Phương Nguyên 24/02/2017 10:00

Để gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp, ngoài thu hút đầu tư thì việc cổ phần hóa cũng được Bộ NN&PTNT xác định có vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá, một số doanh nghiệp tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm. Nhiều doanh nghiệp chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp còn bất cập.

Cổ phần hóa trong lĩnh vực nông nghiệp phải tăng thêm việc và thu nhập cho người lao động.

Theo kế hoạch, năm 2017, Bộ NN&PTNT cũng sẽ hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp với 2-3 doanh nghiệp để tiếp tục tiến hành CPH, bao gồm: Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) và có thể cả Công ty TNHH một thành viên Thủy sản Hạ Long.

Tuy nhiên bên cạnh đó, việc gặp khó trong CPH doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp không phải là không có. Theo ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT), một số doanh nghiệp tiến độ tái cơ cấu diễn ra còn chậm, có doanh nghiệp đã CPH không bán hết được cổ phần theo kế hoạch được phê duyệt, chưa tạo ra được những biến đổi lớn về hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản trị doanh nghiệp còn bất cập.

Một vấn đề nữa là hiện nhiều doanh khó CPH do đã bị mất vốn hoặc âm vốn chủ sở hữu. Ông Nguyễn Nam Hải - Tổng Giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho biết, hiện công ty còn 4 đơn vị chưa thoái được vốn vì các đơn vị này kinh doanh lỗ và âm vốn chủ sở. Vì vậy, trong vấn đề thoái vốn đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính cho hướng giải quyết phần vốn còn lại chưa bán được.

Còn đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) dù làm ăn có lãi, tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc VRG, khó khăn hiện nay lại là vấn đề thoái vốn bởi quy mô vốn lớn, trên 38.000 tỷ đồng, số tiền bán ra lớn như thế này thì khó tìm được cổ đông chiến lược, có năng lực tài chính để mua. Việc tìm kiếm cổ đông chiến lược cần sự hỗ trợ của các bộ ngành liên quan.

Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng Giám Vinafood 2 cũng cho biết, do Tổng công ty khó khăn thua lỗ nhiều năm, nên quá trình tái cơ cấu cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện nay chúng tôi chưa thể thoái vốn ở 8 đơn vị thành viên, đây là những đơn vị rất khó khăn, tỷ lệ bán cổ phần rất thấp, nếu bây giờ bán ra sẽ lỗ”.

Về vấn đề CPH doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc đổi mới công tác quản lý DN là cơ hội để tái sinh lại khu vực DN do nhà nước quản lý. Kế hoạch 2017-2020, phải thực hiện nghiêm cả nội dung cổ phần, cả thực hiện chuyển giao vốn, cả nội dung thoái vốn. Bộ trưởng yêu cầu, nguyên tắc cổ phần hóa phải tuân thủ đúng quý trình pháp luật, minh bạch để đảm bảo quyền lợi nhà nước, chống thất thoát, tiêu cực.

Để thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp, theo Bộ NN&PTNT, phải xác định quyết tâm, trách nhiệm người đứng đầu. Song song quá trình tái cơ cấu cũng thúc đẩy quá trình sản xuất. Ví dụ như Công ty CP Đường Quảng Ngãi trong thời kì đầu CPH gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên hiện nay, công ty này lại được xem là nòng cốt tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là cây mía. Năng suất mía ở công ty hiện nay đang đứng ở vị trí cao nhất, chuỗi sản phẩm dài nhất, lực lượng khoa học hùng hậu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho doanh nghiệp nông nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO