Góp ý hoàn thiện quy định về hòa giải trong tố tụng trọng tài ở Việt Nam

Gia Hiệp 13/05/2022 16:24

Hiện nay, quy định về giải quyết tranh chấp thương mại trong tố tụng trọng tài vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng và có hệ thống ở Việt Nam. Nhiều ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan của Luật Trọng tài thương mại 2010 để hoàn thiện các quy định này.

Đó là nội dung được thảo luận, góp ý tại Hội thảo về phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trường Đại học Luật TP HCM tổ chức ngày 13/5 tại TP HCM.

Thành phần chủ tọa hướng dẫn các nội dung thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Kiều My)

Tại hội thảo, có 15 bài tham luận tiếp cận với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài từ các vấn đề như: Thỏa thuận trọng tài; Thời hiệu khởi kiện, phạm vi và thẩm quyền của trọng tài; Hòa giải trong tố tụng trọng tài…Ngoài ra, các diễn giả cũng thảo luận những khía cạnh sâu hơn khi tiến hành giải quyết chấp như: Áp dụng lẽ công bằng, áp dụng biện pháp phạt răn đe của trọng tài; Quyết định của Hội đồng trọng tài xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.

Với tham luận “Chuyển giao thỏa thuận trọng tài”, ThS Nguyễn Hoàng Thái Hy, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Trường Đại học Luật TP HCM gợi mở vấn đề pháp lý phát sinh khi một quan hệ có thỏa thuận trọng tài được chuyển giao từ người này sang người khác, cần xác định thỏa thuận trọng tài có đồng thời được chuyển giao hay không. Theo bà Thái Hy, nguyên tắc chuyển giao thỏa thuận trọng tài cùng với quan hệ có thỏa thuận được chuyển giao được lý giải chủ yếu trên cơ sở nguyên lý phụ theo chính (quan hệ phụ tự động theo quan hệ chính).

Ý kiến của LS Kiều Anh Vũ, Phó Tổng thư ký Trung tâm trọng tài Thương mại Phía Nam (STAC) nhìn nhận, hiện nay ở nước ta phương thức giải quyết tranh chấp tương đối phổ biến trong giải quyết tranh chấp thương mại nhưng trong tố tụng trọng tài vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng và có hệ thống. Do đó, chuyên gia này đưa ra nhiều góp ý liên quan đến các bước tiến hành hòa giải trong tố tụng trọng tài; Hiệu lực của quyết địnhh công nhận sự thỏa thuận của các bên và sự việc đã được giải quyết trong quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng phân tích một cách toàn diện và sâu rộng cả về mặt nội dung lẫn khả năng áp dụng vào thực tiễn để sửa đổi, bổ sung cho quá trình phát triển của Luật Trọng tài thương mại 2010 nói riêng và pháp luật của Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp ý hoàn thiện quy định về hòa giải trong tố tụng trọng tài ở Việt Nam