Để được dùng miễn phí những ứng dụng như FaceApp, người dùng phải trả giá bằng kho hình ảnh cá nhân và nhiều thông tin quan trọng.
Những bức ảnh "chuyển đổi giới tính" đang được người dùng chia sẻ khắp mạng xã hội đánh dấu sự trở lại của FaceApp, ứng dụng từng gây tranh cãi vào năm 2019.
Vấn đề đáng quan tâm là FaceApp đang thu thập và sử dụng hình ảnh người dùng bằng những chính sách rất mơ hồ. "Ứng dụng truy cập toàn bộ thư viện hình ảnh, chứ không chỉ là ảnh người dùng chọn để tải lên ứng dụng", trang Evening Standard viết. Khác các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh thông thường, FaceApp yêu cầu quyền truy cập vào kho hình ảnh cá nhân và tải chúng lên kho lưu trữ đám mây. Trong khi người dùng chỉ có nhu cầu chỉnh sửa vài tấm ảnh, FaceApp vẫn mặc nhiên tải tất cả hình ảnh của họ vào kho lưu trữ của mình. Ứng dụng còn thu thập cả những ảnh không thể chuyển đổi được khuôn mặt.
Trong danh sách dài về điều khoản sử dụng buộc người dùng phải đồng ý, nhà phát triển nói họ có thể sử dụng dữ liệu người dùng vào những mục đích khác nhau. Họ được quyền sử dụng thông tin cá nhân và ảnh cho mục đích thương mại; thực hiện phân tích thống kê từ các bản tải xuống; hiển thị hình ảnh quảng cáo tương tự FaceApp...
David Shipley, chuyên gia bảo mật của Beauceron Security (Mỹ), cho rằng FaceApp được quảng cáo là miễn phí, nhưng "chi phí" lại chính là người dùng. "Chỉ cần thu thập hình ảnh khuôn mặt, ứng dụng sẽ khiến bạn đối mặt với hàng loạt nguy cơ", Shipley nhấn mạnh. "Chẳng hạn, hình ảnh đó dùng để nhận diện, xác định danh tính, hoặc bán cho những nơi cần chúng". Nhà phát triển Joshua Nozzi người Mỹ từng phát hiện ứng dụng này tự động lưu ảnh trong smartphone dù chưa được cấp quyền và cũng không có thông báo cụ thể.
Năm 2019, khi FaceApp tạo thành trào lưu trên Internet, các chuyên gia công nghệ khắp thế giới đã liên tục cảnh báo về việc ứng dụng này có thể thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân. Thượng Nghị sĩ Chuck Schumer của Mỹ thậm chí yêu cầu FBI vào cuộc điều tra về an ninh và quyền riêng tư nhắm vào FaceApp.
"Trên mạng có rất nhiều loại ứng dụng theo dõi lộ trình, ngoại hình hoặc dấu vân tay. Từ đó, các đặc điểm sinh học của từng người có thể bị đánh cắp. Vì vậy, bạn cố gắng tránh tải các ứng dụng như vậy", Phương Bảo Kiều, Hội trưởng danh dự của Hội Khoa học kỹ thuật Thương mại Thông tin Hong Kong nói với Apple Daily.
Ở Trung Quốc, hàng loạt ứng dụng, như Xếp hạng sắc đẹp; Bạn giống ngôi sao điện ảnh nào... đều bị cáo buộc là âm thầm thu thập dữ liệu người dùng. Điểm chung của chúng là đánh vào sự hiếu kỳ, tò mò. Nếu muốn được sử dụng, người dùng phải cho phép nhà phát triển truy cập vào kho hình ảnh cá nhân.
Hệ quả của việc này là dữ liệu khuôn mặt được rao bán rẻ như bèo trên các trang thương mại điện tử. Phần lớn những hình ảnh này được thu thập trên mạng xã hội thông qua các ứng dụng chính sửa hình ảnh miễn phí. Cuối năm 2019, 5.000 khuôn mặt biểu cảm khác nhau được rao bán công khai trên trang thương mại điện tử Zhuanzhuan với giá 10 nhân dân tệ (hơn 32 nghìn đồng). Giá trung bình cho mỗi bức hình chỉ khoảng 0,5 nhân dân tệ (1.600 đồng). Đến đầu tháng 4/2020, Economic View phát hiện ảnh của hơn 20.000 người đeo khẩu trang được rao bán công khai. Giá mỗi bức là 0,05 nhân dân tệ. Các kho hình ảnh này được rao bán ngay khi Trung Quốc thay đổi công nghệ nhận diện khuôn mặt do tác động của Covid-19.
Trong khi dữ liệu khuôn mặt nói riêng và thông tin cá nhân nói chung đang là món hàng được săn đón trên Internet, người dùng vẫn "ngây thơ" đánh đổi quyền riêng tư, dữ liệu sinh trắc học của mình để lấy những bức ảnh vui vẻ. "Không giống thông tin sinh học khác như dấu vân tay hay DNA, dữ liệu khuôn mặt có thể bị thu thập mà bạn không biết hoặc không chấp thuận", Giáo sư Lao Donyan của Đại học Thanh Hoa nói với SCMP. Thông tin nhận dạng khuôn mặt có thể được bán cho các công ty quảng cáo. Nếu dữ liệu đó bị rò rỉ, thiệt hại thông thể khắc phục. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu các thông tin cá nhân lọt vào tay tội phạm công nghệ cao.