Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc: Người vay khó kham lãi suất thương mại

Thanh Giang - Thúy Hằng 14/03/2016 10:35

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước với mong muốn xem lại việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc: Người vay khó kham lãi suất thương mại

Nhiều người thu nhập thấp lo lắng nếu chấm dứt gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng từ 1/6.

Xin cơ chế chuyển tiếp

HoREA cho rằng, vì nhu cầu thiết thực của thị trường nên kiến nghị tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng mà không ấn định thời gian cụ thể. Đồng thời, không nên áp dụng hình thức cho vay thương mại đối với những hợp đồng giải ngân sau ngày 1/6.

Theo HoREA, Ngân hàng Nhà nước cho biết các ngân hàng thương mại đã cam kết cho vay 28.884 tỷ đồng đạt 96.28%. Riêng tỷ lệ giải ngân đã lên tới hơn 20.000 tỷ đồng đạt 66.6% cho gần 43.000 hộ gia đình. Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong tổng số khách hàng cho vay có khoảng 70% là đối tượng mua căn hộ nhà ở thương mại có giá bán dưới 1,05 tỷ đồng, 30% mua nhà ở xã hội.

Nhận định về hiệu quả của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA thông tin, có ý kiến cho rằng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản trong lúc đóng băng, bao gồm nợ xấu, hàng tồn kho... Hiện thị trường phục hồi ổn định không cần thiết kéo dài gói hỗ trợ này. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế nhu cầu của người dân, thấy rõ cán bộ công viên chức, người thu nhập thấp đô thị luôn luôn là đối tượng cần thiết có sự hỗ trợ của Nhà nước để tiếp cận nhà ở.

Bàn về những bất cập liên quan đến việc áp dụng hình thức cho vay thương mại đối với những hợp đồng giải ngân sau ngày 1/6 của gói 30.000 tỷ đồng, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn quyết định chấm dứt giải ngân kể từ ngày 1/6/2016 thì cần có cơ chế xử lý chuyển tiếp đối với những người chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới được giải ngân một phần, mặc dù cuối tháng 5 đã ký hợp đồng tín dụng vay gói 30.000 tỷ đồng. Hiệp hội nhận thấy, trước khi ký hợp đồng tín dụng vay gói ưu đãi người thu nhập thấp phải ký hợp đồng mua nhà ở thương mại (dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) với chủ đầu tư, đồng thời trả trước 20% giá trị hợp đồng.

Đơn cử, mua căn hộ 1 tỷ đồng phải trả trước 200 triệu đồng, sau đó ký hợp đồng tín dụng vay 800 triệu đồng. Nếu đến ngày 31/5 mà hợp đồng chưa được giải ngân hoặc mới chỉ được giải ngân một phần mà chấm dứt giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng chắn chắn người thu nhập thấp sẽ khó khăn vì không biết xoay sở như thế nào để có tiền mua nhà.

Trường hợp, vay theo phương thức thương mại người thu nhập thấp không có tài sản đảm bảo, không thể chứng minh thu nhập theo điều kiện của ngân hàng thương mại quy định. Vay thương mại với lãi suất khoảng trên dưới 10%/năm người thu nhập thấp không kham nổi.

Trước những khó khăn của người mua nhà, HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế chuyển tiếp để xử lý các trường hợp này. Cho phép ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân các trường hợp đã ký hợp đồng vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhưng chưa được giải ngân, hoặc chỉ mới giải ngân một phần được giải ngân đến hết hợp đồng.

Cân nhắc đóng tiền trước thời hạn

Thế nhưng đang có tình trạng, nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay đang trong quá trình dang dở. Và để không phải chịu lãi suất vay thương mại, nhiều người mua nhà theo gói 30.000 tỷ đồng dưới sự hướng dẫn của chủ đầu tư đã làm đơn kiến nghị cho được nộp tiền sớm hơn so với tiến độ để ngân hàng giải ngân khoản còn lại trước ngày 1/6.

Hiện nay một số chủ đầu tư đang có động thái tư vấn và kêu gọi khách hàng ký phụ lục hợp đồng thanh toán trước thời hạn kết thúc giải ngân gói 30 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng sẽ trả tối đa 70% số tiền mua căn hộ trước thời điểm 1/6/2016 cho chủ đầu tư thông qua ngân hàng, bất kể tiến độ dự án đang thực hiện đến giai đoạn nào. Như vậy người dân vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi.

Đại diện một ngân hàng tham gia thực hiện triển khai gói 30.000 tỷ cho vay mua nhà ở xã hội lãi suất thấp cũng thừa nhận có thực tế chủ đầu tư, thông qua môi giới hướng dẫn khách hàng nộp tiền một lần để tận dụng lãi suất thấp. Giới chuyên gia cho rằng, khách hàng nên cẩn thận, rất có thể dẫn đến trường hợp chủ đầu tư sau khi nhận tiền góp vốn của dân sẽ đưa đi làm việc khác. Nếu trường hợp này xảy ra khách hàng sẽ rất khó đòi quyền lợi được cho mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc: Người vay khó kham lãi suất thương mại