Grab mua Uber: Nơi bảo phạm luật, nơi nói không!

Minh Phương 08/07/2019 07:12

Liên quan đến sự vụ Grab mua Uber, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), Cơ quan điều tra kết luận Grab mua Uber Việt Nam là hành vi tập trung kinh tế, nhưng phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh lại đi ngược với kết luận điều tra. Vậy, đúng sai thế nào?

Grab mua Uber: Nơi bảo phạm luật, nơi nói không!

Ảnh minh họa.

Tính độc lập cao giữa 2 cơ quan

Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức cuối tuần qua, câu chuyện Grab mua Uber tiếp tục được xới lên. Liên quan đến phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh về vụ việc Grab mua lại Uber gây nóng dư luận, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân- Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho hay, Cục này có chức năng điều tra, xem xét vụ việc cạnh tranh trong đó có vụ việc Grab mua lại Uber. Trong quá trình điều tra chính thức và bổ sung, Cục đã có báo cáo và kết luận điều tra liên quan, chuyển sang Hội đồng Cạnh tranh xử lý xem xét.

Hội đồng Cạnh tranh đã mở phiên điều trần kín để nghe các bên và sau đó đã có phán quyết nêu rõ việc: “Không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra về hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục các biện pháp cạnh tranh, đối với các việc của Grab và Uber. Do việc mua, bán, chuyển nhượng, tiếp nhận việc này không cấu thành theo hình thức mua lại doanh nghiệp (DN) được quy định theo Khoản 3, Điều 7 của Luật Cạnh tranh năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh. Quyết định này đi ngược kết luận điều tra của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng”- ông Tân khẳng định và cho rằng, điều này thể hiện rõ tính độc lập cao giữa 2 cơ quan. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với vai trò thẩm định, điều tra, là nơi xem xét điều tra, tìm chứng cứ, còn thẩm quyền của Hội đồng Cạnh tranh chính là người xem xét quyết định.

Ông Tân cũng cho biết, phán quyết của Hội đồng Cạnh tranh đặt ra hơi khác, theo hướng Grab mua lại Uber là không vi phạm. Trong khi đó, các quốc gia khác như Singapore, Philippines có phán quyết về việc xử phạt và coi việc đó là vi phạm bên cạnh hành vi khác. Đây là câu chuyện về hành vi lạm dụng, vấn đề đặt ra đó là cách nhìn nhận quy định pháp luật của mỗi nước. Thứ 2, vấn đề này đặt ra dựa trên phán quyết, chưa thể kết luận và nhận định về hành vi và tình tiết điều tra, xem xét. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, có chuyện bất đồng giữa cơ quan điều tra và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng với Hội đồng Cạnh tranh là người xem xét giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định xử lý của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hoàn toàn có quyền khiếu nại đến Hội đồng Cạnh tranh để xử lý quyết định cạnh tranh này.

Cần sớm có “phán quyết” cuối cùng

Trả lời nghi vấn của dư luận về việc, dường như Luật Cạnh tranh Việt Nam còn nhiều kẽ hở, chưa đủ chặt chẽ để bảo vệ môi trường kinh doanh một cách lành mạnh, sòng phẳng như các nước trên thế giới, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng: Việc thỏa thuận mua bán sáp nhập là quyền của DN. Không thể coi nó là không lành mạnh, nó chỉ được coi là không lành mạnh khi có tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường. “Luật Cạnh tranh luôn tôn trọng quyền tự do của DN trong việc mua, bán sáp nhập nhưng đến mức độ nhất định thì mới bị xem xét và xử lý” - ông Tân nhấn mạnh.

Trước đó, cuối tháng 6/2017, căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Cạnh tranh 2004, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi đơn khiếu nại tới Hội đồng Cạnh tranh về Quyết định số 26/QĐ-HĐXL ngày 17/6/2019 của Hội đồng Cạnh tranh liên quan đến hành vi Grab mua lại Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đơn khiếu nại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng không nhất trí với Quyết định số 26/QĐ-HĐXL về nội dung: Không chấp nhận đề nghị của cơ quan điều tra, về việc áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh đối với Công ty TNHH GrabTaxi (Grab) và Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber Việt Nam).

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng không đồng tình với quyết định của Hội đồng Cạnh tranh khi phán quyết: Việc mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ giữa hai công ty này không cấu thành hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại DN, quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh và Điều 34 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, bản chất và nội dung của giao dịch mua bán, chuyển nhượng và tiếp nhận nghĩa vụ là việc Grab mua toàn bộ tài sản của Uber Việt Nam dẫn tới Grab đã kiểm soát, chi phối toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber. Do đó, hành vi bị điều tra là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại DN quy định tại Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Grab mua Uber: Nơi bảo phạm luật, nơi nói không!