Nhìn nhận việc nhiều học sinh, sinh viên và những người giỏi tìm kiếm cơ hội du học ở nước ngoài, sau đó chọn ở lại là việc không có gì đáng trách, giống như nhiều học sinh ở các tất cả các địa phương trên cả nước tập trung học ĐH, làm việc ở thành phố lớn mà không trở lại quê nhà. Giáo sư - Viện sĩ (GS.VS) Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng cần có cái nhìn công bằng hơn đối với quan điểm thế nào là cống hiến cho Tổ quốc.
GS.VS Phạm Minh Hạc.
PV: Thưa ông, năm 2017 ghi dấu ấn lịch sử của các đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Toán học, Vật lý và Hóa học với thành tích vượt trội trên bảng xếp hạng. Là người nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục và đến giờ, khi nghỉ hưu vẫn luôn quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, ông nhìn nhận thế nào về thành tích này?
GS.VS Phạm Minh Hạc: Tất cả các tỉnh, thành phố đều có một trường chuyên, mở rộng ra không chỉ toán mà tất cả các môn như Lý, Hóa, Sinh, Văn, Ngoại ngữ…. Đến nay phát triển đến 70 trường THPT ở các tỉnh thành phố, các trường ĐH.
Nhờ hệ thống đó chúng ta lọc lựa được những em có khả năng chuyên về môn Toán, Lý… và đào tạo để đưa đi thi quốc tế. Gặt hái được kết quả này này nhờ có chủ trương, có tổ chức. Trong đó, các trường chuyên có chế độ đặc biệt trong đào tạo nhân tài.
Các em của trường chuyên trên cả nước hiện rất giỏi và không tập trung vào một vài trường mà trải rộng trên nhiều địa phương. Trước đây chỉ có một số trường ở Hà Nội hay TP HCM có học sinh đi thi quốc tế được giải cao. Nhưng vài năm gần đây đã có ở nhiều tỉnh, thành như năm ngoái có học sinh ở Sơn La, năm nay có Vũng Tàu, Nghệ An… Phong trào học tập đã lan rộng ra ở trường chuyên của tất cả các tỉnh, gặt hái được những kết quả tốt đẹp. Sự chăm sóc của ngành giáo dục và các vị phụ huynh rất ủng hộ, cả xã hội ủng hộ, tán thưởng chủ trương này.
Các em học sinh giỏi, các em thi đạt những huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong nhiều năm nay lên tới hàng trăm em. Nhưng các em này có thành tài hay không thì hiện chưa có tổng kết. Tức là thành những nhà khoa học nổi tiếng, nhà hoạt động xã hội, các cán bộ đóng góp cho sự phát triển đất nước… Chưa có một báo cáo nào về vấn đề này, trước đây khi còn công tác chúng tôi cũng có làm nhưng chưa đạt kết quả. Đây là vấn đề rất lớn. Bởi sau khi đạt được các huy chương, cũng như những em học ở các trường chuyên đều có trình độ trình độ nhận thức tốt, tiềm năng phong phú và thông minh, tinh thần học hỏi đáng khen, chịu khó ham học, tập trung… Các em sau này được đào tạo như thế nào thì không có chủ trương, đường hướng để cho các em phát triển. Cái đó là điều rất rõ.
Tiếp đến mới là câu chuyện các em sẽ phát triển ở trong nước hay nước ngoài. Hiện cũng chưa có một thống kê cụ thể nào. Tôi thấy, Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện thống kê này, rất quan trọng. Những học sinh này đã đi đâu, làm gì? Chỉ có một số học sinh được giải, sau này ra nước ngoài thành các giáo sư, nhà khoa học thi thoảng được truyền thông nhắc đến nhưng cũng chỉ là trường hợp nhỏ lẻ, không phải là tất cả các em.
Chúng ta có 70 trường chuyên trên cả nước với hàng nghìn học sinh. Sau khi tốt nghiệp THPT, các em đi đâu, làm gì chúng ta không có chủ trương và chính sách đào tạo đến nơi đến chốn. Đó là điều rất đáng tiếc.
Bởi học xong lớp 12, chưa thể thành các chuyên gia, các cán bộ kỹ thuật, chưa có trình độ chuyên môn cụ thể để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà những em này chính là đội ngũ nòng cốt để đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khoa học, giáo dục ở trong nước… Không chỉ khoa học mà ngành nào cũng cần đến những người học giỏi, được đào tạo bài bản. Những nước đạt được thành tựu đời sống người dân sung túc, phong phú hơn chúng ta chính là vì họ để những người có tài dẫn đầu phong trào.
