Gọn đầu mối trong chính sách giảm nghèo

25/10/2015 12:25

Thời gian qua, Báo Đại Đoàn Kết đã đặt vấn đề lấp khoảng trống trong hỗ trợ người nghèo. Theo một số chuyên gia ở lĩnh vực này, trong quá trình thực hiện suốt hơn 2 thập kỷ qua chính sách giảm nghèo tuy đạt được nhiều thành tựu song cũng đã bộc lộ những hạn chế, khiến việc chuyển tải vốn tín dụng chính sách còn chưa đúng đối tượng thụ hưởng. Do đó chính sách giảm nghèo cần sớm được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Gọn đầu mối trong chính sách giảm nghèo


Rà soát, thiết kế chính sách giảm nghèo cần chú trọng
nhóm đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh: Mạnh Dũng).

Mở rộng đối tượng thụ hưởng

Theo ông Ngô Trường Thi- Vụ trưởng, Chánh VPQG về Giảm nghèo, hơn 20 năm qua công cuộc giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, đời sống người nghèo từng bước được cải thiện, bộ mặt xã nghèo có sự thay đổi rõ nét.

Đạt được những kết quả ấy là nhờ chính sách giảm nghèo từng bước được hoàn thiện, trở thành hệ thống chính sách, tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống của người nghèo; một số chính sách đã tác động có hiệu quả đến giảm nghèo như y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi; tỷ trọng ngân sách dành cho thực hiện chính sách chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn giảm nghèo (63%).

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, bộc lộ một số điểm tồn tại, hạn chế trong chính sách giảm nghèo. Cụ thể, hiện có quá nhiều chính sách, dẫn đến phân tán nguồn lực, tác động chưa rõ nét tới đối tượng thụ hưởng; tỷ trọng chính sách hỗ trợ sinh kế còn thấp, mà đây chính là giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; một số chính sách chưa hiệu quả, còn mang tính bao cấp, tạo ra sự ỷ lại, chưa khuyến khích tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; độ bao phủ chính sách chưa cao do tiếp cận đo lường nghèo mới chỉ dựa vào thu nhập, chưa tính đến sự thiếu hụt về các nhu cầu của người nghèo; chưa cân đối giữa các chính sách đối với người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của các chính sách giảm nghèo, phù hợp với yêu cầu thực tế, việc rà soát, đánh giá chính sách là cần thiết, nhằm thiết kế lại chính sách giảm nghèo phù hợp hơn trong bối cảnh mới theo hướng: gọn đầu mối, tập trung nguồn lực hướng vào đối tượng thụ hưởng để tạo sự tác động rõ nét, bảo đảm tính hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng, các vùng miền.

Sửa đổi cơ chế quản lý điều hành chương trình giảm nghèo theo hướng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn; tăng cường phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở và cộng đồng dân cư trên cơ sở đổi mới phương thức lập và giao kế hoạch hàng năm sang lập và giao kế hoạch trung hạn (3-5 năm).

Cùng với đó là tổ chức xây dựng đề án chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, xây dựng chuẩn mức sống tối thiểu, chuẩn nghèo chính sách để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, áp dụng sau năm 2015.

Và như thế, theo ông Thi, việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo trong thời gian tới cần đảm bảo các nguyên tắc sau: xây dựng các cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững phải bảo đảm sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; các chính sách còn hạn chế, có vướng mắc cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng: mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.

Các mức chính sách được thiết kế theo nguyên tắc: hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn và xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững.

Chú trọng đồng bào dân tộc thiểu số

TS Bùi Sỹ Tuấn-Viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích: Hiện chính sách an sinh xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, một số mặt yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục. Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Hơn nữa, nghèo trầm trọng vẫn diễn ra ở khu vực nông thôn, trong nhóm hộ dân tộc thiểu số (DTTS). Giờ đây, nghèo đói không còn là hiện tượng phổ biến chung nhưng đang có xu hướng tập trung nhiều hơn ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Một đặc điểm khác của nghèo đói hiện nay là nguy cơ rơi vào bẫy nghèo truyền kiếp của nhiều hộ nghèo. Mặc dù đã có những nỗ lực lớn của Chính phủ nhưng đầu tư của các gia đình nghèo, đặc biệt là các gia đình DTTS cho giáo dục, y tế và dinh dưỡng cho con em họ rất hạn chế, dẫn đến trình độ văn hóa và thể lực của trẻ em nghèo thấp hơn nhiều so với trẻ em trong các gia đình khá giả hơn. Điều này dẫn đến hậu quả là nghèo đói tiếp tục được truyền cho thế hệ sau.

