Không để các dự án “trơ gan cùng tuế nguyệt”, phải chỉ rõ cơ quan nào “ngâm” hồ sơ lâu; phải minh bạch trong công tác đấu thầu đất công, tránh tình trạng “quân xanh, quâ n đỏ” thất thoát tài sản của Nhà nước và không để tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh kiểu “có ba trăm lạng việc này mới xong”- đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức sáng 20/4.
Tháo gỡ vướng mắc tạo thông thoáng trong lĩnh vực xây dựng Ảnh: Quang Vinh
Thủ tục rườm rà gây khó cho xã hội
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, có quá nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực xây dựng. Theo đó ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng đề vấp phải những vướng mắc. Theo thống kê của Bộ Xây dựng liên quan đến lĩnh vực này có tới 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, nhiều thông tư, nghị định còn “to” hơn luật, thủ tục rất rườm rà, dẫn tới chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan. Đây là những rào cản lớn nhất trong đầu tư xây dựng buộc chúng ta phải tháo gỡ.
Rất cần những biện pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng nhưng đồng thời phải ban hành quy định kịp thời để tránh thất thoát tài sản nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết và đề xuất ban hành các biện pháp chống đầu cơ, rửa tiền, phòng chống “bong bóng” trên thị trường bất động sản như: Quy định đánh thuế người có nhiều nhà có giá trị lớn; quy định đánh thuế đối tượng đầu cơ, bao chiếm, không đưa nhà, đất vào sử dụng hoặc làm giá, thổi giá, tạo ra “bong bóng” sốt ảo; quy định đánh thuế đối tượng lướt sóng, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu “bong bóng”; quy định các giao dịch bất động sản phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng đề chống rửa tiền, tham nhũng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Đừng để cháy nhà, chết người mới lo cải tạo chung cư
Vấn đề cải tạo chung cư cũ vì sao mới thực hiện được rất ít, chiếm 3% cũng được đưa ra mổ xẻ.
Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đề nghị phải có cơ chế rõ khuyến khích nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ vì đây là vấn đề rất bức xúc.
Ngắt lời ông Trần Ngọc Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, phải tập trung cải tạo chung cư cũ “đừng để cháy nhà, chết người mới nói đến chuyện cải tạo chung cư cũ”. Vì vậy các cấp các ngành cần đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.
Với tư cách là người trong cuộc khi tham gia cải tạo chung cư cũ ở khu Văn Chương, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, vấn đề này còn lắm bức xúc, nhiều nhức nhối. Khu tập thể Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, như vậy đã có tuổi thọ 58 năm. Người dân sống ở khu nhà này rất nguy hiểm, có thể sập bất kỳ lúc nào. Nhưng có một vướng mắc lớn, đó là người dân có tâm lý cải tạo chung cư cũ là việc của Nhà nước chứ không phải việc của dân. Thế nên, khi cải tạo, người dân thường đòi hệ số đền bù gấp 2-2,5 thậm chí 5 lần mà cơ chế về vấn đề này chưa có. “Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quyết định giao cho HĐND cấp tỉnh, theo từng khu vực có hệ số đền bù là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể áp dụng”- ông Hiệp nói. Cải tạo chung cư cũ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước như ngân sách, nguồn đất tái định cư nếu không doanh nghiệp sẽ lỗ nặng. Chẳng hạn khu Văn Chương xây dựng 24 tầng thì lỗ khoảng 1.500 tỷ. “Nếu lỗ như vậy sẽ không có DN nào dám nhận nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ”- ông Hiệp nói.
Về cải tạo chung cư cũ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng vấn đề này thuộc thẩm quyền địa phương. Cần kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức BT trong cải tạo nhà chung cư. Không để tình trạng nhà Nhà nước bán cho dân rồi nhưng sửa chữa dân không chịu bỏ tiền. Kêu gọi dân di chuyển vì mất an toàn thì dân không đi, nhưng nếu sập Nhà nước phải chịu trách nhiệm. Do đó các địa phương phải gỡ vướng về cơ chế, tập trung giải quyết vấn đề này.
Đất công phải được đấu giá
Vấn đề quản lý đất công thế nào cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng cho hay, Điều 62, Khoản 3 Luật Đất đai quy định rất “thoáng” khi quy định hầu như tất cả các dự án đều được thu hồi đất để cơ quan quản lý nhà nước có quyền giao đất, cho thuê đất không đấu giá đất dẫn đến tình trạng xin - cho dự án vào các khu đất vàng như, đất công sở, nhà máy, kho tàng, khi di dời. Vì vậy, ông Hùng kiến nghị cần sửa đổi điều 62 theo hướng Nhà nước chỉ thu hồi trong trường hợp thật cần thiết, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đất phải được đấu giá với mọi dự án phát triển kinh tế không vì mục đích quốc phòng, an ninh và công trình công cộng.
Đối với vấn đề bồi thường đất đai khi thu hồi, ông Hùng kiến nghị, với dự án vì mục đích phát triển kinh tế thì đền bù giá thị trường trừ các dự án vì mục đích công cộng. Tại những nơi thị trường đã có đủ lợi nhà ở thương mại thì đều đền bù bằng tiền theo giá thị trường. Phải ban hành cơ chế bắt buộc phải đấu giá với mọi dự án, mọi mảnh đất thuộc dự án phát triển kinh tế trừ các dự án công trình công cộng.
Về vướng mắc liên quan đến đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, sở dĩ có công trình chưa thực hiện đấu giá trước khi chuyển đổi mục đích vì liên quan đến vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, phải gỡ vướng này bằng việc giao cho các trung tâm phát triển quỹ đất ứng giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng nhanh chóng. Nếu đền bù theo giá thị trường, dân sẽ đồng thuận. Và nếu có đất sạch sẽ đấu giá sẽ công bằng hơn.
“Từ nay đất đai phải đấu giá công khai, có hình thức phù hợp. Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, phải dẹp ngay. Hiện minh bạch vấn đề này rất kém. Vẫn còn ôm đồm chưa phân cấp triệt để thiếu quy hoạch chi tiết dẫn đến tình trạng xin cho. Đấu giá công khai minh bạch, thậm chí lên sàn mới thu được khoản tiền lớn cho Nhà nước. Nếu chỉ định, nhập nhèm thất thoát tài sản sẽ rất lớn”- Thủ tướng chốt lại vấn đề này.
Vướng mắc cơ chế và tổ chức thực hiện
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, vì sao tư nhân triển khai nhanh, chất lượng mà đầu tư công lại chậm, chất lượng hạn chế? Theo Phó Thủ tướng, tư nhân không chỉ là DN nước ngoài mà các DN Việt họ xây dựng những công trình lên tới cả tỉ USD mà chỉ thực hiện trong vòng 11-12 tháng. Điều này khiến ta phải suy nghĩ. Rõ ràng, có vấn đề vướng mắc về cơ chế và tổ chức thực hiện.
“Về thể chế liên quan đến 12 dự án luật, hàng trăm nghị định vì vậy cần có lộ trình sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư. Việc sửa đổi không chỉ tháo gỡ những vướng mắc hiện hành mà còn phải giải quyết được những vấn đề của tương lai. Xây dựng luật thì phải khắc phục những khoảng trống, phải đi trước một bước như mô hình đầu tư codotel, phát triển không gian ngầm ra sao phải tính. Tháo gỡ về cơ chế chính sách không chỉ ở nghị định, thông tư mà ở cả các dự án cụ thể”- Phó Thủ tướng cho biết.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, cùng mặt bằng pháp luật sao tỉnh giải ngân nhiều, tỉnh giải ngân ít? Theo đó trong tổ chức thực hiện, phải quan tâm đội ngũ, nhiều bộ ngành giỏi chuyên môn nhưng không thạo về đầu tư, phải tập huấn, phải tăng cường dịch vụ tư vấn để trợ giúp. “Đặc biệt việc phối hợp trong nội bộ cơ quan, các ngành với nhau cần tăng cường. Không thể để tình trạng hai bộ cách nhau một bức tường mà có khi giấy tờ đi đến nhau mất vài tháng trong khi chỉ nhấc cuộc điện thoại là xong”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
“Bôi trơn” vẫn khó kiểm soát Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quản lý đầu tư công chặt chẽ đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức. Tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực. “Chúng ta phải chống cái này cho bằng được”- Thủ tướng nói, không để tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”. Do đó, vấn đề công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng rất quan trọng. |