Gốm cổ M’nông trước nguy cơ mai một

Phương Lan 01/06/2016 11:10

Đồng bào dân tộc M’nông ở xã vùng sâu Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) có nghề làm gốm hàng trăm năm. Nhưng thời gian gần đây, đồng bào không còn sản xuất gốm, làng nghề gốm truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một.

Gốm cổ M’nông  trước nguy cơ mai một

Sản phẩm gốm M'nông.

Nghề làm gốm đã có từ lâu đời trên đất nước Việt Nam. Với vùng đất Tây Nguyên nó phát triển muộn hơn rất nhiều, sản phẩm tạo ra được làm hoàn toàn thủ công, hoa văn đơn giản, khả năng sản xuất hàng hóa không cao. Tuy nhiên, làng gốm cổ của người M’nông Rlăm tại buôn Dơng Băk xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk đã một thời cung cấp các sản phẩm cho đồng bào các dân tộc nơi đây khi các sản phẩm hiện đại chưa xâm nhập cũng như việc giao thương, đi lại gặp nhiều khó khăn.

Làng gốm của người M’nông tồn tại lâu đời ở vùng đất Tây Nguyên và mang trong mình một số đặc trưng riêng phù hợp với điều kiện sống của người dân. Đây là làng gốm cổ duy nhất của người M’nông Rlăm với quy trình sản xuất thủ công và cách nung gốm lộ thiên. Sản phẩm gốm được tạo nên trong quá trình lao động, sáng tạo.

Quy trình sản xuất gốm cổ gồm nhiều công đoạn, tổng kết lại gồm 5 khâu chính: Làm đất, tạo hình sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men và nung đốt. Đó là quy trình chung của mỗi làng nghề, tuy nhiên ở từng công đoạn được thực hiện khác nhau tuỳ theo trình độ của làng nghề đó.

Theo các kết quả sưu tầm, nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong các nhóm người dân tộc M’nông thì chỉ có nhóm M’nông Rlăm là có truyền thống nghề gốm lâu đời. Kỹ thuật làm gốm của đồng bào khá độc đáo, nhất là kỹ thuật chế tác.

Đồng bào không cần dùng bàn xoay như thường lệ mà nặn bằng tay và di chuyển xung quanh vật chế tác để tạo dáng. Cách làm này gần giống với cách chế tác gốm Bầu Trúc của người Chăm ở Ninh Thuận. Nguyên liệu để chế tác đồ gốm là loại đất sét được đánh nhuyễn, không pha trộn, thêm vào đó là các họa tiết hoa văn riêng biệt, độc đáo của người M’nông. Sản phẩm gốm được nung lộ thiên chỉ trong vòng 30 phút nhưng rất bền và tinh xảo.

TS. Lương Thanh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: Sản phẩm gốm do đồng bào M’nông ở Yang Tao sản xuất gồm các sản phẩm như bát, chảo, ấm, nồi, niêu, ché rượu... đã có một thời hưng thịnh, được nhiều dân tộc thiểu số khác ở Tây Nguyên chọn sử dụng.

Nhưng, hiện nay làng gốm đang đứng trước thực trạng sản phẩm gốm sản xuất ra không tiêu thụ được, khách tham quan thưa dần nên làng nghề truyền thống sản xuất gốm cổ ở Yang Tao dần dần bị mai một.

Được biết, trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên trong buôn; đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức cho các nghệ nhân M’nông làm đồ gốm theo mẫu có sẵn để làm hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch.

Thông qua hoạt động này, ngành văn hóa tỉnh Đắk Lắk mong muốn góp phần bảo tồn nghề gốm truyền thống, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào. Nhưng những giải pháp này vẫn chưa đủ sức để vực dậy làng nghề gốm cổ.

Do vậy, ngoài việc vận động các nghệ nhân sản xuất gốm ở Yang Tao đổi mới mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm, các cấp chính quyền ở huyện Lắk cần vận động, liên kết với các đơn vị du lịch để đưa du khách đến tham quan, tiêu thụ sản phẩm gốm cho đồng bào. Mặt khác, tỉnh Đắk Lắk cũng cần sớm đưa nghề gốm cổ của đồng bào M’nông vào chương trình phát triển làng nghề nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào khôi phục, phát triển làng nghề, góp phần bảo tồn văn hóa đặc sắc cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn Tây Nguyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gốm cổ M’nông trước nguy cơ mai một