Năm 2019 khép lại với nhiều sự kiện quan trọng, được coi là “cơ sở để hình thành gương mặt thế giới 2020”. Vì rằng, nhiều sự kiện vẫn đang trên đà tiếp diễn, hoặc âm ỉ chờ bùng phát. Trong đó có xung đột thương mại Mỹ - Trung, kể cả xung đột lợi ích kinh tế giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược EU và Nhật Bản. Thế giới cũng hồi hộp dõi theo lộ trình Anh dời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Tổng thống Mỹ đối diện với việc luận tội trong khi cuộc bầu cử Tổng thống đang đến gần. Và, Trung Đông vẫn bất ổn khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria… là những sự kiện không thể bỏ qua.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, Mỹ - Trung kéo dài tác động không chỉ đến nền kinh tế của họ, mà còn ảnh hưởng chung tới nền kinh tế toàn cầu.
Vào những ngày cuối năm, cuộc thương chiến này có dấu hiệu giảm nhiệt khi mà hai bên đều hoãn thời gian đánh thuế nặng vào nhiều mặt hàng của nhau. Con số không chỉ vài tỉ USD mà là cả trăm tỉ USD. Đáng chú ý, trong năm, hai bên đã nhiều lần gặp nhau ở nhiều hình thức, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn không tháo gỡ nổi. Tình trạng “ăn miếng trả miếng” là điều rất dễ thấy.
Cũng trên tinh thần “nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã gây sức ép lên các đồng minh chiến lược EU (28 nước), và cả với Nhật Bản. Theo đó, ông Trump muốn các đồng minh phải nhập hàng hóa của Mỹ nhiều hơn tới mức cân bằng cán cân thương mại, đồng thời “giữ ở mức hợp lý” thuế đối với các mặt hàng của Mỹ. Xung đột thương mại gữa Mỹ và các đồng minh chiến lược tuy không căng thẳng như với Trung Quốc, nhưng nó cũng cho thấy mức độ rạn nứt, điều đó được ví như một vết thương khó lành “giữa những người anh em”- nhận xét của Reuters.
Như vậy, xung đột thương mại giữa các quốc gia có tiềm lực kinh tế khổng lồ được dự báo sẽ còn kéo dài, chí ít là hết năm 2020 khi mà chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng được xác định. Vậy nên, theo giới chuyên gia kinh tế, kinh tế toàn cầu năm 2020 chưa thể nói là sáng lên được.
Thủ tướng Anh Broris Johnson.
Nước Anh cũng là một quốc gia mà tầm ảnh hưởng của nó là rất lớn. Vì thế, việc đi hay ở lại EU (Brexit) tuy là việc “nội khối” nhưng đã thu hút sự quan tâm của thế giới.
Nếu như vì Brexit bất thành, nước Anh phân rã mà bà Theresa May phải nhường lại ghế Thủ tướng cho ông Boris Johnson, thì chính ông Johnson cũng phải trải qua rất nhiều khó khăn trong việc dời khỏi EU “một cách vô điều kiện”- như chính cách nói của ông Johnson. Giới quan sát cho rằng, ông Johnson đã vượt qua thử thách “hiểm nghèo” khi cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12 đảng Bảo thủ của ông thắng lớn. Tuyên bố ngay sau đó, ông Johnson khẳng định mình có nhiệm vụ phải “hoàn thành Brexit”, đưa Anh Quốc ra khỏi EU ngay trong tháng đầu năm 2020. Thắng lợi của ông Johnson cũng có nghĩa là đảng Bảo thủ sẽ có đa số lớn nhất tại Westminster kể từ sau khi bà Margaret Thatcher thắng cử năm 1987.
“Có sớm quá chăng khi nói rằng ông Boris Johnson sẽ sớm lái con tàu nước Anh dời khỏi EU?”- CNN đặt vấn đề sau khi nước Anh tuyển cử với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Bảo thủ của đương kim Thủ tướng. Nhưng dù sao thì những vấn đề “hậu Brexit” cũng đã được đặt ra, không phải cứ ”li hôn” là xong, mà còn đó biết bao hệ lụy khi mà buộc phải “sống cạnh nhau sau khi đã chia tay”. Mà điều đó không chỉ tác động tới nước Anh, EU mà nó còn mang ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều.
Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Bắc Syria.
Một sự kiện nữa cũng có khả năng “làm xáo trộn không chỉ khu vực Trung Đông”- theo Guardian, chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tấn công vào Syria. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố đây là chiến dịch quân sự của nước này nhằm trấn áp lực lượng người Kurd ở khu vực, khi lực lượng này “có liên hệ” với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) IS, gây mất ổn định cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc tấn công này lập tức nhận được thái độ khác nhau từ phía Mỹ, Nga, Syria và khối các quốc gia Arab; trong khi chiến sự tại Bờ Tây Dải Gaza cũng tăng nhiệt. “Chảo lửa Trung Đông” đã làm nóng tình hình xung đột thế giới. Giới quan sát cho rằng, với những gì đã diễn ra trong quá khứ không giải quyết được thì khu vực này sẽ vẫn có khả năng bùng phát chiến sự; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế đã là thế lực mạnh trong khu vực và nhất là khi “các ông lớn” chưa tìm được tiếng nói chung.