Việc bỏ cơ quan chủ quản là mong mỏi của nhiều trường đại học (ĐH) khi cơ chế hiện tại khiến hoạt động của nhiều trường trở nên vướng víu.
Vẫn tự chủ nửa vời
Theo Bộ GDĐT, cả nước hiện có 172 trường ĐH công lập (không tính các trường thuộc 2 Bộ Công an và Quốc phòng), nhưng trong đó chỉ có 3 ĐH vùng, 33 trường ĐH và học viện thuộc Bộ GDĐT. Trực thuộc Chính phủ có 2 ĐH quốc gia. Những bộ/ngành có nhiều trường ĐH nhất hiện nay là Bộ VHTTDL (12 trường), Bộ Y tế (11 trường), Bộ Công thương (10 trường). Tiếp theo có các Bộ GTVT, LĐTBXH, NNPTNT, Tài chính (mỗi bộ 4 trường), Xây dựng (3 trường)...
Dù chủ trương bỏ cơ quan chủ quản với trường ĐH công lập đã được xác lập từ lâu, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ có một trường công duy nhất xóa bỏ cơ quan chủ quản là Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội. Trường trước đây thuộc chủ quản của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015 tập đoàn cổ phần hóa. Theo luật, khi đó tập đoàn không thể là cơ quan chủ quản của một trường ĐH công lập được nữa. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực của ngành rất lớn, đòi hỏi đào tạo cấp bách vì nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng.
Trước bối cảnh đó, trường được Thủ tướng cho phép thí điểm trở thành trường ĐH công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản. Trong quyết định, Thủ tướng nêu rõ chủ tịch hội đồng trường nhiệm kỳ 1 do Bộ Công thương chỉ định, còn việc công nhận hiệu trưởng cũng do bộ này bổ nhiệm. Có 3 trường khác đã trình đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản (Bộ GDĐT) từ cuối tháng 8 năm 2018 là trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay vẫn chưa có đề án thí điểm nào được phê duyệt.
Từ năm 2018, khi bắt tay vào xây dựng đề án thoát ly cơ quan chủ quản, PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt, Chủ tịch hội đồng tư vấn Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh đã khẳng định nhà trường sẵn sàng thực hiện tự chủ toàn diện sau khi hết thời hạn thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo quyết định của Chính phủ. Nhưng 2 năm đã trôi qua, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2018 cũng đã có hiệu lực nhưng nói như một số chuyên gia, các trường vẫn chưa thể thực hiện tự chủ hoàn toàn mà mới nửa vời.
Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT, nếu vẫn tồn tại cơ quan chủ quản thì không thể gọi đó là trường tự chủ được. “Trao quyền tự chủ cho trường thì phải khẳng định quyền đang nằm trong tay ai và ai là người trao quyền đó? Ai là người nhận quyền đó? “ - TS. Lê Viết Khuyết nhấn mạnh.
Hội đồng trường thực chất
Mặc dù thực tế hiện nay luật pháp không còn khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu nhưng theo nhiều chuyên gia, để thực hiện tự chủ thành công thì việc thoát ly khỏi cơ quan chủ quản như cách gọi xưa nay vẫn là một trong những điểm quan trọng.
Lý do thì nhiều nhưng rõ ràng nhất của việc không trực thuộc cơ quan chủ quản đó là các trường sẽ giảm nhẹ được nhiều thủ tục. Chẳng hạn, việc kéo dài thời gian công tác của giáo sư, phó giáo sư thuộc quyền quản lý của bộ trước đây phải chờ bộ quyết định, nhưng nếu không còn cơ quan chủ quản thì trường có thể tự quyết. Hay một số dự án đầu tư trước đây phải chờ ý kiến của cơ quan chủ quản thì sắp tới có thể quyết luôn, những hiệu chỉnh cho dự án đầu tư cũng được chủ động nhanh hơn, phê duyệt nhẹ nhàng hơn...
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT) cho rằng mong muốn thoát ly cơ quan chủ quản của các trường xét đến cùng phải là nhằm đến chất lượng và hiệu quả. Người hưởng lợi chủ yếu phải là sinh viên, nếu không tự chủ sẽ vô nghĩa. Nghĩa là chương trình đào tạo phải tinh gọn, cập nhật, gắn với nhu cầu thị trường để giúp nâng cao chất lượng và giảm chi phí đào tạo...
Trong khi đó, đáng lẽ theo Luật thì những chủ trương mang tính chiến lược của nhà trường đều thông qua hội đồng trường là được thay vì được sự đồng ý của cơ quan chủ quản. Chỉ khi nào hội đồng trường hoạt động thực chất qua việc thảo luận, ra nghị quyết về mục tiêu, phương hướng, kế hoạch phát triển, quy chế tổ chức hoạt động, các vấn đề tổ chức nhân sự, tài chính, tài sản... đồng thời giám sát hoạt động của trường trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình một cách đúng nghĩa thì lúc đó mới là tự chủ đúng nghĩa.