Những ngày qua, một số tỉnh, thành khu vực Bắc Trung Bộ phải hứng chịu đựng những đợt nắng nóng gay gắt, có nơi hơn 40 độ C. Hạn hán và xâm nhập mặn khiến hồ đập cạn trơ đáy, ruộng đồng khô cằn, người dân phải mua từng thùng nước để sử dụng…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra diện tích trồng lúa bị khô hạn nặng xã Trung Sơn, huyện Gio Linh.
Nghệ An: Đập trơ đáy, giếng cạn, ruộng khô
Đập nước Vệ Nông đóng trên địa bàn 2 xã Nam Thanh và xã Vân Diên, huyện Nam Đàn có quy mô rộng hơn 200ha. Đập này là nơi tích trữ nguồn nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 10ha lúa của người dân trên địa bàn. Không những thế, đập còn liên quan đến mạch nước ngầm xung quanh nên rất quan trọng đối với đời sống người dân trong và ngoài vùng. Mặc dù đập có diện tích lớn, tuy nhiên khoảng 10 năm trở lại đây, mực nước trong đập luôn trong tình trạng thấp và cạn. Đặc biệt, vào mùa hè năm nay, nắng nóng đỉnh điểm, cộng với việc không có mưa hơn 1 tháng qua đã khiến con đập cạn kiệt, có đoạn trơ đáy.
Nhiều diện tích lúa của người dân trên địa bàn đang trong tình trạng khô hạn, không có nước để tưới. Mặc dù nhiều năm qua, người dân đã phản ánh lên cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Cứ vào mùa hè, người dân lại phải đi mua từng xe nước về để sinh hoạt và phải sử dụng nguồn nước bơm từ sông Lam vào để “cứu lúa”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch UBND xã Vân Diên (Nam Đàn) cho biết: Tình trạng đập Vệ Nông bị cạn đã xảy ra chục năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh và đặc biệt là vấn đề tưới tiêu cho ruộng lúa. Trong đập vẫn còn nước nhưng phía ngoài và gần tràn thì không có nước. Để giải quyết tình trạng này tạm thời, nhiều lần xã đã phải thuê máy bơm, bơm nước từ đập trong ra đập ngoài thuộc khu vực tràn chảy xuống ruộng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tức thời không hiệu quả.
Chính quyền địa phương và người dân mong muốn cơ quan chức năng huyện Nam Đàn sớm có giải pháp thực hiện dự án đào lạch dẫn nước để người dân có nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng chục ha lúa trên địa bàn.
Đập nước Vệ Nông (Nghệ An) cạn kiệt không thể phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng.
Quảng Trị: Khẩn cấp chống hạn
Ngày 26/6, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã tiến hành kiểm tra các hồ chứa, kênh mương thủy lợi, các diện tích rau màu, lúa bị khô hạn trên địa bàn.
Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương và Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cấp nước tiết kiệm, đảm bảo điều kiện sinh hoạt trước mắt cho người dân và sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huy động toàn bộ nguồn lực ra quân làm thủy lợi, nạo vét các kênh mương, cửa sông để tích nước; thực hiện lắp đặt các trạm bơm dã chiến để phục vụ tưới tiêu với quyết tâm bằng mọi giá phải cứu lấy diện tích lúa đã gieo sạ…
Hiện nguồn nước ở các hồ chứa giảm mạnh, tính đến thời điểm hiện tại, lượng nước các hồ chứa còn lại khoảng 25% so với dung tích thiết kế, một số hồ chứa dung tích rất thấp như Ái Tử chỉ đạt 41%; Đá Mài chỉ đạt 44,8%; Tân Kim chỉ đạt 26,3%; Trúc Kinh chỉ đạt 37,8% ; La Ngà chỉ đạt 25,5%; Kinh Môn chỉ đạt 43,7%...; Riêng tại hồ chứa nước La Ngà là một trong những hồ chứa lớn nhất trên địa bàn nhưng hiện nay chỉ còn 25,5% dung tích thiết kế với khoảng 8,6 triệu m3 nước. Với mực nước này chỉ đủ cung cấp thêm 1 lần tưới cho hơn 1.100 ha lúa của các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh. Nếu trong thời gian tới không có mưa thì nguy cơ mất trắng số diện tích lúa này sẽ xảy ra.
Quảng Trị hiện có trên 2.400 ha cây nông nghiệp bị hạn; trong đó, có trên 1.000 ha bị hạn nặng. Hiện nay, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đang diễn ra đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, đặc biệt trong việc sản xuất lúa Hè Thu 2019. Một số địa phương có diện tích lúa bị hạn nặng gồm: Vĩnh Linh với 249 ha; Gio Linh với 446 ha; Cam Lộ với 257 ha…
* Tại Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn được cho là vùng “chảo lửa” của mùa hè năm nay. Suốt từ trung tuần tháng 6, cái nắng gay gắt đã diễn ra liên tục, kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối. Nhiệt độ trong những ngày này thường từ 38 độ C cho tới 41 độ C. Nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến đồng ruộng nứt nẻ, giếng nước khô cạn. Hạn hán đã khiến cho cuộc sống người dân ở đây đảo lộn. Nước sinh hoạt khan hiếm, cây trồng khô héo.