Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cả nước có trên 40.400 cơ sở mầm non và phổ thông, 25% không có nhân viên y tế.
Nhiều khó khăn
Tai các trường học hiện nay, nhân viên y tế học đường cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ. Hàng ngày, nhân viên y tế phải trực tại trường phòng khi các em học sinh xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, nhân viên y tế phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu… Ngoài ra còn thực hiện theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, bạo lực học đường, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ… Bên cạnh đó, các công tác liên quan khác như: thu và lập hồ sơ bảo hiểm y tế học sinh, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy… Khối lượng công việc như vậy đòi hỏi phải có nhân sự có trách nhiệm cao với công việc và không thể để xảy ra sai sót vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có cán bộ y tế chuyên trách mà phần đông là cán bộ kiêm nhiệm. Theo thống kê của Sở GDĐT Thanh Hóa, 100% trường học trong tỉnh đều có cán bộ y tế nhưng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Trong số hơn 2.000 trường học ở các cấp học mới có gần 100 trường có cán bộ y tế có trình độ từ trung cấp y trở lên, còn lại đều là cán bộ y tế kiêm nhiệm.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước có trên 40.400 cơ sở mầm non và phổ thông. Trong đó còn hơn 25% cơ sở không có nhân viên y tế.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025, nêu mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phục trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học…
Ngoài thiếu hụt về số lượng, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cũng chỉ ra một khó khăn khác đối với vị trí việc làm này. Điều 34 của Luật Bảo hiểm y tế, nhân viên phụ trách công tác y tế trường học phải có chứng chỉ nghề trung cấp y khoa trở lên, nhưng thực tế nhiều cơ sở giáo dục không đáp ứng được yêu cầu này.
Đối với quy định về nhân lực, cơ sở vật chất y tế trường học có chức năng như cơ sở khám chữa bệnh theo Thứ trưởng Bộ GDĐT là chưa phù hợp, nhất là ở những địa phương vị trí của trạm y tế và trường học cách xa 7-8 km. Trong bối cảnh các bệnh trong lứa tuổi học đường đang gia tăng, nhất là cong vẹo cột sống, cận thị, bệnh răng miệng, giun sán, bệnh cúm, chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết… đòi hỏi hệ thống y tế học đường cần được tăng cường, tháo gỡ để đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt.
Nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học
Để triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích, Bộ GDĐT cho biết sẽ kiện toàn bộ máy và nâng cao năng lực hệ thống y tế học đường.
Riêng đối với vị trí nhân viên y tế trường học, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, Bộ GDĐT đã nắm được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục đề nghị các địa phương quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ này, ông Đức khẳng định, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP Hà Nội) kiến nghị, cần quan tâm đúng mức đến y tế học đường, bố trí kinh phí cho y tế trường học, chi trả bảo hiểm y tế học đường phù hợp. Đặc biệt, cần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế trường học. Không những cần đủ về số lượng, đội ngũ này cần phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn, năng lực để chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trong trường học. Cán bộ y tế trường học cần được đào tạo, tập huấn chuyên môn hàng năm với các nội dung thiết thực, từ đó bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
Liên quan tới việc việc gắn y tế trường học với y tế cơ sở, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh, công tác này đang được thực hiện mỗi nơi một kiểu. Hiện nay cơ cấu, mô hình tổ chức y tế trường học tại một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, chưa có đầu mối phụ trách thống nhất, có một số địa phương chuyển y tế trường học về trạm y tế…
“Ngân sách chi cho y tế trường học còn hạn chế, hầu hết cơ sở giáo dục không được bố trí ngân sách chi thường xuyên, vì vậy ngành giáo dục mong muốn bố trí ngân sách, có chế độ phụ cấp cho cán bộ, công chức làm công tác y tế trường học” - Thứ trưởng Ngô Thị Minh kiến nghị.
Chính phủ đã phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 – 2025, nêu mục tiêu 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phục trách công tác y tế trường học hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương; 100% trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học…