Hiện nay trong các trường ĐH có những hệ, những lớp tài năng được ưu đãi về học bổng, được hưởng những chương trình giáo dục chuyên sâu do những giảng viên giỏi đảm nhận. Nhưng nhiều sinh viên khi tìm kiếm được học bổng thì họ vẫn quyết định đi?
- Tôi biết nhiều trường của nước ngoài hiện vào các trường của Việt Nam để tìm kiếm người giỏi, chiêu sinh về trường họ… Nhiều gia đình có điều kiện cũng chủ động cho con em đi du học. Nhiều học sinh, sinh viên thành thạo ngoại ngữ cũng tìm kiếm cơ hội du học ở ngoài biên giới lãnh thổ. Điều đó không có gì sai và cũng rất bình thường. Giống như nhiều học sinh ở các tất cả các địa phương trên cả nước tập trung học ĐH, làm việc ở thành phố lớn mà không ở lại quê nhà dù ở đó cũng có phân hiệu của trường ĐH đó mở.
Việc lựa chọn đi hay ở là quyền của mỗi người. Nhưng theo một thống kê mới đây cho biết hiện nay có khoảng 130.000 du học sinh Việt Nam học tập ở nước ngoài (tại gần 50 quốc gia) tăng hơn gấp đôi so với con số này vào năm 2009. Trong đó khoảng 10% đi học bằng tiền ngân sách nhà nước, học bổng của Chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và du học tự túc chiếm đến 90%. Sau đó là bao nhiêu du học sinh lựa chọn về nước hay ở lại thì không có thống kê cụ thể nhưng nhiều người đặt câu hỏi về vấn đề lãng phí chất xám?
- Đúng là có một bộ phận những người giỏi, đạt được các huy chương quốc tế ra nước ngoài du học và sau đó định cư luôn ở nước ngoài. Nhưng tôi nghĩ Chính phủ cần có chính sách sử dụng nhân tài hợp lý hơn, doanh nghiệp cần hưởng ứng, các cơ quan nhà nước cũng thế… Dù chúng ta có thi cử công khai nhưng cũng đã có những tiêu cực bị phát hiện… Rồi vấn đề môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ… Không nên trách những người trẻ chưa trở về đó. Mà trước hết, hãy nhìn vào chủ trương chính sách đào tạo tiếp những người có tài năng vào các ngành, lĩnh vực của đất nước, sau đó sử dụng họ ra sao. Phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này thì mới tìm ra được lời giải cho bài toán lãng phí chất xám chúng ta vẫn đề cập lâu nay.
Về tinh thần yêu nước, theo tôi cần có những cách đánh giá khách quan hơn, không chỉ là chuyện cứ phải ở trong nước mới có thể gọi là yêu nước. Nhiều người ở nước ngoài vẫn rất yêu nước đấy chứ. Hơn 4 triệu kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới vẫn có những đóng góp thiết thực cho Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Thậm chí, đóng góp cho toàn nhân loại ở bất cứ lĩnh vực nào cũng làm rạng danh hai chữ Việt Nam, bởi rõ ràng dòng máu Việt Nam của họ vẫn đang cuộn chảy. Và trong thời đại toàn cầu hiện nay, trí tuệ của người Việt đã vượt ra ngoài dải đất hình chữ S để có thể tự hào về trí tuệ Việt Nam ở bất cứ nơi đâu.
Có phải ông đang muốn nói tới những con người như GS Trần Thanh Vân, GS Ngô Bảo Châu…?
- Đúng vậy, họ và rất nhiều người Việt Nam khác không hoàn toàn sống ở Việt Nam nhưng rõ ràng trí tuệ của họ làm rạng danh Việt Nam. Họ, bằng khả năng của mình đã có những đóng góp cụ thể cho đất nước. Có thể là các chương trình hợp tác liên kết, những dự án đã và đang triển khai mà nhờ khả năng của họ có thể mời về Việt Nam những nhà khoa học hàng đầu thế giới để giới khoa học trong nước giao lưu, học hỏi… Tôi nghĩ, nếu có giá trị, mỗi người đều có thể cống hiến cho Tổ quốc dù ở bất cứ nơi đâu.
Trân trọng cảm ơn ông!