Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, đợt dịch Covid-19 lần 2 này sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động do thị trường hàng hóa đóng băng. Chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy. Các mặt hàng trong nước sản xuất ra không xuất khẩu được. Đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp rất nhiều khó khăn và đối tượng lao động phi chính thức chịu tác động nhiều nhất.
Lao động phi chính thức (chiếm khoảng 56% trong tổng số lực lượng lao động), đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nhưng đây lại là nhóm chịu nhiều tổn thương, rủi ro nhất và cũng là nhóm đối tượng ít được thụ hưởng chính sách nhất. Chính vì vậy tại gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng (lần 1), lao động tự do bị mất việc, giãn việc, giảm sâu thu nhập do Covid-19 là một trong những nhóm đối tượng được hỗ trợ.
“Hiện nay các địa phương đã phê duyệt danh sách người thụ hưởng gói an sinh 62.000 tỷ là 18,8 triệu người. Đến ngày 31/7, số tiền giải ngân qua kho bạc gần 12.000 tỷ đồng. Dù vậy đợt dịch Covid-19 lần 2 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động khiến hàng chục triệu lao động phi chính thức đứng trước nguy cơ nghèo đói vì thất nghiệp. Chính vì vậy, Bộ đã tham mưu Chính phủ gói hỗ trợ an sinh lần 2 với phương án hỗ trợ toàn diện để ổn định an sinh xã hội, thúc đẩy sản xuất. Trong đó đặc biệt quan tâm chăm lo đến đối tượng lao động phi chính thức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Được biết để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ LĐTBXH đã có Tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, sửa đổi điều kiện vay vốn và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động (NSDLĐ) đủ điều kiện được vay vốn và kéo dài thời hạn vay.
Trong Tờ trình, Bộ LĐTB&XH cho biết, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít do những quy định còn quá chặt chẽ, thậm chí có những tiêu chí không thể thực hiện được. Do vậy để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua những tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng; sửa đổi điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho NSDLĐ vay đến hết tháng 12/2020 và đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt NSDLĐ đủ điều kiện được vay vốn.
Theo đó sẽ đặc biệt quan tâm đến đối tượng là lao động phi chính thức, lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên do DN, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục…
Đánh giá về đề xuất trên, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ cũng như nới các thủ tục, điều kiện được hưởng là vô cùng cần thiết. Bởi quá trình triển khai giai đoạn 1 gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng cho thấy có quá nhiều quy định khiến phần lớn lao động phi chính thức chưa thể tiếp cận được gói hỗ trợ.