GS Nguyễn Lân Dũng: Phải biết sợ thiên nhiên (16/06/2015)

17/06/2015 08:33

Hà Nội ngổn ngang sau một trận giống lốc lớn tới mức 2 ngày sau các lực lượng của thành phố vẫn phải căng mình khắc phục hậu quả. Suốt dọc những tuyến phố là những thân cây đổ, gãy. Đứng ở góc độ của một nhà nghiên cứu sinh học, GS. Nguyễn Lân Dũng chia sẻ với phóng viên về những vấn đề bộc lộ ra sau trận cuồng phong này.

GS Nguyễn Lân Dũng: Phải biết sợ thiên nhiên (16/06/2015)

Sau trận dông lốc ngày 13-6, Hà Nội vẫn đang dọn số cây xanh bị đổ

PV: Thưa ông, vào lúc giông gió xảy ra GS đang ở đâu?

GS Nguyễn Lân Dũng: Phải biết sợ thiên nhiên (16/06/2015) - 1

GS. Nguyễn Lân Dũng: Tôi đang dự một cuộc họp ở Ủy ban đối ngoại tại Văn phòng Quốc hội. Và tối hôm ấy rất muộn mới về được nhà vì gọi mãi không thể có taxi, hơn nữa nhiều đoạn đường đang bị tắc vì cây đổ chắn ngang đường.

- Số lượng cây đổ đang nói lên điều gì, thưa GS?

Theo con số tôi biết thì cơn lốc khiến Hà Nội đổ mất 1300 cây xanh. Trận lốc bộc lộ ra nhiều việc quá. Gió mưa là chuyện của trời, con người không điều khiển được gió mưa nhưng có thể phòng ngừa được. Chúng ta có thể biết trước mùa mưa bão. Vì vậy trước mùa mưa bão thì phải cắt tỉa những cây có cành lá nặng có thể không chịu nổi gió bão. Nếu cắt tỉa hợp lý thì cây không thể nào đổ được, đó là chuyện quan trọng nhất. Hai là, phải chống đỡ cho những cây còn nhỏ , những cây mới trồng. Tại Đài Loan, giống đu đủ Hồng Phi (đã nhập sang ta) nhưng vì quá sai quả nên dù chỉ là cây một năm (ta để đu đủ nhiều năm là không hợp lý) nhưng cây nào cũng có cọc chống đỡ để chống gió bão. Cây đu đủ còn vậy huống hồ cây đường phố.

- Về chủng loại cây mà chúng ta vẫn tranh cãi, thì con số 1300 cây xanh bị đổ có cho thấy loại cây nào nên trồng hoặc cần loại bỏ không, thưa giáo sư?

Trong số 1300 cây xanh bị đổ, không có nhiều cây xà cừ bị đổ cho nên đừng vội kết tội cây xà cừ, mặc dầu ai cũng biết xà cừ thân to tán rộng nhưng có nhược điểm là rễ nông. Tuy rễ nông nhưng biết bao cây xà cừ tại Thủ đô đã có tuổi 70-80 năm rồi. Xà cừ chỉ bị đổ và có thể gây nguy hiểm khi không được chăm sóc cắt tỉa hoặc bị trũng nước ở vùng có rễ. Việc cần làm ngay bây giờ là kịp thời thống kê xem 1300 cây này gồm những cây gì, trạng thái khi đổ là ra sao? Phải nghiên cứu đầy đủ, làm hồ sơ chi tiết để rút kinh nghiệm cho lâu dài và để làm qui hoạch cho các dự án trồng cây xanh ở Hà Nội. Cá nhân tôi vẫn bảo lưu quan điểm dù là Vàng Tâm hay cây Mỡ đều không nên trồng làm cây xanh ở Thủ đô, vì đó là những cây ưa trồng ở độ cao 500-600 m so với mực nước biển, Hà Nội có độ cao rất thấp sao có thể thích hợp cho các cây này? Nếu là Vàng tâm thì càng vô lý, vì đấy là cây gỗ quý có trong Sách Đỏ. Nếu mọc tốt sau này lại phải bao gốc bằng tôn, khóa bằng xích để tránh cưa trộm như dạo trước đây đối với cây Sưa hay sao?

- Vậy nếu được hỏi ý kiến là Hà Nội nên trồng cây gì, quan điểm của GS thế nào?

