Thời gian qua nhiều đối tượng dùng chiêu trò gọi video call qua Zalo, Facebook... để lừa đảo chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. Dù nhiều cảnh báo liên tục được đưa ra nhưng nạn nhân sập bẫy vẫn không ngừng tăng lên.
Không ngừng biến tướng
Các hình thức mạo danh lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội liên tục gây nhức nhối dư luận trong thời gian dài vừa qua. Nhiều nạn nhân liên tục sập bẫy và kêu cứu. Nắm bắt được sự cảnh giác của người dân với các phương thức cũ, nhiều đối tượng lừa đảo tiếp tục tung ra chiêu trò mới, xây dựng kịch bản hoàn hảo để đánh trúng tâm lý, moi tiền nạn nhân.
Mới đây, chị N.T.H.Y. (29 tuổi, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) bất ngờ nhận được tin nhắn của anh họ trên Messenger với nội dung cần vay tiền gấp để mua nồi chiên không dầu với số tiền 5 triệu đồng và hứa trả trong vòng 3 ngày. Do nghi ngờ anh trai bị “hack nick”, chị Y. đã lập tức gọi video call để kiểm tra, tuy nhiên bị từ chối với lí do đang bận công việc.
Khoảng 3 phút sau đó, tài khoản này thực hiện cuộc gọi video chưa đầy 5 giây với đúng hình ảnh anh trai chị Y. nhưng hình ảnh bị xước, âm thanh chập chờn giống như đang lỗi mạng. Tiếp đến, tài khoản này nhanh chóng tắt máy rồi nhắn tin “Mạng chỗ anh đang kém, em chuyển tiền cho nhân viên bán hàng luôn giúp anh nhé”. Thấy nghi ngờ, chị Y. lập tức gọi điện thoại cho anh trai thì mới biết nick Facebook này đã bị “hack” từ 1 ngày trước. Thêm vào đó, 2 người bạn thân của anh trai chị cũng bị lừa với tổng số tiền lên đến 10 triệu đồng.
Đây chỉ là một trong những vụ việc điển hình được ghi nhận, rất may nạn nhân trong trường hợp này chưa có thiệt hại về tài sản. Trong khi đó, thời gian qua liên tục ghi nhận tình trạng lừa đảo thông qua hình thức vay tiền, chuyển tiền từ những cuộc gọi video call trên Facebook, Zalo… giả mạo. Số tiền từ vài triệu đồng lên đến vài chục triệu đồng từ sự mất cảnh giác của người dân.
Trên thực tế, theo đánh giá của lực lượng chức năng, số lượng người dân bị lừa đảo thông qua chiêu thức mới này có thể lớn hơn rất nhiều bởi nhiều người bị lừa nhưng không trình báo.
Lực lượng chức năng cũng liên tục phát đi cảnh báo, các đối tượng lừa đảo dùng thủ đoạn rất tinh vi, có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ thời điểm nào. Chúng gọi cuộc gọi video call để giả làm người thân vay tiền, giả làm con cái đang du học nước ngoài gọi điện cho bố mẹ nhờ chuyển tiền đóng học phí hay có thể giả làm nhân vật nào đó khi kết bạn hẹn hò qua mạng để phục vụ cho các kịch bản chúng chuẩn bị sẵn.
Bên cạnh đó, mạng xã hội Facebook hiện nay chưa kiểm soát chặt chẽ việc khai báo thông tin cá nhân. Do vậy, xuất hiện tình trạng có 2 hoặc nhiều tài khoản Facebook giống nhau về tên đăng nhập hoặc các thông tin khác. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả mạo tài khoản Facebook của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo.
Chậm lại để không sập bẫy
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia an ninh mạng, Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam cho biết, tình trạng lừa đảo thông qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện thoại đã không còn mới. Thay vào đó, kẻ gian sử dụng gian kế mới, đánh trực diện vào lòng tin của nạn nhân để xây dựng kịch bản lừa đảo.
Cụ thể, có 2 trường hợp các đối tượng này sử dụng để lừa đảo. Một là, tự thu thập các thông tin cá nhân được đăng tải trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… rồi tạo một nick giả kết bạn với bạn bè, người thân của nạn nhân.
