Sức khỏe

Gỡ khó trong bảo hiểm y tế

H.VŨ 03/11/2024 10:30

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang được cử tri và dư luận mong muốn thiết lập cơ chế có tính đột phá để hỗ trợ người dân, nhất là người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.

quốc hội
Phiên họp Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Bảo hiểm y tế.

Người dân phải tự mua thuốc: Thanh toán thế nào?

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía người dân. Bởi đây là vấn đề an sinh xã hội, tác động lớn tới toàn dân. Vì thế nhiều ĐBQH đã dành tâm huyết để góp ý đối với dự thảo Luật lần này. Theo ĐB Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cần phải rà soát, hoàn thiện nội dung sửa đổi, bổ sung về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bởi ông Cường nhận thấy, mặc dù dự thảo Luật có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chỉnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và chi phí dịch vụ cận lâm sàng. Tuy nhiên, việc bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào đang là vấn đề thực tế được rất nhiều cử tri quan tâm hiện nay.

“Mặc dù trước khi trình dự thảo Luật, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên Thông tư này không giải quyết được vướng mắc trên, cũng như không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay. Bên cạnh đó, điều kiện, hồ sơ, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư 22 cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện” - ông Cường chỉ rõ và đề nghị, cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

ĐB Đinh Văn Thê (Đoàn Gia Lai) cũng đề nghị: “Các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng và không thể chuyển người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh khác, người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán”.

Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) đề nghị, nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan để đảm bảo quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế phải tự mua thuốc, thiết bị y tế thuộc danh mục bảo hiểm y tế chi trả cho cơ sở khám, chữa bệnh thiếu thuốc hoặc thiếu thiết bị y tế nếu không thể cung cấp cho người bệnh nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu quan điểm: “Nếu người bệnh phải mua ngoài, cơ sở y tế có trách nhiệm hoàn trả chi phí trước khi bệnh nhân xuất viện để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ngay tại cơ sở y tế, giảm thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý chi phí”.

Liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh

hoa-ry(1).jpg
ĐBQH Trần Thị Hoa Ry.

Theo ĐB Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu), cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh. “Nếu ngành y tế thực hiện được việc liên thông kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn” - bà Ry nói. Đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo Luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế.

ĐB Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cũng cho rằng, cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1/1/2026. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám bệnh, chữa bệnh.

ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) thì đề nghị cân nhắc đến vấn đề người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tự đi khám, chữa bệnh, không phải chuyển tuyến để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa đảm bảo chặt chẽ công tác quản lý và khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế.

Ông Hải cho rằng, vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến. Đồng thời, cần quy định cụ thể hơn về việc chuyển thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, để tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời cho người bệnh.

Công khai, minh bạch số dư số tiền bảo hiểm y tế hằng năm

Đề cập chất lượng khám và thiếu thuốc bảo hiểm y tế, ĐBQH Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nói rằng, cử tri bày tỏ bức xúc khi dịch vụ, chất lượng khám bảo hiểm y tế không được đảm bảo, có quá nhiều bất cập. “Có người dân chọn ra ngoài khám, một phần vì thời gian khám nhanh một phần vì thuốc ngoài tốt hơn thuốc theo bảo hiểm” - ông Hạ nói.

Theo ông Hạ, với các danh mục thuốc của bảo hiểm y tế nhiều khi thiếu do định mức, thẩm định hồ sơ, thời gian, thủ tục phức tạp. Khi tìm hiểu lý do dẫn đến thiếu thuốc trong hoạt động bảo hiểm y tế nhận thấy còn có cả định mức, thời gian hồ sơ phức tạp, thẩm định lâu, do thẩm định của bên bảo hiểm để thanh toán, có loại thuốc được bảo hiểm thanh toán, có loại lại không được thanh toán. Chưa kể, còn có tình trạng nợ, chậm thanh toán bảo hiểm cho cơ sở khám chữa bệnh nên mới có tình trạng thiếu thuốc như vậy.

Ông Hạ nói: Nhiều cử tri bức xúc dù đã tham gia bảo hiểm rồi nhưng chất lượng chưa đáp ứng được với nhu cầu của người dân. Do đó đề nghị cần công khai, minh bạch số dư số tiền bảo hiểm y tế hằng năm, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế khác tham gia vào thị trường bảo hiểm y tế thì mới có sự cạnh tranh, người dân có quyền lựa chọn nhiều hơn.

tran-thi-nhi-ha-so-chu-nhat(1).jpg
ĐBQH Trần Thị Nhị Hà. Ảnh: Quang Vinh.

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Luật chỉ quy định một số nhóm đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế mới được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cấp cứu hoặc chuyển viện.

Theo bà Hà, điều này đã tạo ra sự thiếu công bằng cho các đối tượng còn lại. Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Điều này là chưa hợp lý, bởi cấp cứu ngoại viện đã được quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nhu cầu cấp thiết và quan trọng, giúp can thiệp kịp thời và cứu sống người bệnh trong những tình huống khẩn cấp.

Từ đó, bà Hà kiến nghị sửa đổi, bổ sung phạm vi thanh toán theo hướng, mọi đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế đều được thanh toán chi phí vận chuyển trong trường hợp cần thiết, nhằm đảm bảo người có thẻ bảo hiểm y tế được hưởng các quyền lợi công bằng, không phân biệt và bổ sung thêm quy định thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

“Hiện Quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng và sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp và đái tháo đường hiện đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị. Nếu được phát hiện sớm, các chi phí này chắc chắn sẽ giảm đáng kể và người bệnh cũng tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm” - bà Hà nêu vấn đề.

Dẫn các nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, bà Hà chỉ rõ, nếu phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp, chi phí điều trị chỉ khoảng 5 triệu đồng/năm, trong khi điều trị biến chứng muộn có thể lên đến 92 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, các dịch vụ dự phòng này vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả, gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế.

Từ phân tích trên, bà Hà kiến nghị bổ sung phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế cho các danh mục dự phòng, sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó trong bảo hiểm y tế