Với sự phát triển của công nghệ, Youtuber đang trở thành một nghề “hot”, thậm chí còn tạo nên sự nổi tiếng cho một vài cá nhân. Nhưng với việc có được những nguồn thu đang vô tình tiếp tay cho những clip độc hại, phản cảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Việc tạo nguồn thu trên nền tảng Youtube hiện nay có 5 cách thông dụng đó là kiếm tiền từ chương trình Youtube Partner; bằng việc tham gia Network; kinh doanh, bán hàng; từ quảng cáo trực tiếp và sự ủng hộ của người xem.
Và cách để trở thành một Youtuber cũng hết sức đơn giản đó là chỉ với chiếc điện thoại có khả năng quay video là đủ. Theo đó, họ chỉ việc ghi lại những khoảnh khắc thường nhật và chia sẻ chúng trên nền tảng Youtube.
Và thực tế cho thấy, hiện nay ai cũng có thể trở thành một Youtuber. Tuy nhiên, để thành một Youtuber có lượng người ủng hộ cao và sở hữu những clip “triệu view” thì lại là việc không đơn giản chút nào.
Chính áp lực này, nhiều Youtuber sản xuất ra những clip với mục đích tạo ra sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem. Trong đó không ít những clip phản cảm, chứa nội dung dung tục, ảnh hưởng không nhỏ thuần phong mỹ tục.
Cách đây không lâu, sự xuất hiện của những “giang hồ mạng” như Khá bảnh, Huấn hoa hồng, Dương Minh Tuyền… với các clip mang đậm tính bạo lực, xã hội đen đã xuất hiện tràn lan trên Youtube đã tác động xấu đến một bộ phận giới trẻ.
Qua rà soát của Bộ TTTT, hiện nay trên Youtube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật. Mặc dù thời gian qua, Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của nhà chức trách nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập nên việc ngăn chặn gỡ bỏ này như “muối bỏ biển”.
Chính những “lỗ hổng” này, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TTTT, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xử lý những clip có nội dung nhảm nhí, giật gân tràn lan trên mạng. Trong đó, đã có rất nhiều clip đã bị “tuýt còi” dù đang thu hút cả triệu lượt xem và bình luận.
Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Các video bị coi là nhảm nhí song mang lại tiền cho người tạo ra chúng. Điều này trở thành tấm gương tối trong cuộc sống. Hậu quả ở đây là gây ảnh hưởng tới người khác, khiến cuộc sống lệch chuẩn. Giới trẻ nhìn vào và nghĩ rằng đó là con đường kiếm tiền, có được sự nổi tiếng, rồi bắt chước.
Cũng theo ông Long, đã đến lúc truyền thông và các nhà làm luật cần hành động quyết liệt hơn, bởi nếu chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dùng mạng đừng coi các video xấu nữa thì không hiệu quả. “Quan điểm của tôi là cái gì không thích thì không xem, không share, cảm thấy rất trái với quan điểm của mình thì báo cáo”, ông Long nói.
Thực tế cho thấy, để tạo được “tường lửa” phòng chống clip phản cảm trên Youtube là chính ở mỗi khán giả. Họ chính là những “vị quan tòa” công tâm nhất khi chọn cách rời đi, không theo dõi, không ủng hộ, không góp phần vào việc giúp người tạo ra nội dung xấu tăng view.
Đó là cách phản ứng rõ ràng thẳng thắn, trực diện và hơn hết là ngay lập tức. Đặc biệt, các gia đình có trẻ em nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó.