Trong quá trình triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam, theo ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, bên cạnh những thuận lợi thì cũng gặp rất nhiều khó khăn như về vật liệu, về mặt bằng…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Vũ Quý, khẳng định, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, ban quản lý dự án và các địa phương, việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào kiểm toán sớm sẽ góp phần khắc phục kịp thời tồn tại, bất cập, cũng như kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo cho dự án được triển khai chất lượng, hiệu quả…
Là trục xương sống để phát triển kinh tế - xã hội
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Quý cho biết, về mặt địa lý, đất nước ta có bờ biển dài, tiếp giáp với nhiều nước láng giềng. Với đặc thù như vậy thì hệ thống hạ tầng giao thông rất quan trọng. Bởi bờ biển dài sẽ có nhiều cảng biển, nhiều cửa khẩu dọc trên phạm vi đất liền, giáp biên giới các nước khác. Đây là điều kiện thuận lợi để thông thương về hàng hóa. Vì vậy, việc hình thành trục cao tốc Bắc - Nam là rất quan trọng, là trục xương sống để phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù chúng ta đã có hệ thống đường sắt Bắc - Nam song kết cấu hạ tầng đường sắt hiện tại được đánh giá vẫn còn lạc hậu, chỉ đảm nhận tỷ lệ nhỏ về vận tải hàng hóa và hành khách, chưa thực sự phát huy vai trò là phương thức vận tải quan trọng.
Trong quá trình kiểm toán, Ban đã có ý kiến để KTNN có thêm kiến nghị với cơ quan chức năng về những bất cập trong vấn đề tiêu chuẩn, định mức, đơn giá. Từ ý kiến kiến nghị của KTNN và sự vào cuộc chỉ đạo rà soát rốt ráo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay Bộ Giao thông vận tải đang cùng với Bộ Xây dựng xem xét để ban hành hơn 600 định mức, đơn giá đối với lĩnh vực đường bộ, đường thủy, đường hàng không…
Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, trục vận chuyển đường biển, đường thủy cũng có những hạn chế nhất định trong việc lưu thông hàng hóa. Do đó, việc phát triển trục đường bộ là rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh Quốc lộ 1A quá tải như hiện nay thì việc hình thành một trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam càng có ý nghĩa.
Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có định hướng, dồn lực nhằm hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông. Với sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến nay, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đang dần được hình thành. Dự án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa kết thúc giai đoạn I và đang trong giai đoạn triển khai giai đoạn 2 với 12 dự án thành phần được khởi công từ tháng 1/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi tuyến đường bộ huyết mạch này đưa vào khai thác sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc lưu thông, vận hành của các phương tiện trên hệ thống trục cao tốc.
Triển khai dự án quan trọng này, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã tham gia 2 dự án thành phần trong giai đoạn I là dự án Cam Lộ - La Sơn và cùng với nhà đầu tư triển khai xong dự án Nha Trang - Cam Lâm. Trong giai đoạn 2, Ban tham gia dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ. Hiện Ban đang bám sát chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về chất lượng, kỹ thuật, đặc biệt là luôn bám sát tiến độ đã được Bộ đề ra.
Khó khăn, vướng mắc
Thực tế thì ngay từ khi bắt đầu triển khai đại dự án này, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cấp, ngành đã xác định được những vấn đề khó khăn, vướng mắc sẽ gặp phải. Trong đó, vướng mắc đầu tiên là liên quan đến vấn đề vật liệu, nhất là khi chúng ta triển khai cùng lúc nhiều dự án với nguồn nguyên vật liệu giống nhau.
Do đó, Quốc hội đã có những nghị quyết rất quan trọng để tháo gỡ vấn đề này như tăng công suất khai thác của các mỏ thương mại. Đồng thời, Nghị quyết của Quốc hội cũng tạo điều kiện để mở các mỏ vật liệu xây dựng thông thường, các nhà thầu được ưu tiên theo cơ chế đặc thù để triển khai làm thủ tục mở mỏ, với thủ tục được tiết giảm khá nhiều so với những mỏ thương mại thông thường.
