GS.TS Bùi Danh Lưu là một nhà lãnh đạo và quản lý tâm huyết của ngành Giao thông vận tải Việt Nam. Ở Hà Nội, mỗi khi đi qua cầu Chương Dương tôi lại nhớ tới ông. Nhớ về một trí thức mẫn cán, tài năng…
1. GS.TS Bùi Danh Lưu sinh ngày 28/8/1935 trong một gia đình nho học tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Năm 1953, khi đang là học sinh cấp III, Bùi Danh Lưu tham gia Ban Vận tải tiền phương phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiến dịch kết thúc, Bùi Danh Lưu về trường học tiếp rồi được điều về Tổng cục Đường sắt làm liên lạc viên, đảm bảo giao thông trong kháng chiến chống Mỹ ở khu IV.
Ở tuổi 35, Bùi Danh Lưu được cử sang Tiệp Khắc du học. Sau đó 6 năm (1976), ông trở về với tấm bằng Phó Tiến sĩ. Biết tin này, nhiều đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải như Ban xây dựng 67, Công trình cầu Thăng Long, Cục Công trình 1... đều muốn mời ông về với lời hứa sẽ đề nghị cấp trên đề bạt Phó Cục trưởng. Thế nhưng Bùi Danh Lưu đã quyết định nhận đảm nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật giao thông vận tải. Suốt 4 năm ở đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bùi Danh Lưu vẫn hoàn thành tốt nhiều công trình khoa học, nhiều đề tài nghiên cứu của ông đã được ứng dụng vào thực tiễn…
Mới đây, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28/8/1935 - 28/8/2020) và 10 năm ngày mất (30/12/2010 - 30/12/2020) của GS.TS Bùi Danh Lưu, một cuộc tọa đàm về ông đã được tổ chức. Tại đây, nhiều nhà khoa học, nhà văn, và bạn bè ông nhắc lại một câu chuyện có thể nói là hi hữu. Chuyện rằng: Một buổi chiều cuối tháng 9/1982, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (khi ấy là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đột xuất đến thăm Viện Kỹ thuật Giao thông vận tải nơi ông Bùi Danh Lưu đang làm Phó Viện trưởng, về thứ tự chức vụ này ông còn xếp cuối cùng, sau mấy Phó viện trưởng nữa. Kết thúc buổi làm việc, tướng Đồng Sỹ Nguyên đột nhiên gọi ông Bùi Danh Lưu và vị Viện trưởng vào phòng và nói:
- Sắp tới, Bộ cần có thêm một Thứ trưởng đặc trách về khoa học kỹ thuật. Một trong hai anh sẽ được chọn. Các anh có ý kiến gì không?
Cả hai người đều im lặng. Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên nói tiếp:
- Thôi được rồi, Bộ sẽ cân nhắc. Các anh có ý kiến gì thì gửi thư cho tôi.
Sau đấy, ông Bùi Danh Lưu bận công việc cũng không để tâm đến chuyện này. Vậy mà chừng nửa tháng sau, tức tháng 10/1982, ông bất ngờ được thăng lên làm Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện.
Những tưởng đã yên vị thì chỉ 17 ngày sau khi lên chức Vụ trưởng, ông lại được lệnh lên gặp Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên. Bộ trưởng thông báo với ông rằng: Trung ương đã quyết định bổ nhiệm Bùi Danh Lưu làm Thứ trưởng.
Vậy là Bùi Danh Lưu từ Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông Vận tải lên Vụ trưởng rồi Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện trong thời gian ngắn.
2. Phẩm cách của một nhà khoa học, một trí thức dấn thân luôn thôi thúc Thứ trưởng Bùi Danh Lưu hành động. Dường như ông là người sinh ra đã thực hiện những chuyến đi. Mà di chuyển, là việc thường ngày của những người làm trong ngành giao thông. Vì thế, những câu chuyện về GS.TS Bùi Danh Lưu khi ông đã đi xa 10 năm, còn được đồng nghiệp nhắc nhớ qua sự kiện xây cầu Chương Dương. Đó là vào thập niên 80 của thế kỷ trước, khi ấy Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ôtô quá nhỏ nên cảnh ách tắc thường xuyên xảy ra. Vì vậy, việc dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một. Lúc đó tướng hồi hưu Đồng Sỹ Nguyên muốn nhờ Nhật Bản xây dựng một cầu treo nhưng Bùi Danh Lưu - vị Thứ trưởng trẻ tuổi lại đề xuất làm một cây cầu sắt vĩnh cửu với tốc độ làm cầu treo, tận dụng khối lượng sắt thép, vật tư làm cầu Thăng Long còn thừa.
Ông tự thiết kế cây cầu và chịu trách nhiệm về tính khả thi của dự án. Cuối cùng ông đã thuyết phục được Bộ trưởng và Chính phủ phê duyệt dự án và đích thân ông chỉ huy công trình. Người ta kể lại rằng ông Bùi Danh Lưu đã chỉ đạo chế tác các thanh dầm từ những thứ “đầu thừa đuôi thẹo” thải ra từ cầu Thăng Long theo một cách rất Việt Nam tức là trên thế giới chả có ai làm như thế cả.
