Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, Đoàn Thanh niên các cấp đã thể hiện rõ vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo của tuổi trẻ thông qua nhiều hoạt động phù hợp nhu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, từ đó, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tuổi trẻ có nhiệt huyết, có trình độ ngày càng cao đã trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò tiên phong trong nhiều lĩnh vực của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ cải tạo hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, đến chuyển đổi số và ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình ảnh thanh niên hiện diện rõ nét ở mọi mặt trận. Trong đó, không ít mô hình, công trình do đoàn viên, thanh niên khởi xướng đã được nhân rộng và lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê. Tiêu biểu có thể kể đến các mô hình: “Con đường bích họa thanh niên”, “Đường hoa thanh niên”, “Thắp sáng đường quê bằng năng lượng mặt trời”, “Thanh niên khởi nghiệp với sản phẩm OCOP” hay các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ.
Những mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai tại cơ sở hay những dự án phát triển kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ do thanh niên khởi xướng… tất cả đều cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo, bám sát thực tiễn của tuổi trẻ. Đặc biệt, nhiều địa phương đã hình thành đội hình thanh niên chuyển đổi số nông thôn, thanh niên tình nguyện hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử, góp phần từng bước số hóa nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững và giúp người dân tăng thu nhập.
Theo ông Thiệu Minh Quỳnh - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Bình, cần tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho thanh niên nông thôn, thông qua các chính sách ưu đãi thuế, đất đai và quỹ hỗ trợ. Do đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối giữa trường học - doanh nghiệp - thanh niên để hình thành hệ sinh thái nghề nghiệp phù hợp. Bên cạnh đó, truyền thông mạnh mẽ về các tấm gương thanh niên điển hình, khơi dậy khát vọng cống hiến và đổi mới sáng tạo cũng như vai trò “cầu nối” của tổ chức Đoàn trong việc đưa chính sách đến gần hơn với thanh niên, tạo niềm tin và động lực để họ gắn bó với quê hương.
Để khẳng định vai trò của thanh niên trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Tường Lâm - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho rằng, trước hết cần rà soát, đánh giá lại các tiêu chí NTM tại địa bàn, nhất là sau sáp nhập và tinh gọn. Từ đó, đề xuất các công trình thanh niên mang tính liên kết vùng như: đường thanh niên kiểu mẫu, hợp tác xã thanh niên liên huyện, khu trưng bày sản phẩm OCOP… Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp theo chuỗi giá trị vùng, ứng dụng chuyển đổi số và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn cũng sẽ tiếp tục phát triển các đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng thôn mới, đặc biệt ưu tiên lực lượng trẻ là con em địa phương, sinh viên, cán bộ trẻ và du học sinh sau khi về nước. Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng tổ chức đoàn, Hội vững mạnh, tham gia hiệu quả vào phát triển đời sống văn hóa và xây dựng chính quyền ở nông thôn.
“Để phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM” giai đoạn 2026 – 2030 đạt hiệu quả, Trung ương Đoàn đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương kiến nghị Chính phủ xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tài chính đồng hành cùng thanh niên, đặc biệt trong chuyển đổi số, khởi nghiệp nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP…” - ông Nguyễn Tường Lâm chia sẻ.
Bằng những công trình, phần việc cụ thể, tuổi trẻ cả nước đã chung tay góp sức tạo sự chuyển biến, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, đô thị văn minh theo kế hoạch, lộ trình đã đề ra để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển.
Theo báo cáo của Trung ương Đoàn, trong giai đoạn vừa qua, các cấp bộ Đoàn đã trồng được 82.548.700 cây xanh, chăm sóc, duy trì và trồng mới 269.012km đường hoa thanh niên, triển khai vẽ 39.570km con đường bích họa. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên đã chủ động, linh hoạt trong triển khai các hoạt động phù hợp với đặc điểm và nhu cầu thực tế tại địa phương, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thay vì dừng lại ở các chương trình tuyên truyền khô cứng, thanh niên đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động có tính ứng dụng cao như: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa bản địa; mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu, cải tạo hệ thống kênh mương, nhà vệ sinh học đường, hay hỗ trợ bà con xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí NTM…