Thay thế để có cùng một loại cây cho cả một tuyến phố thì cũng đáng hoan nghênh. Nhưng cũng nên biết cây phụ thuộc vào đất. Một đường phố không phải chỗ đất nào cũng tốt như nhau. Có những chỗ đất rất xấu không có cây gì trồng được ngoài cây trứng cá. Vậy thì không thể qui hoạch cây theo ý chí của con người được. Nếu có những khu vực đất xấu tới mức không cây gì mọc được thì buộc phải trồng cây trứng cá để lấy bóng mát cũng tốt chứ sao. Về mặt quy hoạch không thể làm theo kiểu cả dãy phố cùng một loại cây khi chưa nghiên cứu kỹ. Các dãy phố trồng sấu, trồng phượng vĩ, trồng sao đen mà trước đây người Pháp đã trồng đâu phải có thể trồng ở bất kỳ đường phố nào. Càng không bao giờ nên thay đồng loạt cả đường phố bằng một loạt cây mới. Mười năm hay hai mươi năm sau mới có bóng mát cho dân đây? Sao không trồng xen để khi cây đã đủ lớn mới thay cho các cây cũ. Điều ấy người dân ai không mong muốn? Nhiều người cũng đặt câu hỏi với tôi là nên trồng cây gì. Tôi trả lời muốn biết nên trồng cây gì thì hãy nhìn vào đường phố Hà Nội cũ hay nhìn vào đường phố các nước có cùng khí hậu với ta mà học hỏi. Còn với những con đường mới phải trồng cây mới thì cần hỏi các nhà lâm sinh đô thị. Họ có đầy đủ trình độ chuyên môn và số đông đang sống ở Hà Nội, sao không cho họ đóng góp ý kiến? Thay thế cây mà làm đồng loạt một lúc như ở đường Nguyễn Chí Thanh thì dân chúng không thể chấp nhận được. Việc hủy hoại cây lâu năm suốt dọc đường Nguyễn Trãi là việc làm không có trong quy hoạch đã được các Hội đồng xét duyệt. Nếu muốn chặt phải duyệt lại trong một dự án khác chứ?

GS Nguyễn Lân Dũng: Phải biết sợ thiên nhiên (16/06/2015) - 2

- Sau trận lốc này có ý kiến cho rằng nếu Hà Nội không dừng dự án thay thế cây xanh này thì đã không có một trận cây đổ tan hoang như vậy. GS có ý kiến thế nào?

Không có cơ sở nào để nói như vậy. Đừng giận quá mà mất khôn. Ai cũng biết Hà Nội không đẹp bởi nhà cửa, không đẹp bởi đường xá mà rất đẹp bởi cây xanh và hồ nước. Chúng ta đã đau xót vì để mất đi quá nhiều diện tích hồ nước, khiến Hà Nội thành "Hà Lội" sau nhiều cơn mưa lớn. Cần khẩn trương đầu tư cho việc nạo vét sâu các hồ còn lại và các kênh mương thoát nước. Bằng mọi cách phải giữ gìn bộ mặt cây xanh cho Hà Nội. Gió mưa là việc chúng ta không thể điều khiển được, nhưng chúng ta phòng ngừa được để tránh bị thiệt hại nhiều nhất.

- Ngoài vấn đề cây xanh, trận giông lốc còn bộc lộ những vấn đề gì khác nữa thưa GS?

Con người phải biết sợ thiên nhiên. Khi giông tố phải tìm cách trú ẩn, giông tố như thế tại sao lại xe cộ vẫn liều lĩnh lao ra đường ầm ầm. Chuyện hai người thiệt mạng thật là chuyện đáng đau xót. Mặt khác việc hàng nghìn ô tô, xe máy bị đè bẹp cho thấy Hà Nội không có đủ chỗ đỗ xe, giữ xe hợp lý. Gốc cây đâu phải chỗ để đỗ xe. Các chung cư nếu chưa có tầng hầm đỗ đủ xe thì nhẽ ra không thể cấp phép xây dựng. Tôi vẫn tiếc cho mô hình Kiến trúc sư trưởng thành phố. Thành phố nào cũng phải có kiến trúc sư trưởng chứ. Rất nhiều kiến trúc sư giỏi giang ở Thủ đô là bạn tôi, họ đều nói họ có được tham gia gì đâu vào việc kiến tạo bộ mặt Thủ đô? Tại sao như vậy nhỉ, tôi không sao hiểu được? Ở Pháp người ta quy hoạch thành phố quá chặt chẽ. Một dãy phố bao giờ cũng có những dãy nhà gần giống nhau. Có nghĩa là về đại thể thì đồng bộ nhưng tiểu tiết lại rất khác nhau. Có như vậy thì kiến trúc sư mới có việc để phát huy tài năng chứ. Phong phú trong cái đồng dạng. Ở Mỹ không phải chỉ có duyệt kiểu nhà mà duyệt cả màu sơn, duyệt cả cây trồng trong sân nhà. Có người kể cho tôi là thích trồng một loại cây nhưng vì không có trong quy hoạch, đành phải trồng trong... chậu gỗ (!)