Ông đã trực tiếp chỉ huy thi công cầu Chương Dương và chỉ sau 1 năm 9 tháng, cầu Chương Dương được khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Tại cây cầu này các kỹ sư cầu đường của Việt Nam tự thử sức mình để có thể tự thiết kế và thi công các cây cầu lớn khác.
Cầu Chương Dương đến bây giờ vẫn được coi là biểu tượng của tinh thần tự lực, tự cường Việt Nam. Theo mục tiêu ban đầu cấp trên nêu ra để thiết kế, nó chỉ cần được sử dụng trong 10 năm là “hoàn thành nhiệm vụ”, nhưng đến nay sau hơn 30 năm sử dụng, cầu Chương Dương vẫn đang vận hành tốt.
3. Nhưng cuộc đởi của GS.TS Bùi Danh Lưu cũng còn nhiều chuyện “bất ngờ” khác. Chuyện rằng: Tháng 6/1986, sau thành tích xây dựng Cầu Chương Dương, GS. TS Bùi Danh Lưu bất ngờ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện. Khi đó, ông đang cùng đoàn cán bộ đi khảo sát thực tế vùng Tây Bắc.
Đến Lai Châu, đêm ngủ ở nhà khách của tỉnh, Bùi Danh Lưu cùng anh em trong đoàn công tác nghe có người nói Bộ Giao thông vừa có Bộ trưởng mới. Mấy anh em chỉ ngồi bàn tán một lúc rồi lại ai về phòng nấy ngủ để lấy sức vượt đèo khảo sát.
Sáng hôm sau, khi xe vừa chuẩn bị chuyển bánh thì một đoàn khách khá đông gồm đủ mặt cán bộ lãnh đạo tỉnh kéo đến. Ông Bí thư tỉnh uỷ ôm bó hoa rất đẹp đến tặng và nói: “Xin chúc mừng tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Bùi Danh Lưu”. Tỉnh chúng tôi rất vinh dự được là địa phương đầu tiên đón đồng chí đến thăm trên cương vị mới. Tất cả anh em trong đoàn đều bất ngờ.
Về sau, khi kể lại câu chuyện này, chính bản thân GS.TS Bùi Danh Lưu vẫn cười. Ông bảo: “Không thú vị sao được?! Hôm rời Hà Nội, tôi còn là Thứ trưởng; chỉ mấy ngày sau, từ Tây Bắc trở về, tôi đã là Bộ trưởng”.
Từ đó, ông liên tục được tín nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ GTVTBĐ. Thời gian ông giữ chức lên đến 10 năm từ 1986 đến 1996.
Tháng 12 năm 1986 trong Đại hội Đảng lần thứ VI, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và tái đắc cử liên tiếp trong ba khóa VI, VII, VIII. Đặc biệt là khoá VIII, ông không thuộc diện nhân sự Trung ương giới thiệu tái cử, nhưng cơ sở vẫn giới thiệu để bầu và ông vẫn trúng phiếu cao. Trong cuộc bầu cử ngày 19 tháng 4 năm 1987, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Tháng 12 năm 1987, tại Đại hội thành lập Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông được bầu làm Chủ tịch hội và giữ chức vụ này đến khi qua đời (2010).
Ngoài ra, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng.
4. Có thể nói, GS.TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã dành cả cuộc đời cống hiến cho ngành Giao thông Vận tải và Bưu điện. Từ khi được cử đi du học trở về nước, trong cương vị Viện phó Viện Kỹ thuật giao thông vận tải, ông đã không ngừng nghiên cứu và có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn.
Trong những năm làm Thứ trưởng, ông Bùi Danh Lưu là trợ thủ đắc lực của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên trong nhiều chủ trương và công việc cụ thể thúc đẩy ngành giao thông phát triển. Song, những đóng góp quý giá của Bùi Danh Lưu phải kể đến khi ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện, gánh trên vai ngành được coi là chủ lực của đất nước.
Cần nhớ, khi GS.TS Bùi Danh Lưu lên nhậm chức Bộ trưởng là năm 1986. Đó là thời kỳ đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ngành Giao thông Vận tải và Bưu điện lúc đó cũng khá bi đát. Trước tình thế đó, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã có những quyết sách sáng suốt, đặc biệt ông đưa ra Chương trình 11 điểm với nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Và thực tế chứng minh, chương trình 11 điểm đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và tính dự báo cho sự phát triển sôi động giao thông vận tải trong kinh tế thị trường đầu thế kỷ 21.
Là một trí thức được đào tạo bài bản, lại có tầm nhìn xa, GS.TS, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã đưa ngành giao thông thoát khỏi khủng hoảng những năm 70 - 80 của thế kỷ 20. Ông vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất, hàng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.