Theo bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước: Sự đoàn kết trong Đảng sẽ đưa đến đoàn kết của toàn dân. Và đoàn kết dân tộc mạnh mẽ sẽ tranh thủ được đoàn kết quốc tế rộng rãi.
Đại hội Đảng lần thứ XII (đầu năm 2016) diễn ra trong tình hình thế giới hết sức phức tạp, phức tạp hơn nhiều so với thời gian ĐH XI (2011). Trong những năm tới có thể còn phức tạp hơn nữa, khó lường… Đặc biệt tình trạng tranh chấp chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ đưa đến đẩy mạnh chạy đua vũ trang và khả năng xảy ra va chạm, xung đột quân sự…
Sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng. Cạnh tranh kinh tế quyết liệt trong khi kinh tế toàn cầu khôi phục chậm chạp. Tất cả tình hình đó đều có tác động không ít đến Việt Nam.
Mặt khác, chúng ta bước vào giai đoạn phải thực hiện đầy đủ các cam kết với ASEAN, WTO, và với nhiều hiệp định kinh tế, thương mại khác. Sự hội nhập quốc tế sâu rộng hơn đặt ra nhiều thách thức. Do vậy, các quyết sách mà ĐH XII đưa ra có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển đất nước, tương lai của dân tộc. Những quyết sách đó phải chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu của tình hình, đặc biệt trước những khó khăn, phức tạp của cục diện quốc tế và trong nước hiện nay.
Đứng trước nhiệm vụ nặng nề, xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước đi lên theo hướng XHCN như mong ước, nhân dân ta sẽ phải phấn đấu hết sức mình, và kiên trì trong giải quyết mọi vấn đề trong các lĩnh vực của đời sống, từ xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật đến củng cố an ninh - quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia.
Để thực hiện sự nghiệp cách mạng to lớn và vẻ vang đó, cần có đường lối chính trị đúng, một Đảng lãnh đạo vững mạnh, với một đội ngũ cán bộ tài - đức, biết đoàn kết, luôn luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân trên tất cả, và đại đoàn kết mạnh mẽ của toàn dân.
Dự thảo Báo cáo Chính trị của ĐH XII đã nêu trong phần mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới, và có thể cho lâu dài: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa”.
Điều đó là hoàn toàn đúng đắn nhưng chúng ta cần phải nhấn mạnh và cụ thể hóa hơn nữa, vì đó là vấn đề cốt lõi, bao trùm. Nội dung xây dựng Đảng có rất nhiều mặt: đường lối, tư tưởng chính trị, tổ chức và cán bộ, phương thức lãnh đạo v.v… Trong xây dựng Đảng, điều gì cần đặc biệt quan tâm?
Trong dịp này, không có gì tốt hơn là chúng ta phải tìm trong quan điểm và luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng Đảng. Di chúc của Hồ Chủ tịch đã chỉ ra rõ: để Đảng xứng đáng là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng phải “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. “Nhờ đoàn kết chặt chẽ”, biết lãnh đạo nhân dân nên chúng ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Bác còn nhấn mạnh đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc, là sức mạnh của dân tộc, mà cũng là sức mạnh của Đảng. Cho nên, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác cũng không quên sự đoàn kết quốc tế, sự đoàn kết giữa các Đảng Cộng sản, coi đó là vấn đề hết sức quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới.
