Gỡ 'vòng kim cô' kìm hãm phát triển

Lục Bình 04/04/2017 08:00

“Người dân, doanh nghiệp có thể trực tiếp kiến nghị, phản ánh tới Chính phủ, Chính phủ sẽ lắng nghe và hành động. Chính phủ sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bằng việc xây dựng, ban hành những thể chế mới để gỡ “vòng kim cô”, kìm hãm sự phát triển”- đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, tổ chức chiều qua, 3/4.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.

8 điểm sáng

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những điểm sáng như phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 10 điểm sáng được đề cập đến là kinh tế vĩ mô ổn định, CPI 3 tháng tăng 0,9% (cùng kỳ tăng 0,99%).

Tăng trưởng tín dụng cao (đạt 2,81% trong khi cùng kỳ năm 2016 đạt 1,54%). Xuất khẩu tăng mạnh, ước đạt trên 43,7 tỷ USD, tăng 12,8%. Các khu vực nông nghiệp và dịch vụ có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ.

Khách quốc tế tiếp tục tăng nhanh, đạt trên 3,2 triệu lượt, tăng 29%. Vốn FDI tăng mạnh, đăng ký đạt 7,71 tỷ USD tăng 77,6% (bao gồm cấp mới, tăng vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), thực hiện đạt 3,62 tỷ USD tăng 3,4%.

Thu ngân sách tăng mạnh, đạt 23,4% dự toán, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng nhanh (có trên 26.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% về doanh nghiệp và 45,8% về vốn đăng ký), đặc biệt tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 600.000 tỷ đồng.

“Một thông tin rất vui được Thủ tướng chia sẻ tại phiên họp là chỉ số sản xuất Nikkei hay chỉ số quản trị mua hàng của nước ta đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9” - theo ông Dũng.

Dù vậy, không thể chủ quan, ông Mai Tiến Dũng nói và cho biết “điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, là thấp”,“trong khi nông nghiệp, dịch vụ tăng khá thì khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp”.

Nguyên nhân chính của thực trạng này là do khai thác dầu, công nghiệp chế tạo, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, chưa đạt kế hoạch đề ra. Ông Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thảo luận để tìm ra biện pháp cụ thể trong từng ngành hàng, từng lĩnh vực để “chúng ta có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn” để khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng chậm trong quý I.

Dân kiến nghị, Chính phủ lắng nghe và hành động

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, quyết liệt phục vụ nhân dân, VPCP thiết lập hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn.

Theo ông Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành địa phương giải đáp kiến nghị của người dân tạo sự minh bạch, kết nối, để nắm được bức xúc, kiến nghị của người dân tạo hiệu ứng tích cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Với tinh thần cầu thị, mọi kiến nghị của người dân đều được lắng nghe, VPCP có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận trả lời kiến nghị.

Chính phủ coi việc xây dựng sức mạnh toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ rất quan trọng để xây dựng chính phủ từ TƯ đến địa phương. Đồng thời uốn nắn, chấn chỉnh các cấp chính quyền nếu có biểu hiện nhũng nhiễu.

Coi đây là nhiệm vụ giao cho địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ giám sát vấn đề này. Nếu địa phương không trả lời, không chỉ cấp xã mà cấp tỉnh cũng phải chịu trách nhiệm.

Tại phiên họp công tác xây dựng thể chế cũng được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã dứt khoát không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là các Bộ trưởng phải dành quan tâm cao cho công tác xây dựng thể chế. Đặc biệt các Bộ, ngành cần trình đúng hạn quy phạm pháp luật đã được giao.

Tinh thần là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển, những thể chế được cho là vòng kim cô kìm hãm sự phát triển sẽ được tháo gỡ nhờ đẩy nhanh tiến độ xây dựng pháp luật. Không để khoảng trống về thể chế, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Người dân đồng thuận tự nguyện trả lại vỉa hè

Bình luận về chiến dịch giành lại vỉa hè được các tỉnh, thành thực hiện thời gian qua, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, quản lý hè, đường thuộc trách nhiệm từng cấp trong đó quận huyện, xã phường.