Hai là, thông qua việc “hack” tài khoản mạng xã hội rồi trực tiếp nhắn tin cho nạn nhân để vay tiền, yêu cầu chuyển tiền… Việc “hack” các tài khoản này chủ yếu thông qua hình thức gửi các link mã độc như bình chọn cuộc thi, link video nhạy cảm… yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu. Các trang web này thường có giao diện giống với trang chủ của Facebook hay Zalo. Sau đó, thông tin người dùng sẽ được gửi về hệ thống lưu trữ của hacker để thu thập dữ liệu cần thiết cho việc lừa đảo.
Tiếp đó, các đối tượng sẽ chủ động thực hiện các cuộc gọi video call đến nạn nhân từ những hình ảnh, video đã được “ăn cắp” trước đó và xử lý kĩ thuật, làm méo mó âm thanh hoặc giả sự cố hình ảnh để lấy lòng tin nạn nhân. Thông thường, các cuộc gọi này rất ngắn, chỉ kéo dài vài giây rồi chúng lấy lí do mạng chập chờn, đi ngoài đường… để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền.
Để tránh sập bẫy, chuyên gia an ninh mạng nhấn mạnh, bước đầu tiên và quan trọng nhất để không trở thành con mồi là chậm lại. Những kẻ lừa đảo thường tạo ra cảm giác cấp bách để chúng có thể vượt qua khả năng nhận định của nạn nhân. Vì vậy, khi gặp phải những cuộc gọi lừa đảo, hãy dành thời gian chậm lại và đặt câu hỏi để tránh bị dồn vào tình huống xấu.
“Hiện tại, có rất nhiều trang web và công cụ hỗ trợ người dân trong việc xác định độ tin cậy, an toàn của những cuộc gọi, đường link… được gửi đến người dùng với thời gian rất nhanh. Tuy nhiên, công nghệ hay công cụ cũng chỉ là một phần, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức trong việc cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo này” - ông Hiếu cho biết.
Đặc biệt, khi nhận bất kỳ tin nhắn vay mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác minh chính xác người đang liên hệ với mình là ai với thời gian tối thiểu trên 30 giây hoặc gặp mặt trực tiếp. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng khuyến cáo, khi sử dụng mạng xã hội, người dùng nên để chế độ bảo mật 2 bước, hoặc có thể sử dụng thêm phần mềm từ bên thứ ba để tăng tính bảo mật.
Ngoài ra, chuyên gia an ninh mạng này cũng cảnh báo, trong thời gian sắp tới, việc sử dụng công nghệ Deepfake (giả lập sâu) trong AI để làm giả video call nhằm mục đích lừa đảo sẽ còn tăng lên đáng kể với nhiều chiêu thức tinh vi hơn. Vì vậy người dân cần trang bị những kiến thức, hiểu biết cần thiết.
Khi phát hiện các trang web có dấu hiệu lừa đảo, cần lập tức kiểm tra thông tin và báo cáo. Người dùng có thể truy cập trang web: “Tinnhiemang.vn” hay “Chongluadao.vn” để cập nhật trang web và kiểm tra thông tin về độ tin cậy của trang web đó. Ngoài ra, website “Dauhieuluadao.com” cũng là một địa chỉ cần chú ý để rèn luyện kỹ năng tự phòng vệ trước những chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Cẩn trọng với thông tin cá nhân trên mạng xã hội
Chỉ qua vài thao tác, thủ thuật đơn giản các đối tượng đã có thể tạo ra những hình ảnh cử động rất biểu cảm, sống động… để thực hiện hành vi lừa đảo. Nếu chỉ thoáng qua, rất nhiều người không thể nhận biết được đó là những hình ảnh do phần mềm máy tính hoặc qua kĩ thuật chỉnh sửa tạo ra...
Giả video call lừa tiền là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào mức độ và tính chất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các đối tượng có thể bị xử phạt về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Hoặc bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản.
Mặc dù, đây không phải là thủ đoạn mới, nhưng có thể thấy các chiêu thức của các đối tượng ngày một tinh vi. Chính vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi hỏi vay mượn tiền, tránh việc xác nhận qua video call. Thay vào đó, nên xác thực lại thông tin bằng cách gọi điện thoại hoặc có thể gặp trực tiếp để trao đổi thông tin chính xác trước khi chuyển tiền.
Bên cạnh đó, nên cẩn trọng với các thông tin cá nhân trên mạng xã hội, không nên để lộ quá nhiều thông tin riêng tư như số nhà, số căn cước công dân... Đây cũng là kẽ hở để kẻ gian dễ dàng xây dựng những kịch bản lừa đảo ngày càng tinh vi.
Ngoài ra, ngay khi nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, rơi vào bẫy của các đối tượng, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.