Lịch sử đấu tranh hàng thế kỷ qua, đặc biệt từ sau cách mạng tháng Tám, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước đã cho nhân dân ta nhiều bài học quý báu trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng bài học lớn nhất, quý báu nhất là bài học về đoàn kết dân tộc, đoàn kết từ trong Đảng ra nhân dân, từ cấp cao lãnh đạo đến người đảng viên. Đoàn kết thống nhất ý chí để tìm ra đường lối chủ trương đúng, đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Không phải lúc nào việc ra quyết định cũng dễ dàng nhưng sinh thời Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo cao nhất trong Đảng luôn kiên trì nguyên tắc đoàn kết, nhất trí vì mục tiêu chung. Nghị quyết 15 của Trung ương (1960) trong kháng chiến chống Mỹ, nay ta xem là một quyết định lớn rất đúng và kịp thời của Đảng để đưa cuộc kháng chiến vào giai đoạn phát triển mới: vừa đấu tranh chính trị, đồng thời vì kẻ thù đã dùng vũ lực nên phải kịp thời đấu tranh vũ trang. Nghị quyết phải qua một thời gian để các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị nghiên cứu, trao đổi và đi đến nhất trí.
Đường lối đổi mới do Đảng đề ra năm 1986 cũng được quyết định trên cơ sở thống nhất nhận định tình hình và thống nhất chủ trương, đặt lợi ích chung của nhân dân, của đất nước lên trên hết. Đó chính là nền tảng của sự đoàn kết, thống nhất ý chí. Không có và cũng không vì lợi ích riêng.
Những năm gần đây, trong bối cảnh thế giới và khu vực thay đổi nhanh chóng, chúng ta bước vào giai đoạn đấu tranh mới, vừa bảo vệ vừa phát triển đất nước, do nhiều nguyên nhân, đã xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức trong một số không ít đảng viên, chạy theo lợi ích cá nhân, cục bộ, phe nhóm, không gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ… làm mất uy tín của Đảng, giảm lòng tin của nhân dân.
Nếu đoàn kết là sức mạnh thì sự mất đoàn kết, chia rẽ làm suy yếu Đảng hơn bất cứ gì khác.
Nhiều nghị quyết của Đảng, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 (ĐH XI) đã đặt vấn đề phải chỉnh đốn Đảng để Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, được sự tin yêu và ủng hộ của nhân dân, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của những đồng chí có trách nhiệm cao, đứng đầu các đơn vị… Để Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của nhân dân thắng lợi, trong thời điểm hiện nay, nhiệm vụ của đất nước, của Đảng hết sức nặng nề. Đứng trước nhiều thách thức, hơn bao giờ Đảng phải vững, mạnh.
Do đó, tất cả đảng viên phải nâng cao lập trường tư tưởng, ý chí cách mạng, nâng cao trình độ về mọi mặt. Mặt khác, về cơ chế lãnh đạo và quản lý cần đặc biệt phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, đấu tranh kiên quyết chống tham vọng quyền lực và lợi ích cá nhânvì đây chính là gốc rễ của mọi sự chia rẽ, mất đoàn kết. Vấn đề đoàn kết nhất trí đặt ra hiện nay càng có ý nghĩa quyết định.
Tình hình càng khó khăn phức tạp càng cần phải đoàn kết, càng cấp cao càng cần gương mẫu. Hơn bao giờ hết, toàn Đảng phải luôn theo lời dạy của Bác Hồ. Vì lợi ích chung của đất nước, của dân tộc, nhân dân cần có sự đóng góp tích cực làm cho Đảng càng đoàn kết, càng vững mạnh.
Đại hội XII, bên cạnh vấn đề đường lối quan điểm của Đảng trong tình hình mới, vấn đề nhân sự, bầu lại các cấp ủy là đặc biệt quan trọng. Trong các tiêu chí đạo đức đề ra cho người được bầu, cần có tiêu chí về đoàn kết nội bộ, không thể thiếu tiêu chí quan trọng này. Đoàn kết nhất trí không phải dĩ hòa vi quý, mà đoàn kết nhất trí phải trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ của Đảng, vì lợi ích của nhân dân.
Kinh nghiệm cho thấy, sự đoàn kết trong Đảng sẽ đưa đến đoàn kết của toàn dân. Và đoàn kết dân tộc mạnh mẽ sẽ tranh thủ được đoàn kết quốc tế rộng rãi. Đó là bài học lớn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và bài học đó mãi mãi có giá trị đối với nhân dân ta.