Việc tổ chức cho giáo viên góp ý vào sách giáo khoa (SGK) mới một cách rộng rãi trước khi Hội đồng Thẩm định công bố kết quả và Bộ trưởng GDĐT phê duyệt là điểm mới so với trước.
Tiếp cận sớm với sách
Thầy giáo Vũ Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (Tứ Kỳ, Hải Dương) là một trong những người được phân công tham gia góp ý vào bản mẫu SGK Toán lớp 6 của 2 bộ “Chân trời sáng tạo” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
Thầy Tiến cho biết chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ nhưng bước đầu ghi nhận so với SGK Toán lớp 6 cũ, sách mới đa dạng hơn về nội dung nhưng vẫn phù hợp, không làm khó học sinh. “Bản mẫu SGK Toán lớp 6 mới đã thực hiện đúng quan điểm đổi mới là học kiến thức gắn liền với thực tiễn. Các ví dụ đưa ra đều có hình ảnh minh họa với thực tiễn. Học sinh học xong kiến thức là có thể trải nghiệm và thực hành”- thầy Tiến nhận xét.
Ở đợt góp ý đầu tiên, Sở GDĐT Hải Dương đã lựa chọn 90 giáo viên lớp 2 và 160 giáo viên lớp 6 tham gia góp ý vào các bản mẫu SGK do Bộ GDĐT cung cấp, bao gồm 33 bản mẫu SGK lớp 2 và 43 bản mẫu SGK lớp 6 với đầy đủ các môn học của nhiều nhà xuất bản. Để tránh quá tải, Bộ chọn gửi dần các bản mẫu SGK đã thẩm định để giáo viên nghiên cứu, góp ý chứ không gửi cùng lúc tất cả các bộ SGK.
Thông tin từ Sở GDĐT Quảng Bình cho biết, đến nay tỉnh đã hoàn thành đợt 1 việc tổ chức góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6. Sở đã ban hành văn bản yêu cầu các phòng GD lựa chọn đội ngũ giáo viên đọc để góp ý các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 là những giáo viên có kinh nghiệm trong dạy học lớp 2, lớp 6 (gồm chủ yếu là những giáo viên giỏi, lâu năm, tổ trưởng tổ bộ môn…).
“Tuy thời gian đọc bản mẫu SGK ngắn, giáo viên chủ yếu tranh thủ đọc ngoài giờ, một số bộ SGK đưa bản mẫu lên website chưa đầy đủ nhưng qua tổng hợp góp ý của Sở GDĐT cho thấy, các giáo viên tham gia đọc bản mẫu SGK rất trách nhiệm (ở SGK lớp 2 có 9 môn, mỗi môn có 10 người đọc; SGK lớp 6 có 12 môn, mỗi môn có 10 người đọc), có nhiều ý kiến góp ý rất chi tiết, cụ thể”- đại diện Sở cho hay. Hiện tại, Sở GDĐT Quảng Bình đã tổng hợp ý kiến góp ý của các giáo viên đối với từng bản mẫu sách SGK, gửi bản mềm về Bộ GDĐT. Đồng thời tiến hành tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 góp ý theo kế hoạch đợt 2 của Bộ GDĐT.
Được biết, trong đợt góp ý lần 2 này, không chỉ toàn bộ giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 cần vào website của các nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK mà còn đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để nghiên cứu, góp ý và chuẩn bị việc đề xuất lựa chọn SGK.
Huy động trí tuệ toàn dân
Việc tổ chức cho các giáo viên góp ý vào SGK mới một cách rộng rãi trước khi Hội đồng Thẩm định công bố kết quả và Bộ trưởng GDĐT phê duyệt là điểm mới so với năm học này. Theo quy định cũ, chỉ các thành viên Hội đồng Thẩm định SGK mới được xem xét, góp ý bản mẫu SGK.
Liên quan đến việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần chắt lọc những ý kiến góp ý đúng để tiếp thu. Những ý kiến nào chưa đúng thì cần có giải thích lại để toàn xã hội đồng thuận, vì tất cả chúng ta đều vì tương lai của đất nước, đều vì con cháu.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định: “Dù có một bộ sách hay nhiều bộ sách thì chất lượng vẫn phải tốt, ít nhất là bằng hoặc tốt hơn ngày xưa. Việc đó là trách nhiệm của Bộ GDĐT. Và không thể nào Bộ GDĐT hoàn thành được nếu không có sự đóng góp đông đảo của đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học giáo dục, đặc biệt là toàn thể nhân dân”.
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của việc góp ý bản mẫu sách giáo khoa từ phía Hội đồng Thẩm định cũng như tất cả các cá nhân, tổ chức liên quan có sự quan tâm đến công việc này. Huy động sức mạnh trí tuệ toàn dân cũng không phải là nói quá bởi SGK trên thực tế vẫn là một tài liệu dạy học quan trọng với cả thầy và trò.
Mặc dù theo quy định mới, việc dạy học hoàn toàn có thể thoát ly SGK, thầy có thể tự chọn/ tự thiết kế SGK để dạy học trò của mình nhưng thực tiễn cho thấy, quan điểm sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo và giáo viên có quyền thay thế những ngữ liệu không phù hợp trong sách giáo khoa vẫn còn một khoảng cách so với thực tế.
Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Hiền (Phú Yên) từng đặt câu hỏi: “Một đội ngũ có trình độ, có bề dày dạy và nghiên cứu khoa học, học hàm, được Nhà nước đào tạo bài bản mà biên soạn sách còn gặp nhiều thiếu sót và Hội đồng Thẩm định yêu cầu thay vẫn bảo vệ đến cùng, thì với trình độ, bằng cấp của giáo viên còn thấp hơn thì giáo viên nào tự tin nói rằng tôi sẽ dùng ngữ liệu đúng hơn so với các giáo sư, tiến sĩ?”.
Từ đây, có thể thấy việc góp ý SGK chính là một nội dung quan trọng để góp phần nhặt sạn và đưa đến những sản phẩm SGK chuẩn mực để đưa vào giảng dạy trong nhà trường, thay vì để tình trạng vừa dạy vừa nhặt sạn như năm học vừa qua!
“Ngoài giáo viên, Bộ GDĐT cần lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia và người dân đối với các bản mẫu SGK lớp 2, lớp 6 và các lớp sau này nhằm tạo sự khách quan” - TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) góp ý với Bộ GDĐT.