Như vậy, tiếp cận nghèo đa chiều để giảm nghèo bền vững đối với đồng bào DTTS là một trong những thách thức lớn cần được quan tâm hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời cũng cần có những chính sách đặc thù đối với từng vùng, ví dụ đối với khu vực Tây Bắc sẽ khác so với khu vực Tây Nam Bộ…

­Theo ông Tuấn, nhiều nghiên cứu mới đây về phát triển và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam đã nhấn mạnh nhu cầu cần có các chính sách, chương trình và dự án đặc thù và tập trung, có thể giải quyết những nhu cầu của các cộng đồng người dân tộc thiểu số.

Thay vì áp dụng cách tiếp cận mang tính chuẩn hóa ở quốc gia đối với giảm nghèo - vốn trước đó có thể phù hợp, thì những khuyến nghị hiện nay thiên về cách tiếp cận theo tỉnh hoặc theo vùng, với các hợp phần nhắm tới các nhóm khó khăn trong dân như thanh niên, các đối tượng di cư, phụ nữ có tuổi hoặc các đối tượng thuộc một hoặc nhiều nhóm dân tộc cụ thể. Đồng thời, tiếp tục phân cấp cho các địa phương trong thực hiện các dự án giảm nghèo.

Chính sách giảm nghèo cho đồng bào DTTS cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức và bắt đầu bằng việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ bán tự cung tự cấp sang sản xuất thương mại, đa dạng hóa sang các cơ hội việc làm phi nông nghiệp, đặc biệt những lĩnh vực có thể tiếp cận với các thành phố lớn hoặc các thị trường quốc tế, nhân rộng các mô hình và phát triển các chiến lược giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo một loạt các bước từ chuyên môn hóa tới đa dạng hóa nông nghiệp, và tích lũy vốn tài chính, xã hội và văn hóa, cụ thể một số nhóm chính sách.

Bao gồm: tín dụng ưu đãi; hỗ trợ giáo dục cho học sinh thuộc hộ nghèo; hỗ trợ dạy nghề; khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hỗ trợ y tế; hỗ trợ nhà ở; hỗ trợ nước sạch; về hỗ trợ pháp lý; về trợ giúp xã hội…

Ngoài ra, ông Tuấn nhấn mạnh - phải cải thiện môi trường để huy động nhiều hơn nữa sự tham gia của khu vực tư nhân, doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế trong việc đầu tư và tham gia giảm nghèo vùng DTTS cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giảm nghèo: xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục, khuyến nông v.v. Qua đó tạo môi trường cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm gánh nặng cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đồng thời, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ năng lực thực hiện, quản lý cho cán bộ giảm nghèo các cấp nơi có tỷ lệ nghèo DTTS cao.

Chính phủ đã đồng ý cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% và có đông đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020.
Theo đó đồng bào DTTS thuộc 13 huyện của 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 . Cụ thể là các huyện: Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Tiên Phước thuộc tỉnh Quảng Nam; Minh Long, Tây Trà, Trà Bồng thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Khánh Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa; Lộc Ninh, Bù Đốp thuộc tỉnh Bình Phước.
Thủ tướng yêu cầu UBND 4 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Phước xác định các xã đáp ứng tiêu chí nêu trên, lập kế hoạch để triển khai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 124/QĐ-TTg.
Đề án tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 đã được thực hiện từ năm 2014 tại 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và 21 huyện miền núi giáp Tây Nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước.

PV

Hữu Bắc

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gọn đầu mối trong chính sách giảm nghèo