“Từ xưa đến nay, việc thi Toán ở Việt Nam hoặc nhiều nước chủ yếu vẫn là thi viết, có tính toán, có một chút chứng minh dù không nhiều lắm. Gần đây xu thế một số nước như Mỹ, đã thi Toán bằng phương pháp trắc nghiệm. Tôi nghĩ cần có những xem xét kĩ càng và thấu đáo hơn trước khi đưa ra quyết định cuối cùng” - GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về Dự thảo thi THPT Quốc gia của Bộ GD-ĐT đưa ra với môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm.
GS. Ngô Bảo Châu.
Học nhiều không bằng học sâu
Học toán học ích gì? Tại sao lại phải học nhiều dạng toán khó như vậy trong khi cuộc sống hàng ngày không mấy dùng đến?
Giải đáp thắc mắc này, theo GS Ngô Bảo Châu, tư duy mạch lạc, logic không phải mọi đứa trẻ đều có từ đầu. Học các thao tác cơ bản, mệnh đề thuận, mệnh đề đảo, mệnh đề phản đảo trong toán học có vẻ không để làm gì nhưng đây là việc giúp đứa trẻ hình thành tư duy mạch lạc không bị sai về mặt logic là điều quan trọng.
“Học toán mang đến khả năng phát triển tư duy ở ba khía cạnh: Thứ nhất là khả năng diễn đạt, khả năng xây dựng ngôn ngữ phù hợp diễn đạt vấn đề có thể tinh tế, có thể phức tạp. Khả năng thứ hai là khả năng logic, suy luận không bị sai, không ai có thể bắt bẻ được. Khả năng thứ ba là khả năng tính toán, khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến các con số. Đây là ba khả năng cơ bản mà mỗi con người trong mọi xã hội, đặc biệt trong xã hội hiện đại cần phải có”.
Tuy nhiên, phản đối phương pháp học lấy số lượng mà tập trung vào chất lượng, GS Châu cho rằng cần quan tâm đến việc hệ thống hóa. Thay vì ghi nhớ một nghìn, một triệu bài toán, hãy so sánh các bài toán đã làm giống nhau, khác nhau ở điểm nào, rồi hệ thống hóa nó thành cách dạng bài từ sự liên quan, mối quan hệ của chúng với nhau. Làm bài ít thôi và hiểu thật sâu, hiểu mối liên hệ của những bài toán đó mới là điều cần thiết chứ không phải giải nhiều bài sẽ giỏi.
Lấy ví dụ từ chính câu chuyện học toán của mình, GS Châu cho rằng chính sự nghiêm túc với bản thân trong làm toán, tự tìm ra lời giải, không dễ dàng chấp nhận việc người khác giải thích cho mình mà tự mình tìm ra sẽ nhớ lâu, nhớ kỹ.
“Tôi nhớ, lớp 6, ngoài việc đi học thêm, tôi có vài cuốn sách, lúc đầu, tôi không làm được bài nào, ức ghê. Có những bài đơn giản nhưng giải mãi không xong, phải lén mở lời giải cuối trang xem cách giải. Mỗi lần thấy ức hơn là một lần làm tốt hơn, học giỏi hơn. Khi cảm thấy sự dốt nát sâu sắc thì học mới tiến bộ được”
Cảnh giác với hệ thống máy tính
Trước những thông tin phong phú và phức tạp của đời sống hiện nay, đặc biệt là trên môi trường internet, GS Châu cho rằng thái độ của con người với thông tin cũng như thái độ của con người với thức ăn. Khi ta đói, cái gì chúng ta cũng ăn, khi thức ăn thừa thải thì cần hết sức cẩn thận. Ông cảnh báo: Máy tính chứa quá nhiều thông tin, mỗi thời điểm nên quan tâm một thứ thôi, không nên quan tâm qúa nhiều, nên chọn, lọc vấn đề tránh tâm tính bị xáo trộn. Không nên để những buồn vui trong xã hội làm ảnh hưởng đến tâm trạng”.
Ông cho rằng mỗi lứa tuổi có những nhu cầu, mục đích đọc khác nhau. Không hẳn là định hướng, việc đọc phải thực sự có ích, bổ ích, không phải đọc quá nhiều, không phải một ngày, một thời gian đọc 2- 3 quyển sách. Việc đọc phải phụ thuộc vào tâm tư, tâm trạng. Những câu hỏi về khoa học, thiên nhiên, con người và về xã hội… có thể tìm ra câu trả lời trong sách tham khảo, sách lịch sử, sách hư cấu...
Riêng Toán học, theo GS Châu, đây thực chất là một ngôn ngữ, vượt qua ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Vẻ đẹp của toán học trong tiếng Việt là xây dựng ngôn ngữ có thể biểu đạt một số điều một cách sáng rõ, ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc và chính xác, đây có thể là cái mà toán học hướng đến.
Với một người mê học toán từ cấp 2, việc nghiên cứu toán đã nghĩ đến rất sớm nhưng cựu học sinh chuyên Toán A0 cũng từng có thời gian lung lay vì thích tin học. Tuy nhiên sau 3 tháng thực tập ở ĐH, ông đã bỏ ý định đó và tập trung vào toán.
Tình yêu với toán học được GS Châu ví von: “Lúc được ngồi làm toán, tôi thấy thoải mái, dễ chịu như gặp người bạn cũ, người yêu lâu ngày không gặp. Nếu thấy tôi khó tính, kém dễ thương là lâu lắm tôi không được làm toán, sự mong muốn này lên quá cao thì nhiều lúc có cảm giác muốn đánh nhau”.
Nhà trường là xã hội đầu tiên của trẻ khi bước vào lớp 1, nên để các em chơi và học thoải mái, không nên gây áp lực về điểm, thành tích. Tôi tán thành việc không chấm điểm cho học sinh cấp 1. Đến cấp 2, cấp 3 mới nên để học sinh tiếp xúc với sự khốc liệt của cuộc sống một cách từ từ. Vai trò của cha mẹ lớn nhất không phải là hướng nghiệp cho trẻ mà giúp các em tự hướng nghiệp. Với học sinh cấp 2, thậm chí cấp 3 cũng rất khó để định hướng công việc. Vì vậy nên thường xuyên nói chuyện với các em, cho các em thử nghiệm nhiều hoạt động, qua đó mới phát hiện được thiên hướng của các em. |