Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp vay mua nhà sẽ dừng triển khai trong vòng 11 tháng nữa, các hợp đồng tín dụng ký trước tháng 6/2016 sẽ vẫn được giải ngân. Đã đi qua 2/3 quãng đường, song đến thời điểm này, gói 30.000 tỷ mới giải ngân được hơn 1/3. Với sự chậm trễ này, nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ không thành công.
Nhà ở xã hội vẫn còn khá xa vời với người nghèo, công nhân tại các khu công nghiệp.
Ảnh: T.L.
Giải ngân được khoảng 30%
Con số thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến đầu tháng 7/2015, các ngân hàng thương mại tham gia cho vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ dành cho người thu nhập thấp mới giải ngân được khoảng 30%. Theo đó, 10.000 tỷ đồng là số tiền mà các ngân hàng mới giải ngân cho đến thời điểm này, trong đó số tiền cho vay mua nhà ở thương mại chiếm hơn 50%. Được triển khai từ tháng 6/2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2016, đến nay, gói 30.000 tỷ đã đi được 2/3 quãng đường, nhưng số tiền giải ngân được trên thực tế chỉ ở con số 1/3. Trong dư luận, nhiều ý kiến cho rằng, với khoảng thời gian và tốc độ giải ngân ỳ ạch như hiện nay, gói hỗ trợ 30.000 tỷ sẽ không thể về đích đúng hẹn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thừa nhận, năm đầu tiên khi thực hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ bộc lộ nhiều hạn chế, do những rắc rối về thủ tục, điều kiện vay vốn giữa ngân hàng và người mua nhà, kể cả việc ngân hàng và người mua chưa hiểu rõ về các quy định của chính sách… dẫn đến việc giải ngân gói hỗ trợ này rơi vào cảnh “ỳ ạch”.
Tuy nhiên, vừa qua, khẳng định với báo giới, đại diện Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, gói hỗ trợ này sẽ chỉ triển khai đến đúng thời điểm tháng 6/2016 là sẽ chấm dứt. Còn việc có gói mới hay sẽ kéo dài thời gian triển khai nữa hay không, điều này vẫn đang được xem xét tiếp.
Nhận định về ưu điểm của gói hỗ trợ này, không ít ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ 30.000 tỷ ít nhiều đã có tác động đến thị trường bất động sản, và kể cả khi không về đích đúng thời hạn, gói hỗ trợ này cũng đã thực hiện được những điều mà xã hội cần, đó là góp phần cấu trúc lại thị trường bất động sản. Hiện nay, từ gói hỗ trợ này, nguồn cung nhà ở phân khúc trung bình, nhà ở dành cho người thu nhập thấp đã được gia tăng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của phần lớn những người có nhu cầu ở thực, phù hợp với mức thu nhập của đa số người dân hiện nay. Bởi vậy, khi hay tin gói hỗ trợ 30.000 tỷ sẽ ngừng triển khai trong vòng 11 tháng nữa, nhiều chủ đầu tư lo ngại sẽ làm giảm sức hấp dẫn trên thị trường bất động sản.
Ảnh: Hoàng Long
Dục tốc bất đạt
Tuy nhiên, chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, nếu đã chắc chắn không thể giải ngân đúng tiến độ, dừng gói hỗ trợ 30.000 tỷ theo đúng như kế hoạch là việc nên làm. Chứng kiến quá trình giải ngân gói 30.000 tỷ thời gian qua, TS Hiếu khẳng định: Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ dành cho người thu nhập thấp đã không thành công, không đạt được mục tiêu như kỳ vọng ban đầu khi mà đã qua 2/3 quãng đường mà mới chỉ giải ngân được 10.000 tỷ.
“Như vậy, còn 20.000 tỷ nữa, liệu trong vòng 11 tháng nữa có thể xong hay không?” - ông Hiếu đặt câu hỏi và nhận định: “Nếu đã xác định là không xong thì nên dừng, không nên kéo dài hơn nữa. Nếu muốn, chúng ta có thể thay thế bằng gói hỗ trợ khác chứ không nên cố làm gì, dục tốc bất đạt. Vì nếu ép quá, có thể dẫn đến thực trạng tín dụng cấp không an toàn”. Tuy nhiên, theo TS Hiếu, nếu dừng gói hỗ trợ 30.000 tỷ và thay thế bằng một gói tín dụng ưu đãi khác, các nhà quản lý cần phải ngồi lại với nhau bàn bạc một cách kỹ lưỡng xem tiêu chí cho vay thế nào? Đối tượng là ai? Kế hoạch giải ngân ra sao?… Không thể cứ đưa ra một gói hỗ trợ với một số tiền không nhỏ mà không có một sự chuẩn bị nào để rồi vấp phải hàng loạt bất cập như gói 30.000 tỷ.
Nhìn lại quãng đường đã đi qua của gói 30.000 tỷ, nhiều chuyên gia cho rằng, gói này đã gặp trở ngại ngay từ những ngày đầu giải ngân, do sự thiếu thống nhất giữa cơ quan chủ quản với các ngân hàng tham gia cho vay gói hỗ trợ này dẫn đến hàng loạt các rắc rối về thủ tục. Từ đó dẫn đến thực trạng “giải ngân giật khục”: Cứ một thời gian lại phát sinh bất cập mới, cơ quan quản lý lại ngồi sửa sai, bổ sung thiếu sót. “Cách điều hành như vậy là rất thiếu chuyên nghiệp, từ đó gây mất thời gian cho cả người mua, người bán, và cả nhà quản lý” – ông Hiếu nhận định.