Còn một vấn đề nữa đã bộc lộ qua trận cuồng phong này là chất lượng xây dựng nhà cửa. Một số nhà bị cuốn bay cả toàn bộ cái mái. Sao lại đến mức thiếu an toàn đến như vậy. May mà bay vào chỗ không có người đứng, nếu không thì sẽ ra sao? Cửa sổ một số chung cư cao tầng bị gió thổi vỡ tan tác. Phải xiết chặt lại việc nghiệm thu các công trình xây dựng. Chất lượng các công trình không thể tiềm ẩn những nguy hiểm khi gió bão hay động đất nhẹ. Một trận giông lốc vừa qua may là chỉ kéo dài vài chục phút, nếu kéo dài cả tiếng hoặc mấy tiếng đồng hồ thì không hình dung ra thiệt hại cho Thủ đô sẽ ghê gớm đến thế nào.

- Thưa GS, chúng ta hoàn toàn bất ngờ với trận giông lốc này. Rất nhiều ý kiến đang cho rằng công tác dự báo thời tiết đã không đưa ra được bất cứ một cảnh báo nào?

Đừng vội trách anh em ngành khí tượng. Chúng ta có thể dự báo chính xác mức độ và đường đi của bão. Nhưng với lốc thì rất khó. Hầu như không dự báo được lốc. Cho nên trong dự báo thời tiết bao giờ cũng có câu đề phòng giông lốc là vì thế. Lốc là do luồng không khí đến một khu vực nào đó bị thay đổi áp suất đột ngột trở thành lốc. Nên hình như không thể dự báo được trước. Ở nước ngoài, khoa học phát triển hiện đại thế mà đâu có dự báo được trước các tác hại ghê gớm của vòi rồng?

- Xin trân trọng cảm ơn GS!

C.Thúy (thực hiện)

Cần cảnh báo sớm thiên tai đến người dân

Trận dông lốc tuy chỉ xảy ra trong hơn 30 phút tại Hà Nội cuối tuần qua làm gãy đổ hơn 1.000 cây xanh trên địa bàn, nhiều thiệt hại về tài sản và đặc biệt có hai người đã thiệt mạng là sự việc đau lòng. Trước sự việc này, Hà Nội, cơ quan khí tượng thủy văn cần rút ra những bài học sâu sắc... ĐBQH Hà Nội bà Bùi Thị An đã chia sẻ như vậy với báo chí bên hành lang của QH.

Bà An cho biết: Chiều thứ 7 vừa rồi, chúng tôi vừa thảo luận về luật khí tượng thủy văn thấy được sự cần thiết của xây dựng, ban hành luật này bởi khâu dự báo rất quan trọng. Nếu không dự báo sớm trong điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến khó lường như hiện nay sẽ gây thiệt hại rất lớn. Như trận mưa dông hôm cuối tuần, chỉ trong chốc lát, đã làm nhiều cây đổ thậm chí có người chết. Thiên tai không ai lường trước được, dù ta chuẩn bị đến mấy thì rất khó chống đỡ vì quá bất ngờ. Vấn đề cần làm bây giờ là làm thế nào để có thể dự báo trước tốt hơn, chuẩn bị tất cả tình huống để đối phó. Đối với Hà Nội, đây là TP của cây xanh mặt nước, nếu để xảy ra tình trạng đổ cây vào người đi đường thì hậu quả là rất lớn. Để tránh tai nạn đáng tiếc, Hà Nội cần nghiên cứu trồng loại cây gì nhất là cây dễ cọc vừa phù hợp cảnh quan môi trường đồng thời tránh rủi ro bất ngờ cho người dân là điều cần thiết.

Về ý kiến cho rằng sở dĩ Hà Nội bị thiệt hại nhiều do cơn dông lốc vừa qua là do dự báo chưa chính xác, bà Bùi Thị An cho rằng, trong công tác dự báo khó đúng chính xác 100%. "Tuy nhiên, từ sự việc này, có lẽ khí tượng phải rút kinh nghiệm. Tôi có đọc thông tin rằng cơ quan khí tượng thủy văn đã cảnh báo trước 1 tiếng nhưng dự báo thế quá gây khó, khiến dân không chủ động. Cảnh báo trong thời gian ngắn như vậy trước một cơn dông có cường độ mạnh như vậy làm sao chống đỡ được. Theo tôi nên cảnh báo sớm để hạn chế được thiệt hại. Đồng thời phải thay đổi cách thức thông báo về các hình thái thời tiết có vấn đề chứ thông báo trên kênh nào đó phổ cập hơn thay vì đăng trên trang web của Trung tâm Khí tượng thủy văn thì ai đọc được mà phòng tránh. Trong trường hợp này phải tận dụng hệ thống loa phường để cảnh báo mọi sự nguy hiểm có thể xảy đến để người dân phòng tránh”, bà An nhấn mạnh.

N.Khánh

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Nguyễn Lân Dũng: Phải biết sợ thiên nhiên (16/06/2015)