GS Nguyễn Tài Thu: Tận tâm, tận hiến

Bùi Hải Ninh 20/03/2021 15:00

Cái tin GS Nguyễn Tài Thu - Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam - qua đời đến với tôi vào sáng mùng 3 tết Tân Sửu (tức ngày 14/2/2021). Phải nói là bất ngờ. Vậy là một bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam đã “về cõi”.

Hơn nửa thế kỷ qua, GS Nguyễn Tài Thu đã đóng góp công sức lớn phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành ngành khoa học chăm sóc sức khỏe với nhiều thành tựu được giới khoa học quốc tế công nhận. Ông còn được tôn xưng là “vua châm cứu”…

GS Nguyễn Tài Thu trong một lần hướng dẫn kỹ thuật châm cứu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng.

1. GS.TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu sinh năm 1931, quê ở làng Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Ở tuổi 15, chàng trai Tài Thu đã hăng hái tham gia đội quyết tử bảo vệ Thủ đô. Khi ấy, Tài Thu và đồng đội đã bám trụ từng căn nhà, góc phố ở khu chợ Đồng Xuân, Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ… đẩy lùi cuộc phản công của lính Pháp có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Để rồi, vào một đêm đông rét buốt, cả đơn vị bí mật vượt vòng vây của địch, qua sông Hồng, tạm biệt Thủ đô, lên chiến khu, kháng chiến.

Từ đây, một bước ngoặt đã đến, Nguyễn Tài Thu được cử đi học Đại học Y Việt Bắc. Một năm sau, ông lại tiếp tục được cử sang học Đại học Y khoa Bắc Kinh (Trung Quốc). Sau khi tốt nghiệp ông về nước và được phân công công tác tại Trung ương Hội Đông y Việt Nam. Tại đây, ông có dịp nghiên cứu về châm cứu.

Sau quá trình học tập ở nước bạn, GS Nguyễn Tài Thu về nước. Khoảng cuối những năm 1950 ông bắt tay vào nghiên cứu kỹ thuật mới, sau này được gọi là “tân châm”. Nếu châm cứu truyền thống sử dụng kim dài 1-5cm, thì tân châm, trong đó có đại trường châm, mãng châm... sử dụng kim dài 30cm, thậm chí 40-50cm, châm xuyên qua các huyệt vị, tác động mạnh và nhanh hơn, liệu trình điều trị rút ngắn. Sau này, GS Tài Thu còn nghiên cứu ra kỹ thuật thủy châm, là châm cứu đưa thuốc vào các huyệt, hiệu quả điều trị rất tốt và giờ đây các thế hệ bác sĩ châm cứu đi sau đều đang sử dụng...

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Tài Thu còn viết hàng chục cuốn sách về châm cứu và lý luận đông y như: Tân châm, Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật, Thủy châm, Nhĩ châm, Mai hoa châm, Điện châm… Những cuốn sách này trở thành tài liệu hữu ích cho hàng ngàn y, bác sĩ sau này.

2. Có những câu chuyện mà đến nay nhiều người vẫn còn nhắc: Năm 1977, một nhà ngoại giao Pháp sang Việt Nam nhờ GS Thu chữa bệnh, sau vài tháng châm cứu, bệnh đã khỏi. Ít lâu sau, ông được Tổng thống Pháp mời sang để giới thiệu về phương pháp châm cứu. Nhiều năm sau đó, GS đi nhiều nước ở châu Âu để phổ biến về châm cứu. Ông được giới y học thế giới dành nhiều lời ca ngợi...

Tôi cũng còn nhớ lần ấy, được nghe GS Nguyễn Tài Thu chia sẻ chuyện một lần ông sang Iraq chữa cho bệnh nhân bị liệt 2 chi dưới. Trước khi đi không biết người đó bị bệnh gì, là ai nhưng khi sang đến nơi mới biết hóa ra đó là con trai của Tổng thống bị bắn gãy đùi. Lúc đó chuyên gia Trung Quốc và một số chuyên gia nước ngoài cũng đã có mặt, chỉ GS Tài Thu sang sau cùng. “Tôi biết tiếng Trung Quốc nên các bạn Trung Quốc chia sẻ rằng ca này khó lắm, liệu tôi có chữa được không? Tôi bảo các bạn Trung Quốc rằng họ có kinh nghiệm riêng và tôi có kinh nghiệm của tôi. Trong chiến tranh chúng ta có nhiều thương binh từng gãy đùi và chúng tôi vẫn mổ mà không có thuốc gây mê phải châm tê. Nhiều ca đã chữa thành công, bệnh nhân vẫn đi lại bình thường. Và quả nhiên với trường hợp con trai

Tổng thống Iraq tôi đã làm thành công”, lời kể của GS Tài Thu.
Cũng bởi tham gia nhiều ca châm cứu cho các nguyên thủ, hoặc con cháu nguyên thủ của một số quốc gia trên thế giới, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ở nhiều bệnh viện ở nước ngoài, GS Nguyễn Tài Thu được ví là người làm công tác “ngoại giao châm cứu”. Đặc biệt, việc GS Tài Thu mở trung tâm điều trị bằng châm cứu tại Nga, Mexico... đã như một cây cầu để tinh hoa châm cứu Việt Nam đến được với những nền y học tiên tiến.

Một số liệu thống kê cũng đáng chú ý: Có 39 nước có bác sĩ sang học tại Bệnh viện Châm cứu trung ương hoặc bệnh viện cử bác sĩ sang giảng dạy. Tại Việt Nam, không tỉnh, thành nào mà GS chưa đi truyền dạy.

