Thời gian gần đây, câu chuyện nóng bỏng nhất trong giới sinh viên (SV) trường Y – Dược vẫn là câu chuyện tăng học phí. Theo GS Phạm Tất Dong (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học VN), một công chức bình thường lương được khoảng 4 triệu đồng/ tháng, cộng thêm các thu nhập khác sẽ vào khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu có con học trường Y mức học phí 4,4 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản tiền khác coi như hết một tháng lương. Còn với người nông dân, họ sẽ lấy đâu ra mỗi tháng
GS Phạm Tất Dong.
Thưa GS, việc tăng học phí đã chính thức được phê duyệt, nhiều nhà trường cũng đang lên kế hoạch tự chủ. Tuy nhiên về phía SV, rất nhiều bạn tỏ rõ sự lo lắng khi không biết thời gian tới sẽ kiếm đâu tiền trang trải học phí, nhất là SV học khối ngành Y - Dược. Với mức tăng khoảng 10% có hợp lý không?
GS Phạm Tất Dong: Khi một trường ĐH phải tự chủ về chi tiêu thì sẽ phải chịu áp lực rất lớn về tài chính. Và chắc hẳn những người làm ở ĐH họ đã tính toán rồi, sao cho thông qua học phí họ có thể duy trì được việc học hành.Tuy nhiên, có một thực tế phải chú ý là nếu các trường ĐH muốn tính đúng, tính đủ nhưng cuộc sống thực của người dân không được như vậy thì có thể rất nhiều SV không theo học được. Như một công chức bình thường lương được khoảng 4 triệu đồng/tháng, cộng thêm các thu nhập khác sẽ vào khoảng 6 triệu đồng/ tháng.
Trong khi đó, một đứa con học ĐH nếu vào trường học phí thấp nhất là 1,7 triệu đồng/ tháng, trường có học phí cao nhất là 4,4 triệu đồng/ tháng, sau năm 2020 sẽ tăng lên 5 triệu đồng/tháng. Do đó, tôi thấy giá trần học phí ĐH cao quá so với thu nhập của người lao động có con đi học ĐH. Hơn nữa, không phải ai cũng có lương, nhất là những người nông dân thu nhập chính chỉ biết trông chờ vào hạt thóc mỗi vụ. Người nông dân sẽ lấy đâu ra hơn 4 triệu đồng mỗi tháng để đóng học phí, nếu như con họ vào học trường Y? Giá trần học phí này là quá cao so với người nông dân, họ sẽ khó lòng mà chịu nổi.
Ông cho rằng, vấn đề tăng học phí cần được thực hiện như thế nào thì phù hợp?
- Tôi quan niệm học tập là phúc lợi chứ không phải là một hàng hóa để người tiêu dùng muốn dùng tùy ý sử dụng. Phúc lợi này cực kỳ quan trọng đối với mỗi quốc gia. Nước nào cũng phải chú ý đến phúc lợi này. Cho nên, Bác Hồ mới nói rằng, hai phúc lợi đầu tiên cơ bản nhất là ăn và học, sau đó mới đến chữa bệnh. Đây là vấn đề an sinh xã hội, trong đó mảng phúc lợi rất lớn. Do đó, nhiệm vụ của an sinh là làm thế nào để phúc lợi càng ngày càng lớn lên.
Thực tế, những nước trở nên giàu có thì phần lớn họ đưa ra những chính sách phúc lợi xã hội rất lớn như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan. Thậm chí, một số nước nghèo nhưng họ luôn luôn chú ý đến phúc lợi này như Cu Ba. Cu Ba lại là nước miễn học phí, tức là họ rất chăm lo cho phúc lợi này. Hay Bắc Triều Tiên là một đất nước rất nghèo, GDP bình quân đầu người của nước này không quá 300 USD, nhưng họ lại miễn hoàn toàn học phí ĐH.
Nhưng nhiều người lại không so với những nước nghèo. Họ cho rằng, mức học phí của Việt Nam còn thấp so với nhiều nước trên thế giới?
- Cũng có nhiều người nói với tôi rằng học phí của nước ta như vậy là rẻ chứ không hề cao. Nhưng bình quân thu nhập người Việt Nam hiện nay chỉ khoảng 3 nghìn USD/ đầu người. So với người Mỹ là 48 nghìn USD/ đầu người, Hàn Quốc là trên 30 nghìn USD/ đầu người... Thu nhập của họ gấp mấy chục lần so với nước ta nên không thể so sánh mức học phí của mình với họ được.
Bởi lẽ, nước ta vẫn nghèo, hiện nay ở thành phố một người được gọi là nghèo có thu nhập 500 nghìn đồng/ tháng, nông thôn là 400 nghìn đồng/ tháng. Như vậy, nếu như thu nhập có tăng 3 lần nữa thì một người nghèo cũng chỉ thu nhập 1,2 triệu/ tháng, tức là hơn 50 USD. Với mức sống như vậy không thể so sánh với thế giới được.
Viện phí, học phí ở mức đó mà Việt Nam bảo rằng phải ngang với Mỹ là không thể được. Mức phí của họ sẽ đi kèm với điều kiện khác lắm. Họ có quy củ và luật pháp, phục vụ rất nghiêm và hiện đại nên thu phí cao là hợp lý. Trong khi đó, những điều kiện cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của nước ta chưa bằng họ thì làm sao có thể so sánh, thu phí cao bằng họ được.
Đến thời điểm hiện nay, khi đã có thông tin chính thức về tăng học phí, nhiều phụ huynh, sinh viên hi vọng tăng học phí sẽ đi đôi cùng chất lượng. Nhưng theo ông, yếu tố quan trọng nhất của việc tăng chất lượng có phải là học phí không?
- Tôi cho rằng tăng học phí là một chuyện còn chất lượng đào tạo có tăng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức nhà giáo. Thời kỳ chúng tôi đi học giáo viên quá khổ, nhiều thầy phải ăn sắn, khoai qua bữa. Nhưng các thầy vẫn dạy tốt cũng như luôn trau dồi thêm kiến thức nhằm nâng cao trình độ cho HS.
Theo tôi, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào rất nhiều thứ, cũng có thể hiện đại hóa, cải thiện đời sống, môi trường sẽ tăng chất lượng giáo dục. Nhưng yếu tố quan trọng để tăng chất lượng vẫn phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Bởi, nếu như có máy tính, có sách giáo khoa tốt mà thầy giáo không dạy thì cũng bỏ đi. Cho nên, khi trao đổi với Bộ GD&ĐT tôi đã nói rằng thi không phải là khâu đột phá. Thi chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu.
Bởi mục tiêu chúng ta là không phải thi cho tốt mà phải là HS học cho tốt. Muốn các em học tốt thì phải đánh giá cho tốt, từ đó phân loại ra những HS học kém để bồi dưỡng thêm. Nhưng nếu biến phương tiện thành mục tiêu là sai lầm hoàn toàn về mặt chiến lược.
Trân trọng cám ơn ông!