Tại cuộc tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” từ hình ảnh các trang phục trong các bộ phim lịch sử của Việt Nam, bên cạnh những góp ý của chuyên gia, nhà nghiên cứu dường như những “nút thắt” đã dần được tháo gỡ.
Trang phục truyền thống Việt trong phim lịch sử Việt Nam
sẽ là hướng tháo gỡ trong việc tìm ra Quốc phục? Ảnh:Trần Hiệp.
Được khởi động từ năm 2011, Đề án Lễ phục Nhà nước có lẽ một trong những chương trình “dài hơi” nhất với hàng loạt cuộc hội thảo, thi tuyển, lấy ý kiến… Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả, đặc biệt là việc chọn trang phục cho nam giới. Thế nhưng, vừa qua tại buổi tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” các “nút thắt” dường như có cơ hội được tháo gỡ.
Đi đường vòng, tìm giải pháp
Trải qua hơn 4 năm triển khai, nếu như với áo dài đã nhận được sự đồng thuận trở thành Quốc phục của nữ giới, thì bộ trang phục dành cho nam giới đến nay vẫn hoàn toàn chưa tìm được phương án khả thi. Và ngay, bản thân là người trong cuộc ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đơn vị thực hiện dự án cũng phải thừa nhận mọi việc đang đi vào bế tắc.
Theo kế hoạch đã triển khai của đề án, đến nay Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tổ chức 3 cuộc hội thảo ở ba miền Bắc, Trung, Nam để nghe ý kiến các nhà văn hóa, chuyên gia, các nhà di sản, lịch sử. Thế nhưng, cả 3 cuộc hội thảo này đều không đi đến được thống nhất chung.
Chưa kể, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng mời 15 nhà thiết kết thời trang nổi tiếng của Việt Nam như Minh Hạnh, Sỹ Hoàng, Lan Hương… tham gia thiết kế bộ lễ phục. Nhưng kết quả vẫn không đi đến cái đích cuối cùng.
Theo ông Thành thì nguyên nhân dẫn đến việc này không phải không có những nhà thiết kế đủ khả năng để làm mà cái chính là chưa có được sự đồng thuận về quan điểm, nhìn nhận và đánh giá để làm sao thống nhất để tìm ra được bộ lễ phục. Mà đây phải là sự đồng thuận từ các cơ quan quản lý đến người dân.
Chưa kể, khi các thiết kế đưa ra thì mỗi lãnh đạo lại có một quan điểm khác nhau, dẫn đến sự bế tác khi không có sự đồng thuận.
“Do đó, vừa qua chúng tôi xác định cuộc thi thiết kế lễ phục trong năm 2014 chúng tôi đã đi theo con đường thẳng và đã thất bại. Và bây giờ chúng tôi đang muốn đi theo con đường vòng. Tuy mất thời gian nhưng có căn cơ, bài bản”, ông Thành cho biết.
Trước những bế tắc này, tại cuộc tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” từ hình ảnh các trang phục trong các bộ phim lịch sử của Việt Nam, bên cạnh những góp ý của chuyên gia, nhà nghiên cứu dường như những “nút thắt” đã dần được tháo gỡ.
Với tiêu chí tính trang nhã của tinh thần trang phục Việt và xu hướng thực tiễn của những bộ trang phục (đẹp nhưng không quá cầu kỳ, không quá hào nhoáng, có khả năng ứng dụng rộng rãi cho đông đảo thanh niên và trung niên người Việt hiện nay). Đặc biệt có các thử nghiệm và gợi ý trên các bộ trang phục nam thì ý tưởng cho một bộ Quốc phục dành cho nam giới đã dần được gợi mở.
Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhận xét: “Trang phục xưa đã và đang chinh phục mọi người trong hoàn cảnh, cử chỉ. Tuy nhiên vướng mặc ở đây là chúng ta chưa có thói quen ứng xử với các trang phục. Chưa kể trang phục truyền thống còn phản ánh từng giai cấp, trong điện ảnh là hình ảnh của nhân vật. Đây là điều rất cần thiết trong trang phục của thời đại mới”.
Cũng theo NTK Thu Hà – người thiết kế hầu hết các trang phục trong phim lịch sử Việt Nam hiện nay: “Trang phục nữ qua nhiều lần chuyển đổi, chỉnh lý thì mặc nhiên được xã hội công nhận và dễ sử dụng, nhưng trong những dịp đặc biệt thì bộ trang phục truyền thống của nam giới lại tỏ ra khó xử. Do đó, để thiết kế ra Quốc phục trước hết cần phải tiếp thu mọi ý kiến đóng góp xây dựng. Trong đó, tiêu chí lớn nhất là thích nghi với xã hội đương đại”.
Hạn chế trong quảng bá
Nếu như việc chọn Quốc phục dành cho nam giới vẫn đang trong quá trình “cân đong đo đếm”, “nâng lên rồi hạ xuống” thì một trong những nguyên do được nhiều chuyên gia đưa ra là chính những đề cử các trang phục cũng đang không được quảng bá sâu rộng. Ở đó, với các trang phục truyền thống xưa như áo dài, khăn xếp…. xưa thì cách tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả nhất chính là thông qua các tác phẩm điện ảnh với các bộ phim lịch sử.
Tuy nhiên, ngay tại buổi tọa đàm “Trang phục truyền thống Việt qua một số bộ phim và xu hướng trong đời sống đương đại” với các trang phục được giới thiệu từ các bộ phim “Lều chõng”, “Long thành cầm giả ca”, “Số đỏ”, “Trò đời”, “Người cộng sự”... phần nhiều lại là sự lạ lẫm không chỉ với các bạn trẻ mà ngay cả những người lớn tuổi.
Thậm chí, với sự có mặt của các đạo diễn nổi tiếng như Trần Lực, Nguyễn Thanh Vân, nhiều người thú nhận từ lâu không còn có thói quen xem phim Việt Nam, đặc biệt là các bộ phim lịch sử. Cùng với đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng phải thừa nhận, phim lịch sử Việt mang ra nước ngoài công chiếu cũng thường bị lầm tưởng là phim của Trung Quốc hay Hồng Kông ở ngày trang phục diễn viên chứ chưa bàn gì đến nội dung.
Đạo diễn cho hay “Thực ra đề tài phim lịch sử của Việt Nam chỉ mới dần được khôi phục và sản xuất nhiều trong thời gian gần đây. Trong đó vấn đề phục trang trong phim lịch sử Việt Nam đang là một vấn đề bất cập. Có trang phục đúng nhưng lại không đẹp, đúng nhưng lại lai căng, không có những tinh thần thuần túy Việt Nam. Do đó, các nhà làm phim Việt hiện nay ít nhất phải đặt ra cho mình một định hướng nào đó. Mà trong điện ảnh, với chúng tôi phải lựa chọn trang phục đẹp để sử dụng mà cái đẹp chưa chắc đã thực sự đúng, thực sự chi tiết”.
Không chỉ mất đi cầu nối của điện ảnh, việc quảng bá trong đời sống các trang phục truyền thống cũng đang gặp khá nhiều rào cản. TS Nguyễn Việt chia sẻ: “Việc tuyên truyền của chúng ta hiện nay quá ít dẫn đến các bạn trẻ gần như không có những ấn tượng chứ chưa nói đến việc mặc các trang phục truyền thống. Trong đó, nguyên nhân chính là nguồn tư liệu lịch sử hiện nay không có nhiều. Nếu như tiếp cận bằng điện ảnh cũng chỉ được một phần vì phim điện ảnh chứ không phải phim khoa học”.
Tuy nhiên, cũng theo TS Việt thì ý tưởng trang phục truyền thống áo dài có thể khả thi cho việc chọn làm Quốc phục. Tuy nhiên, mọi khâu tiến hành cần hết sực cẩn trọng, kiên trì. Bởi Quốc phục phải là trang phục quảng bá tới đại chúng.