Chỉ trong vài năm trở lại đây, số lượng hợp tác xã (HTX) thành lập mới đã gia tăng mạnh mẽ, cùng với đó là thu nhập của các hộ thành viên cũng gia tăng. Tuy nhiên, qua chia sẻ của đại diện các HTX hiện nay, có thể thấy vẫn còn nhiều rào cản cần phải tháo gỡ trong cơ chế, chính sách để mô hình này có thể bứt phá mạnh mẽ.
Đến nay, số lượng hợp tác xã ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Nhìn bao quát bức tranh kinh tế tập thể thời gian qua, có thể khẳng định, với những chính sách từ phía nhà quản lý đưa ra, phong trào HTX thay đổi rất mạnh mẽ, đột phá so với trước đây. Nhiều mô hình HTX tại các địa phương đã khẳng định được vai trò của mình trong việc làm bệ đỡ cho kinh tế hộ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.
Đơn cử như HTX Artemia (Bạc Liêu). Sau 6 năm hoạt động (thành lập từ năm 2013), từ lúc khởi điểm chỉ có 7 thành viên, đến nay hợp tác xã đã chuyển đổi thành công với 16 thành viên, liên kết với 5 hợp tác xã bạn và tạo việc làm cho trên 300 lao động. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, ông Cao Thành Văn, Chủ tịch HTX Artemia cho biết, ban đầu thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là không có đất đai, song chúng tôi có thế mạnh là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn nghiệp vụ sản xuất trứng gà, nên Artemia đã chọn hình thức liên kết sản xuất với nông dân và HTX bạn để cùng sản xuất, kinh doanh. Với sự nỗ lực của các thành viên, Artemia đã tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm trứng gà, đưa sản phẩm đến được với người tiêu dùng khắp nơi trên cả nước, thậm chí xuất khẩu ra cả thị trường thế giới.
Dù đã phát triển khá mạnh và tạo được thương hiệu trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, nhưng ông Cao Thành Văn cho rằng, vẫn có rất nhiều điểm nghẽn hiện nay cần được giải tỏa trong các cơ chế chính sách hiện nay, để thúc đẩy mô hình HTX kiểu mới phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
Ông Văn cho hay, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng khi phía ngân hàng đưa ra nhiều yêu cầu về thủ tục vay vốn rất khắt khe. Cụ thể, ngân hàng yêu cầu có nguồn tài sản thế chấp, nhưng các thành viên HTX chủ yếu là nông hộ nên vốn rất ít, chính vì vậy yêu cầu tài sản thế chấp là một trong những rào cản lớn khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Mặt khác, các HTX chưa được tạo điều kiện, cơ chế tốt để tiếp cận nguồn đất đai cũng như việc thực thi quyền sử dụng đất.
“Hiện tại, chúng tôi không có đất, phải đi mua đất, phải lấy tài sản của mình và đi thế chấp ngân hàng nên không có nguồn lực sản xuất. Thêm nữa chính quyền cấp tỉnh cần tạo điều kiện HTX thuê đất dài hạn như các loại hình doanh nghiệp khác. Chúng tôi không biết là các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thế nào khi họ có hàng chục, hàng trăm ha còn HTX chúng tôi không tiếp cận được” - ông Văn cho hay.
Cũng nêu lên những khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực về đất đai, ông Nguyễn Phi Đức, Chủ tịch HĐQT HTX Dương Liễu (Hà Nội) cho biết, để mô hình HTX hoạt động hiệu quả, nhà quản lý cần quan tâm tới vấn đề về đất đai, có những cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX xây dựng trụ sở, nơi sản xuất kinh doanh, còn như các quy định đưa ra hiện nay, hoạt động của các HTX vẫn hết sức khó khăn.
Chính bởi những rào cản về tiếp cận nguồn vốn, đất đai… nên rất nhiều HTX hiện nay hoạt động thiếu hiệu quả, tồn tại chỉ mang tính hình thức. HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Thụy Việt (Thái Thụy, Thái Bình) là một ví dụ. HTX này thành lập từ năm 2012, đến năm 2016 chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới. Tuy nhiên, từ khi chuyển đổi đến nay, hoạt động vẫn không hiệu quả. Lợi nhuận của cả năm 2018 chỉ đạt khoảng hơn 33 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của các hợp tác xã trong cùng địa phương.
Theo các chuyên gia kinh tế, để mô hình HTX kiểu mới phát triển mạnh mẽ, phát huy đúng vai trò là bà đỡ của nông dân, thời gian tới, những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cần phải được giải tỏa. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ quản lý các HTX cần phải thay đổi tư duy, năng động, nhạy bén trong sản xuất kinh doanh có thể phát huy vai trò là người đứng đầu “ngôi nhà chung” của bà con nông dân, xứng đáng là bệ đỡ của kinh tế hộ.