Sau một thời gian phát động, từ ngày 23 đến 25/11 tới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 57 họa sĩ - nhà điêu khắc đến từ cả ba miền đất nước sẽ tổ chức triển lãm với tên gọi “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh”.
Tác phẩm của họa sĩ Phan Cẩm Thượng (trái) và tác phẩm của họa sĩ Trương Bé (phải).
Đặc biệt, 61 tác phẩm tranh, tượng trưng bày tại triển lãm sẽ được các nghệ sĩ dành tặng để bán đấu giá, nhằm ủng hộ hoạt động gây quỹ cộng đồng phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.
Cuộc hội ngộ sau 15 năm
Theo đó, cuộc triển lãm sẽ cuộc hội ngộ của 4 thế hệ nghệ sĩ với nhiều tên tuổi trong đời sống mỹ thuật đương đại. Trong đó, phải kể đến những như Trương Bé, Ca Lê Thắng, Thành Chương, Đặng Mậu Tựu, Lý Trực Sơn; hay lớp họa sĩ trung niên như Đào Châu Hải, Nguyễn Tấn Cương, Bùi Hải Sơn, Đào Anh Khánh, Hà Trí Hiếu, Hồng Việt Dũng, Đinh Quân, Trịnh Tuân, Lê Thiết Cương, Tào Linh...
Chia sẻ về cuộc hội ngộ đặc biệt này, họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho hay: Lâu lắm người ta mới thấy nhiều nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc cùng nhau trưng bày tranh như vậy. Họ vẫn đang sáng tác dù thị trường nghệ thuật những năm gần đây là hoàn toàn bất lợi với giới mỹ thuật. Ở đó, sự quan tâm rất khác nhau giữa các thế hệ về cuộc sống và nghệ thuật cho thấy những nhát cắt vào các thế hệ, khiến mối liên kết truyền thống trở nên đứt đoạn.
Cũng theo họa sĩ Phan Cẩm Thượng, suốt từ năm 1990 đến nay, có một thực trạng phần nhiều nghệ sĩ nằm im và vẽ kiểu nằm im, những gì bên ngoài đời sống rất ít được quan tâm và ảnh hưởng đến họ. Trong khi, những người trẻ thì ráo riết hơn, nhưng lại thiếu sự viễn vọng khi đưa nghệ thuật quá gần sự thật và đòi hỏi sự thật theo ý của mình.
Hai chiều rất khác nhau này cho thấy bức tranh nghệ thuật Việt Nam còn dở dang. “Chúng tôi cho rằng cuộc hội ngộ này rất hữu ích, nó cho thấy nền nghệ thuật chúng ta còn thiếu những gì, dù chúng ta vẫn vẽ và nặn suốt gần 45 năm qua. Tại sao ta lại buồn về thời cuộc, tại sao ta lại thờ ơ với cuộc sống, và điều ấy cũng giải thích hành vi vài người nào đó đến đốt cháy nhà người khác rồi bỏ đi như không có chuyện gì” - ông Thượng chia sẻ.
Giúp di sản hồi sinh
Triển lãm “Nhà Lang – Giấc mơ hồi sinh” không chỉ là cuộc hội ngộ của các họa sĩ – nhà điêu khắc sau hơn một thập kỷ đến từ ba miền đất nước mà nó còn mang một ý nghĩa đặc biệt. Theo đó, 61 tác phẩm trưng bày sẽ được đem ra đấu giá nhằm ủng hộ việc phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường.
Hơn hai năm trước (10/2013), nhà Lang Mường đã cháy rụi dưới tay những người thiếu ý thức. Nhưng điều đáng nói hơn, đáng tiếc hơn là đã không có ai phải chịu trách nhiệm về đống tro tàn ấy. Cho đến lúc này câu chuyện vẫn là vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Đặc biệt, sau đó là hàng loạt các vụ hỏa hoạn như tại Gian Phủ thờ 300 năm tuổi trong chùa Bút Tháp, cháy chùa Tảo Sách, chùa Dơi, cháy đền thờ Lê Lai ở Thanh Hóa… nối tiếp xảy ra thì câu hỏi phục hồi di sản sau những tai nạn ra sao - đến nay vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng.
Họa sĩ Thành Chương cho biết, triển lãm này nhằm đánh thức ý thức bảo tồn đúng đắn, thậm chí cả về mặt chính sách trong công tác bảo tồn. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình.
Còn theo họa sĩ Lê Thiết Cương: Sự chung tay bảo tồn di sản không đơn thuần chỉ là khía cạnh vật chất. Nó là cái tâm và cái tình tự nhiên, tự nguyện với văn hóa truyền thống. Bảo tồn di sản không phải là việc của riêng một ai. Những giá trị truyền thống của cộng đồng phải là việc của chính cộng đồng cùng chung sức bảo tồn. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất…