Ngày 10/9, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Một số vấn đề trong Dự thảo Luật Phí và lệ phí”. Nhiều ý kiến cho rằng, cần liệt kê cụ thể các khoản phí, lệ phí trong luật để tránh tình trạng lạm thu, tạo gánh nặng cho người dân.
Xã hội hóa dịch vụ sẽ giúp minh bạch các khoản phí. Ảnh:Quốc Anh.
Nhà nước sẽ không ôm đồm
Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho biết, có 6 điểm mới trong Dự thảo Luật Phí, lệ phí so với Pháp lệnh Phí, lệ phí. Theo đó, Dự luật quy định cụ thể, phí được hiểu là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ trong danh mục phí, lệ phí kèm theo.
Như vậy, Nhà nước đã mở rộng xã hội hóa cung cấp dịch vụ cho xã hội. Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ mà thị trường không làm hoặc làm không hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo công bằng hơn trong cung cấp dịch vụ công.
Bình luận về việc sẽ xã hội hóa các khoản phí, ông Trường cho biết, đây là tín hiệu tích cực, Nhà nước không ôm đồm nữa. Cái nào xã hội làm tốt thì giao cho xã hội. Nếu xã hội hóa phải chuyển sang cơ chế giá dịch vụ như vấn đề làm đường trong giao thông, giáo dục… Nếu xã hội hóa sẽ là dịch vụ, người ta phải làm tốt dân mới trả tiền, qua đó giúp nâng cao chất lượng dịch vụ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính hy vọng rằng, xã hội hóa dịch vụ sẽ giúp minh bạch các khoản phí. Bởi, “tôi thu phí nhưng dịch vụ công của tôi rất vớ vẩn là không được. Không thể để tình trạng người dân không được hưởng gì từ việc đóng phí”.
Đề xuất bác bỏ nhiều loại phí
Rất nhiều ý kiến đưa ra để góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật. Chẳng hạn, về danh mục phí, lệ phí, dù Dự luật đã đề nghị bỏ 19 loại phí có tính chất giá dịch vụ ra khỏi danh mục phí, lệ phí, nhưng còn 51 khoản khác trong đó có những khoản cần nghiên cứu thêm. Bởi, các khoản chưa phù hợp hoặc trùng lặp sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Xuân Trường đề xuất, nên bỏ danh mục lệ phí, khoản phí “lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất” vì đã có “lệ phí trước bạ” cùng tính chất thu này. Hay, nên bỏ “lệ phí phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên internet vì đã quy định thu các khoản: Phí cấp tên miền địa chỉ sử dụng internet, phí sử dụng kho số viễn thông và phí quyền hoạt động viễn thông… qua đó, giảm gánh nặng chi phí cho DN.
Có thể, bổ sung Lệ phí quản lý kinh doanh để thay thế cho thuế môn bài (khi thu khoản lệ phí này sẽ bãi bỏ thuế môn bài) để đảm bảo phản ánh đúng bản chất khoản thu, để DN và hộ kinh doanh cá thể hiểu và thực hiện chính sách tốt hơn.
Một vấn đề quan trọng khác được nhiều chuyên gia đóng góp ý kiến đó là Luật phải đảm bảo tính minh bạch. Theo ông Cường, Dự thảo quy định nguyên tắc tổ chức thu phí được để lại một phần theo quy định pháp luật để trang trải chi phí và khấu trừ vào phần khoản chi của đơn vị sự nghiệp. Nguyên tắc tổ chức như vậy là hợp lý rõ ràng. Tuy nhiên, vấn đề hạch toán thu ngân sách là hạch toán theo số phí nào (số phí thu hay số phí thu về sau khi đã khấu trừ chi phí thu để lại cho tổ chức thu phí), điều này chưa làm rõ ràng.
Vì vậy, cần bổ sung quy định để làm rõ trách nhiệm báo cáo chính xác số thu phí để tính theo số phí được thu về bao gồm cả phần chi phí để lại để tổ chức thu cho tổ chức thu phí. Phần để lại này phải được hạch toán là chi ngân sách nhà nước để phản ánh đầy đủ, chính xác thu, chi ngân sách nhà nước trong lĩnh vực phí, lệ phí. Đặc biệt phải đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch. Theo đó, phải quy định về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý phí, lệ phí.
Ngăn chặn tình trạng lạm thu
Ông Nguyễn Anh Bình, Trưởng đại diện báo Kinh tế nông thôn tại Hà Tĩnh chia sẻ những vấn đề có liên quan đến loạt bài “Gánh nặng quê nghèo” tại Hà Tĩnh vừa qua.
Ông Bình cho biết, cứ đến mùa thu thuế dân lại “hồn siêu phách lạc”. Bởi từ Quyết định 34, địa phương “đẻ” ra loại phí mà không kịp đặt tên. Rất nhiều loại quỹ mà người dân ở quê nghèo đã phải nộp khiến dân rất khổ. Ông Bình đề xuất, Luật cần “niêm yết” các khoản thu vào trong luật để tránh tình trạng lạm thu theo kiểu “trên không biết, dưới tung hoành, hậu quả là dân gánh chịu”.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho biết, tới đây sẽ liệt kê chi tiết danh mục các khoản thu, vào luật chứ không liệt kê danh mục phí, lệ phí như trước đây. Theo đó, sẽ thống kê, rà soát các khoản thu. Chẳng hạn trong ngành nông nghiệp đã rà soát bỏ được mấy chục khoản thu. Đây là các khoản do các đơn vị sự nghiệp, địa phương ban hành.
Nếu áp dụng luật theo hướng này sẽ hạn chế “đẻ” ra các khoản thu mới nhưng cũng có hạn chế là, nếu khoản thu không hợp lý về thực tiễn vẫn phải thu hoặc những khoản thu hợp lý mới phát sinh nhưng chưa được thu ngay vì phải chờ QH phê duyệt.