Cả trong nghiên cứu khoa học, giáo dục, đời sống, GS.TSKH Vũ Minh Giang luôn được kính nể. Không chỉ bởi ông đã tận tâm, tận hiến mà còn may mắn được gặp những người thầy, chuyên gia đầu ngành, giàu tâm huyết với khoa học, lịch sử, điều đó càng bồi đắp cho ông sự uyên bác. Trải qua nhiều chức vụ trong nhiều năm cống hiến, năng lượng sống và làm việc dường như chưa bao giờ vơi cạn.
Đam mê và tích lũy kiến thức
Giọng ông sang sảng. Khuôn mặt vuông vức ngời sáng. Những trăn trở về giáo dục, khoa học, lịch sử… chưa bao giờ thôi lắng lại nơi GS.TSKH Vũ Minh Giang. Tôi chưa được tiếp xúc nhiều với ông, nhưng luôn thấy ông nhiệt tình tham gia các diễn đàn, hội thảo, hướng dẫn sinh viên và có nhiều kiến giải khoa học, thuyết phục. Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ở công việc nào ông cũng hết mình, trách nhiệm.
Ông sinh năm sinh 1951 tại Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Năm 1968, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông được chọn vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, theo ngành Lịch sử. Tại ngôi trường có bề dày lịch sử này, ông may mắn được gần gũi và học tập các bậc trí thức lớn, các nhà khoa học đầu ngành như GS Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng. Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào thời điểm quyết liệt. Đang học năm thứ tư Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Vũ Minh Giang lên đường nhập ngũ và trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1974, theo sự điều động ông được chuyển ra Bắc, trở lại trường và hoàn thiện nốt chương trình học. Ngay sau đó được phân công làm cán bộ giảng dạy của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp dạy học và nghiên cứu khoa học. Tuy có một thời gian gián đoạn do phục vụ trong quân đội, nhưng bù lại, GS Vũ Minh Giang đã có được những trải nghiệm thực tế quý báu ngay nơi chiến trường ác liệt của cuộc kháng chiến. Được xếp vào lớp cán bộ “nguồn” vừa có năng lực, vừa có thực tiễn. Năm 1980 ông được cử đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, tại Trường ĐH Tổng hợp Lômôlôxôp - một trong những trường đại học lớn nhất và danh tiếng nhất thế giới thời kỳ đó, chuyên ngành Lịch sử kinh tế.
Ở nước ngoài ông đã thể hiện là một nghiên cứu sinh giàu tiềm năng, được các giáo sư của trường quý mến và đánh giá cao. Ông cũng nhận ra rằng, lịch sử đã trở thành nghiệp của ông.
Năm 1985 ông bảo vệ xuất sắc luận án Phó Tiến sĩ, ngay năm sau ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ khoa học. Đó là một kết quả không mấy người đạt được trong một thời gian ngắn.
Trở về nước công tác giữa những năm đầu của công cuộc đổi mới, rất nhiều khó khăn phải đối mặt. Song ông vẫn tin ở tương lai phát triển của đất nước trên nền tảng của sự đổi mới và tận dụng từng ngày nghiên cứu, tích lũy kiến thức. Bằng những nỗ lực không mệt mỏi của mình, ông đã được giao đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong và ngoài trường đại học, từ Chủ nhiệm Bộ môn, đến Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS Vũ Minh Giang là một nhà khoa học có ý thức rất rõ về vai trò “đi trước” trong nghiên cứu, nhằm có được những cơ sở khoa học đầy đủ, vững chắc để giải quyết và minh chứng các vấn đề thực tế yêu cầu. Không chờ cho đến khi đủ điều kiện và các yếu tố liên quan, ngay từ năm 1998, ông đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu để tổ chức 4 hội thảo quốc tế về Việt Nam học. Đây có thể coi là tiền đề cho sự ra đời của Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển sau này. Thực tiễn phát triển của Viện trong những năm qua đã minh chứng về vai trò cần có của Viện đóng góp vào tiến trình phát triển chung, cả trong hoạt động nghiên cứu và trong công tác đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học với những vấn đề liên ngành về Việt Nam.
Kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu
Là một nhà giáo, đồng thời là một nhà sử học, GS Vũ Minh Giang đã có sự kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu. Ông bảo, trong thực tế hai hoạt động ấy tương hỗ cho nhau, tạo nên hiệu quả cao hơn. Suốt những năm tháng làm việc miệt mài, ông đã trực tiếp viết và tham gia viết nhiều công trình nghiên cứu, nhiều cuốn sách chuyên khảo và sách giáo trình phục vụ giảng dạy. Trong đó có những công trình được đánh giá rất cao do tác dụng và giá trị thiết thực trong thực tiễn như: Tiến trình lịch sử Việt Nam (NXB Giáo dục), Giáo trình lịch sử Việt Nam (NXB Chính trị Quốc gia), Lược sử Vùng đất Nam Bộ Việt Nam (NXB Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), Lịch sử Việt Nam - Truyền thống và hiện đại (NXB Giáo dục), Những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong tình hình hiện nay (NXB Chính trị Quốc gia)… Cùng với đó là hàng trăm bài báo chuyên đề của ông đã được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước, được đánh giá cao. Những công trình lịch sử của ông được đánh giá cao và giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề cần được minh chứng.
Trong công tác giáo dục và đào tạo, nhà giáo Vũ Minh Giang đã dành rất nhiều tâm huyết và thời gian cho công việc, đồng thời coi đó là sự nghiệp, niềm hạnh phúc và cũng là trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. Ông tâm sự: “Với tôi người thầy, nghề giáo nói chung có hai điều thiêng liêng nhất phải có, đó là tâm huyết với nghiệp làm thầy làm cô của mình và phải quan tâm tới chuyện mình là thế nào trong mắt các học trò. Nếu ai cũng tâm niệm điềm đó, chắc chắn ngành giáo dục sẽ thay đổi nhiều. Các thầy cô đều hiểu học trò của mình cần cái gì, đôi khi họ hiểu học trò của mình hơn cả những nhà quản lý của ngành”.
Đến lúc này, tâm huyết của nhà giáo Vũ Minh Giang với nghề còn thể hiện ở sự trăn trở, ở những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong nhà trường. Ông là người khởi xướng và chỉ đạo công tác đổi mới tuyển sinh theo đề riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhiều năm trước. Ngay đối với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, ông cũng đưa ra những ý kiến, quan điểm rõ ràng, cụ thể và gắn với thực tiễn, với xu hướng phát triển của thời đại.
Với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục, ông cho rằng những người có trách nhiệm trong việc này chưa tìm ra căn nguyên, mặt hạn chế để đưa ra các giải pháp hữu hiệu. “Tôi không nghĩ chúng ta nên bắt đầu bằng việc đổi mới hình thức thi cử. Chúng ta nên xem xét lại triết lý giáo dục. Việt Nam đã dừng lại quá lâu ở hình thức giáo dục tiếp cận nội dung tức là dạy kiến thức cụ thể. Điều đó dẫn tới nhiều hệ lụy như quá tải chương trình, tình trạng học thêm tràn lan, thi cử quay cóp… Theo tôi chúng ta nên chuyển mạnh từ nền giáo dục tiếp cận nội dung sang nền giáo dục trọng phương pháp, kỹ năng, dạy cho người ta cách học suốt đời”, GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh.