Việc Grab chính thức thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.Tại cuộc họp báo thường kỳ Quý I-2018, ngày 29/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ GTVT không can thiệp quá trình thâu tóm Uber của Grab, vì doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo Luật Cạnh tranh.
Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện quy định để đảm bảo lợi ích người dân và của taxi công nghệ.
Tuy nhiên với những xe Grab tham gia vào giao thông, sắp tới Bộ GTVT sẽ đưa ra giải pháp để kiểm soát lượng phương tiện, mục tiêu giảm tải ùn tắc hiện nay.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ở góc độ taxi công nghệ, khi Grab thâu tóm Uber sẽ thống lĩnh thị trường bởi trước đây có 2 DN, nhưng nay chỉ còn Grab sẽ xảy ra tình trạng độc quyền. Tại Việt Nam, Uber và Grab bản chất không còn là kinh tế chia sẻ. “Khi thị trường có sự độc quyền sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng cũng như người lao động và Nhà nước cần có cơ chế, chế tài để điều chỉnh” - ông Long nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, không nên quá lo lắng Grab sẽ độc quyền. Vấn đề là các DN cần xây dựng một phần mềm đủ mạnh để có thể cạnh tranh. Theo ông Nguyễn Công Hùng, Hiệp hội Taxi Hà Nội, vấn đề taxi truyền thống và Uber, Grab thời gian qua được đề cập khá nhiều, nhưng có những vấn đề cần phải xem xét như giá cước.
Chuyên gia giao thông Phạm Sanh cho rằng, việc Uber về tay Grab tại Việt Nam là “bình thường và là kết quả tất yếu của quy luật cạnh tranh”. Trên thực tế, Uber cũng đã rút khỏi Trung Quốc và việc ra khỏi thị trường châu Á là chủ trương lớn của Uber. Theo ông Sanh, để khách hàng và lái xe không bị thiệt thòi, vai trò của cơ quan chức năng mà cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải rất quan trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện thể chế và phải vì lợi ích người dân chứ không thể vì lợi ích của DN dù là Grab hay taxi truyền thống.
Tại cuộc họp báo, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á là hoạt đông kinh doanh hợp pháp. Chính vì vậy, trước nhiều quan ngại của chủ phương tiện tham gia vào vận tải theo loại hình Uber hay Grab được báo giới đăng tải gần đây, Bộ GTVT không có quyền can thiệp, mà chỉ khuyến nghị DN thực hiện theo luật tại Việt Nam.
Sự độc quyền của Grab, đúng một phần, vì trước đây là 2 DN, bây giờ chỉ còn là một DN cung ứng dịch vụ kết nối vận tải tiện ích. Tuy nhiên, sự độc quyền ảnh hưởng như thế nào tới chuỗi vận tải truyền thống, hay gia tăng thêm sự ùn tắc ở các thành phố lớn, thì các nhà chính sách, quản lý cần phải nghiên cứu.
“Bản chất của vận tải Grab là tận dụng sự nhàn rỗi của phương tiện, giảm áp lực cho vận tải công cộng, mục tiêu giảm tải ùn tắc. Song nếu không quản lý tốt, khi lượng xe phát triển do tính toán kinh tế của chủ phương tiện, đặc biệt khi Grab đang trở thành ngành kinh doanh độc lập, mong muốn của bản chất kia sẽ là sự trái chiều. Tới đây, Bộ GTVT sẽ giao cho Vụ Vận tải nghiên cứu các giải pháp để trình phê duyệt, với mục tiêu kiểm soát lượng phương tiện của Grab trong thời gian tới” -Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.
Liên quan đến câu hỏi liệu sự độc quyền của Grab sẽ ảnh hưởng quyền lợi của các loại hình vận tải truyền thống, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng phải coi kinh doanh vận tải là vấn đề thị trường, là sự cạnh tranh của các DN. Nếu DN thực hiện đúng luật thì các DN khác phải “tự thích ứng” để tồn tại.
Sắp tới, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu có nên áp dụng biển kiểm soát màu riêng biệt, để phân biệt phương tiện thông thường với phương tiện kinh doanh. Đây cũng là một giải pháp để kiểm soát phương tiện, giảm áp lực giao thông cho không chỉ các thành phố lớn.