Chính phủ cũng chỉ đạo rất cụ thể để các địa phương vào cuộc, cùng với các ban quản lý dự án, các nhà thầu để tiến hành rà soát, kiểm đếm, thỏa thuận với người dân để đẩy nhanh tiến độ mở mỏ. Đến nay gần như các mỏ đã bắt đầu hoạt động.
Thứ hai là vấn đề về mặt bằng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt song vấn đề giải phóng mặt bằng chưa thể nhanh như mong muốn. Bởi đây là vấn đề liên quan đến cả một tổ hợp công việc, từ đo đạc, kiểm đếm, xác định nguồn gốc, tính pháp lý của hồ sơ sử dụng đất, đến việc giải quyết vấn đề thắc mắc, kiến nghị của người dân, đặc biệt là công tác tái định cư. Vì vậy, hiện nay, các địa phương đang triển khai khá quyết liệt, các ban quản lý dự án cũng vào cuộc, phối hợp với các địa phương một cách chặt chẽ, thực chất nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Với những vướng mắc, những bất cập như trên, Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban thường xuyên rà soát, có những chỉ đạo rất cụ thể để tháo gỡ các vấn đề vướng mắc phát sinh. Đây là điều rất thuận lợi cho việc triển khai các dự án.
Đưa ra những cảnh báo sớm
Thời gian qua, nhiều dự án do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí minh triển khai đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) vào kiểm toán. Qua thực tế làm việc với các đoàn kiểm toán, chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động kiểm toán nhà nước với lực lượng kiểm toán viên làm việc rất chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, đặc biệt là về mảng giao thông vận tải, về định mức, đơn giá, chế độ, dự toán của dự án. Chỉ sau một thời gian ngắn vào kiểm toán dự án, đoàn kiểm toán đã đưa ra những ý kiến đánh giá cụ thể về vấn đề tồn tại hay cần giải trình, làm rõ.
"Khi KTNN vào kiểm toán sớm, chỉ ra những tồn tại và đưa ra những cảnh báo sớm cho dự án, thì các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ có thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, khắc phục những tồn tại, thiếu sót".
Ông Nguyễn Vũ Quý - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời, trong quá trình kiểm toán, làm việc với Ban, đoàn kiểm toán phối hợp cũng rất nhiệt tình, chia sẻ và phối hợp chặt chẽ với đơn vị, chỉ ra những vấn đề tồn tại và có ý kiến tư vấn giúp cho Ban điều chỉnh, khắc phục. Các kết luận, kiến nghị của KTNN luôn được Ban tiếp thu và thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đơn cử như qua kiểm toán dự án Cam Lộ - La Sơn, một số thiếu sót, bất cập trong khảo sát, thiết kế, khảo sát đánh giá mỏ vật liệu được KTNN chỉ ra đã được Ban kiểm điểm rút kinh nghiệm ngay sau khi có kết luận kiểm toán. Đối với các kiến nghị về xử lý tài chính, Ban đã thực hiện ngay khi quyết toán dự án.
Sự vào cuộc của KTNN trong kiểm toán các dự án là rất quan trọng. Từ góc độ Ban, tôi mong rằng, với những dự án đã được đưa vào kế hoạch kiểm toán năm thì KTNN cần triển khai kiểm toán sớm, ngay từ trước khi dự án được triển khai.
Khi kiểm toán càng vào sớm và chỉ ra những vấn đề tồn tại, thiếu sót không mong muốn thì dự án càng có thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý, đồng thời, khắc phục những sai sót, bất cập nếu có trong quá trình triển khai dự án. Chẳng hạn, với dự án thành phần Vạn Ninh - Cam Lộ dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm 2025 thì đề nghị KTNN nên vào kiểm toán sớm từ đầu năm 2025.