Chúng ta đã từng làm, làm nhiều năm, nhưng khi vỉa hè được lấy lại rồi lại bị tái lấn chiếm. Chính phủ đã chỉ đạo cần thực hiện đồng bộ. Theo đó từ quận 1 của TP Hồ Chí Minh giờ chiến dịch này đã lan tỏa ra các TP lớn, thu được kết quả cao, được người dân đánh giá cao. Việc cơi nới, sử dụng vỉa hè đã bớt, đã trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Song song với việc thực hiện kỷ cương thì vấn đề quan tâm nhất đó là đời sống người dân thế nào sau khi trả lại vỉa hè? Chúng ta nhất quán duy trì không tái diễn. Do đó, nhiều địa phương đã linh hoạt lo cho dân.

Có địa phương có cơ chế hỗ trợ tạo việc làm, có địa phương quy định tuyến phố để dân vào chợ đó miễn phí tiếp tục làm việc. Có địa phương quy định giờ bán sáng, tối.

Theo đó, vừa duy trì kỉ cương mà cuộc sống người dân vẫn được đảm bảo. “Tôi khẳng định việc đập những công trình lấn vỉa hè thời gian qua không ảnh hưởng gì đến mỹ quan.

Phá hè phố không loại trừ cơ quan tổ chức nào lấn lề đường, phải kiên quyết mới nghiêm, dân mới đồng thuận. Dân đồng thuận họ mới tự dọn dẹp trả vỉa hè cho chính quyền quản lý.

Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra là đúng

Về bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh khiến dư luận bức xúc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Thanh Hóa đã chỉ đạo thanh tra toàn diện việc bổ nhiệm.

Tôi thấy lãnh đạo Thanh Hóa chỉ đạo thanh tra cán bộ sở mình là đúng chức năng của tỉnh. Theo phân cấp, cấp phòng thuộc thẩm quyền lãnh đạo Sở Xây dựng, phối hợp Sở Nội vụ Thanh Hóa kiểm tra là hoàn toàn đúng với quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật, thanh tra, vụ việc có kết luận thanh tra tỉnh, thanh tra Bộ Nội vụ, thanh tra Chính phủ có thể thanh tra lại khi phát hiện dấu hiệu sai phạm”.

Trả lời câu hỏi việc kê khai tài sản của bà Quỳnh Anh rằng, đối tượng đã nghỉ việc, không thuộc diện kê khai tài sản liệu điều đó có đúng không, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, cán bộ không làm việc trong cơ quan nhà nước không thuộc đối tượng kê khai tài sản.

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa việc không còn là công chức thì không minh bạch tài sản. Với tư cách là công dân vẫn phải minh bạch tài sản. Nếu có biểu hiện vi phạm pháp luật vẫn xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Sẽ đấu giá biển số xe công

Về vấn đề rà soát biển 80 cấp cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã giao Bộ Công an báo cáo. Với doanh nghiệp không thuộc đối tượng được cấp biển số sẽ thu lại một cách nghiêm túc. Sau khi rà soát, thu hồi biển số, Thủ tướng giao Bộ Công an xây dựng đề án đấu giá biển số, coi biển số là tài sản cá nhân. Tiền thu về bổ sung vào ngân sách.

Trả lời về sự cố môi trường biển xảy ra ở các tỉnh miền Trung liệu Formosa có được hoạt động trở lại, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài nguyên & Môi trường có báo cáo Formosa có 53 điểm còn khiếm khuyết, hiện đã khắc phục được 51 điểm.

Tinh thần của Thủ tướng là khi Formosa đủ điều kiện hoạt động, không để xảy ra sự cố môi trường biển như năm ngoái thì tiếp tục được hoạt động, nếu tiếp tục sai phạm sẽ phải đóng cửa.

Trả lời về giá sàn vé máy bay, Thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ Giao thông- Vận tải cho rằng cần nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề này trước khi quyết định khung giá mới.

Bộ đã giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng hàng không và các chuyên gia xem xét, đánh giá. Tinh thần là Nhà nước điều tiết giá cước vận tải hàng không đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường hàng không cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Người tiêu dùng được quyền tiếp cận với giá cả hợp lý. Rà soát việc thực hiện khung giá cước hiện hành, phân tích những tác động yếu tố tác động đến thị trường hàng không nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ 'vòng kim cô' kìm hãm phát triển