3. Bây giờ, nhắc đến GS Nguyễn Tài Thu, người ta thường nhắc về một nhân cách lớn; một con người giàu lòng nhân ái, người luôn tận tâm, hết lòng vì người bệnh. Nhiều đồng nghiệp, học trò ở trong và ngoài nước đều quý trọng, cảm phục tôn xưng GS Nguyễn Tài Thu là “vua châm cứu Việt Nam”, “huyền thoại sống” hoặc “thần y châm cứu”… Hai “tuyệt kỹ” do ông nghiên cứu, phát minh là “tân châm” và “châm tê trong phẫu thuật” không chỉ làm nên bộ giáo trình quý để giảng dạy trong nước mà còn được giới thiệu tới gần 50 quốc gia trên thế giới.

GS Tài Thu cũng là người đưa tinh hoa y học phương Đông góp thêm vào kho tàng y học nhân loại phương pháp chữa bệnh mà có những bệnh y học phương Tây cũng phải chào thua như: vẩy nến, đau đầu mi - grant, thậm chí cắt cơn nghiện đã được điều trị khỏi hẳn, tỷ lệ tái nghiện chỉ chiếm 5-10%. Giáo sư là người đề xướng thành lập viện châm cứu đầu tiên tại Việt Nam; đồng thời có công lớn trong việc đào tạo gần 6.000 thầy thuốc châm cứu của cả nước. Cùng với các cộng sự, ông đã khám, chữa bệnh và tặng quà hơn 50 vạn lượt trẻ em khuyết tật, trong đó có tới 2/3 được ăn nghỉ tại viện miễn phí. Ông cùng cộng sự điều trị hơn 9.000 người nghiện ma tuý thoát nghiện bằng phương pháp châm cứu…

Có thể khẳng định, bằng những đóng góp bền bỉ của mình, GS Nguyễn Tài Thu đã góp công sức to lớn trong việc phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành một ngành khoa học chăm sóc sức khỏe với nhiều thành tựu, được giới khoa học quốc tế công nhận.

Sinh thời, GS Nguyễn Tài Thu thường tâm sự với học trò của mình: “Làm thầy thuốc, trước hết phải có một trái tim dễ rung động trước nỗi đau của người khác, nhưng để làm thầy thuốc giỏi, cần một cái đầu trí tuệ”. Theo giáo sư, chỉ khi có một trái tim dễ rung động thì người thầy thuốc mới tận tình với người bệnh. Nếu không tận tình, không chữa được bệnh. Quan điểm làm nghề của ông rất rõ ràng: Không bao giờ từ chối chữa bệnh cho ai cả. Dù đang bận nhưng có người nhờ đến, kiểu gì ông cũng sẽ đến. Khi nào còn cái kim nào, còn huyệt nào thấy có thể hồi phục lại, để thăng bằng âm dương thì ông vẫn làm. Chữa bệnh đến khi nào thấy không thể nào cứu vãn được mới thôi…

Với những cống hiến xuất sắc cho nền y học Việt Nam, năm 1995 GS Nguyễn Tài Thu được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Năm 2000, ông được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. Năm 2004, ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác...

GS Nguyễn Tài Thu.

5 kỹ thuật châm cứu rạng danh thế giới

- Châm tê: Đây là phương pháp dùng kim châm vào một huyệt để nâng cao ngưỡng đau, giúp người bệnh có thể chịu đựng được cuộc mổ trong trạng thái tỉnh.

Châm tê được áp dụng thực hiện trên 60 loại phẫu thuật khác nhau như cắt amidal, nhổ răng hàm mọc lệch, mổ mắt, mổ ruột thừa, sỏi thận..., đạt kết quả 98,3%.

- Ðiện châm: Công trình nghiên cứu cai nghiện ma túy bằng châm cứu được GS Nguyễn Tài Thu phát minh và hoàn thiện trong 30 năm, được Bộ Y tế ban hành hướng dẫn áp dụng trên cả nước. Điểm nổi bật nhất của phương pháp này là người nghiện được châm cứu trước cơn nên không trải qua đau đớn và vật vã nhiều. Một liệu trình châm cứu chỉ kéo dài 7-15 ngày tùy từng trường hợp.

- Mãng châm: Mãng châm chữa bệnh là một phương pháp châm bằng kim to, dài tới 60-90 cm để đi vào các huyệt sâu trong cơ thể, có hiệu quả cao trong chữa bệnh.

Theo Trung ương Hội Châm cứu Việt Nam, mãng châm hiện nay phát triển rất mạnh trên toàn thế giới, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Liên hiệp Hội Châm cứu Thế giới (WFAS), sự hỗ trợ và chỉ đạo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giữ một vai trò quan trọng trong điều trị các loại di chứng liệt.

- Tân châm: Đây là phương pháp châm cứu dùng kim dài, kim to xuyên huyệt, xuyên kinh, kết hợp y học hiện đại là kích thích dòng xung điện lên huyệt và thủy châm thuốc y học hiện đại vào huyệt để phát huy tác dụng và hiệu quả chữa bệnh. Đặc biệt, phương pháp này chữa được nhiều bệnh khó và bệnh nặng lâu ngày như: di chứng liệt do tai biến mạch máu não, chấn thương cột sống tủy, bệnh lý bại não của trẻ em...

- Thủy châm: Thủy châm được phát minh dựa trên nguyên lý là cùng một loại thuốc, nếu tiêm vào huyệt vị, tác dụng sẽ trực tiếp và mạnh hơn tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Khi tiêm vào huyệt vị có thể tạo nhiều tác dụng dược lý khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    GS Nguyễn Tài Thu: Tận tâm, tận hiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO