Sự cố môi trường như một “cơn lốc” khiến du lịch biển ở Hà Tĩnh gặp khó khăn. Tuy đã có những thông tin tích cực về nguyên nhân cá chết và vụ việc cũng đã qua nhưng lượng du khách vẫn giảm, doanh nghiệp và người lao động cùng gặp khó.
Tại thời điểm này, nhiều hàng quán phục vụ khách du lịch ở Cẩm Xuyên,
Hà Tĩnh rất vắng khách.
Doanh nghiệp, lao động gặp khó
Du lịch biển là một ngành đặc thù, chỉ khai thác được 3-4 tháng vào mùa hè. Hằng năm, cứ gần đến mùa du lịch, các doanh nghiệp, chủ kinh doanh hải sản tại các bãi biển đầu tư hàng trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng để tu sửa cơ sở vật chất phục vụ mùa du lịch. Năm nay cũng thế, mặc dù đã bỏ ra khá nhiều chi phí để đầu tư nhưng khi đến mùa du lịch thì doanh thu lại giảm mạnh, không ít người làm du lịch ở đây lâm vào cảnh nợ nần.
Anh Nguyễn Trọng Tỏa- Giám đốc khách sạn Sao Mai và Thanh Lịch ở khu du lịch biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết, những năm trước đến dịp này thì phải vắt chân lên cổ để chạy cho kịp, nhưng năm nay thì anh được đi... đánh bi-a. Năm trước, một quả bầu bán được 120 nghìn đồng (4 đĩa, mỗi đĩa 30 nghìn đồng) nhưng năm nay ế khách quá, nên bầu ngon cũng đành chịu. 1 trong 2 khách sạn của gia đình anh Tỏa đã tạm nghỉ, cái kia cũng chỉ là cầm cự. Theo anh Tỏa, nhiều chủ quán ở bãi biển Thiên Cầm tới nay đã ôm nợ. Đầu năm vay ngân hàng để đầu tư, sửa chữa, nhưng rồi ế khách nên không biết làm sao để trả nợ.
Anh Tỏa cho biết, đã đầu tư tổng cộng 400 triệu đồng để sửa chữa, tu dưỡng cơ sở vật chất nhưng đến nay chỉ mới thu về được 30 triệu đồng. Anh có tất cả 40 nhân viên nhưng đến nay đã cho “nghỉ dài hạn” 32 nhân viên, chỉ giữ lại 8 nhân viên cốt cán bám trụ lại khách sạn để duy trì công việc.
Còn chị Phước- chủ kiốt Quân Phước cho biết: Gia đình chị đầu tư 200 triệu đồng để tu sửa kiốt hy vọng vào mùa du lịch sẽ thu lại vốn, nhưng đến nay chỉ mới thu được khoảng 20 triệu đồng. “Có giấy thu thuế thuê đất gửi về đó rồi nhưng tiền đâu mà nộp chứ, lượng khách về biển và ăn hải sản mùa này giảm hẳn, không biết tình trạng này biết bao giờ mới chấm dứt”- chị Phước nói.
Ông Hoàng Xuân Hướng- Trưởng ban Quản lý khu du lịch Thiên Cầm cho biết: Năm ngoái, Thiên Cầm đón hơn 110.000 lượt khách, đặc biệt dịp lễ 30-4 và 1-5 khách đến với Thiên Cầm đạt 90%, các khách sạn, nhà nghỉ chật kín phòng. Bình quân chỉ riêng tiêu thụ hải sản đã mang về gần 700 triệu đồng mỗi cơ sở, thì nay, bình quân chỉ trên 10 triệu đồng. Hàng hóa các khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn đều ế. Bà Nguyễn Thị Trâm- Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Những năm trước dịp 30/4 công suất buồng phòng đạt 100%, nhưng năm nay công suất phòng vùng du lịch biển giảm 90%, còn các vùng khác giảm 40%. “Nỗi lo lắng nhất của chúng tôi là sắp tới nếu như tình hình không được cải thiện thì người thất nghiệp trong ngành du lịch rất nhiều. Bởi vì cứ 1 người làm du lịch trực tiếp thì có 3 người gián tiếp. Chẳng hạn như ở Thiên Cầm, theo thống kê có 1.000 người là lao động du lịch trực tiếp và 3.000 người là lao động gián tiếp, như vậy mỗi khu du lịch Thiên Cầm đã có 4.000 người sẽ thất nghiệp. Đó là chưa nói các doanh nghiệp, nhà hàng vay tiền ngân hàng đầu tư bây giờ không thu lại được vốn”- bà Trâm nói.
Cần giải pháp tháo gỡ
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đăng Nhật- Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Mặc dù không có đề xuất bằng văn bản chính thức nhưng thông qua các cuộc họp huyện đã đưa ra nhiều kiến nghị hỗ trợ cho ngành du lịch biển. Theo ông Nhật, đã hỗ trợ cho ngư dân thì cũng nên có chính sách hỗ trợ cho du lịch biển.
Còn ông Lê Trần Sáng- Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết: Đầu tháng 5/2016, Sở đã tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp, người lao động về tình hình thiệt hại và khó khăn của ngành du lịch và trình lên UBND tỉnh, trình lên Bộ VHTT&DL nhưng đến nay vẫn chưa có thông tìn gì về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch bị thiệt hại.
Còn anh Nguyễn Trọng Tỏa cho biết, đến thời điểm này những người làm du lịch tại đây chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào. “Chúng tôi chỉ mong được hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp trong một thời hạn nào đấy để cầm cự chứ không dám nghĩ đến phát triển”- anh Tỏa nói. Tương tự, ông Hoàng Xuân Hướng cho rằng, trước mắt cần có giải pháp tiêu thụ hải sản dự trữ từ đầu mùa cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch; có chính sách khoanh nợ cho các hộ kinh doanh như đối với những người đi biển; giảm thuế cho các nhà hàng; đồng thời, thu hút các hoạt động sự kiện tổ chức tại khu du lịch, tạo không khí sôi nổi, động viên các tổ chức, cá nhân.
Để du lịch biển ở Hà Tĩnh lấy lại được vị thế thì sau “trận bão môi trường” thì rất cần có sự hỗ trợ, trong đó có những chính sách cụ thể, có như vậy thì biển sẽ lặng, sóng sẽ yên.
Ông Hoàng Xuân Hướng- Trưởng ban Quản lý khu du lịch Thiên Cầm cho biết: Năm ngoái, Thiên Cầm đón hơn 110.000 lượt khách, đặc biệt dịp lễ 30/4 và 1/5 khách đến với Thiên Cầm đạt 90%, các khách sạn, nhà nghỉ chật kín phòng. Bình quân chỉ riêng tiêu thụ hải sản đã mang về gần 700 triệu đồng mỗi cơ sở, thì nay, bình quân chỉ trên 10 triệu đồng. Hàng hóa các khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn đều ế. Bà Nguyễn Thị Trâm- Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch Sở VHTT&DL tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Những năm trước dịp 30/4 công suất buồng phòng đạt 100%, nhưng năm nay công suất phòng vùng du lịch biển giảm 90%, còn các vùng khác giảm 40. |