Mặt bằng lãi suất huy động vừa ghi nhận động thái mới. Hàng loạt ngân hàng đang điều chỉnh hạ lãi suất ở nhiều kỳ hạn.
Lãi suất cho vay cao, doanh nghiệp khó tiếp cận
Theo Báo Tiền Phong, tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của một tờ báo phía Nam diễn ra gần đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho rằng, cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa về hướng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giảm lãi suất.
“Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư”, ông Hòa kiến nghị.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên cũng bày tỏ lo ngại về nguồn vốn cho nền kinh tế. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. “Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được”, ông Thiên nói.
Còn TS chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa chỉ ra bức tranh vô lý của nền kinh tế, muốn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thực chất cần giải được vấn đề phi lý tồn tại hiện nay là "lạm phát thấp, tỷ giá ổn định nhất nhưng lãi suất lại cao nhất thế giới".
Cụ thể hơn, ông Nghĩa phân tích: Muốn giảm được lãi suất cần cân bằng cung tiền, phối hợp cung tiền với chính sách tài khoá. Tức là vừa tăng cung tiền để lãi suất giảm nhưng phải vừa sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế nhập khẩu, giúp giảm giá hàng hóa, giữ ổn định lạm phát. Cần sự phối hợp vì hiện tại lạm phát cơ bản đã khoảng 5%, nếu tăng cung tiền, một mặt làm giảm lãi suất nhưng một mặt sẽ làm lạm phát tăng, vì vậy phải có sự đồng bộ của chính sách tài khoá để kìm giữ lạm phát như năm 2022.
Mặt bằng lãi suất giảm nhanh chóng
Thông tin tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) sáng 8/2 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank đã cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11/2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.
Đơn cử, từ vị trí quán quân lãi cao, từ ngày 6/2, SCB điều chỉnh hạ lãi suất một loạt kỳ hạn. Cụ thể, ngân hàng này đã giảm lãi từ 9,95% xuống 9,45% (kỳ hạn 24 tháng). Lãi suất 12 tháng giảm từ 9,95% xuống 9,5%.
SCB điều chỉnh giảm lãi, vị trí quán quân lãi cao được đổi chủ. Đồng thời, , website ngân hàng MSB đang chào mời mức lãi suất lên tới 9,9% cho kỳ hạn 15 và 24 tháng. Đây là mức lãi cao nhất thị trường. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khách hàng gửi tối đa 5 tỉ đồng. Mỗi khách hàng tại một thời điểm chỉ được mở một sổ hưởng mức lãi suất đặc biệt này.
GPBank sau thời gian dài treo biển lãi suất 10% thì nay lãi suất cao nhất cũng hạ xuống còn 9,5%. Kỳ hạn 12 tháng cũng giảm nhẹ từ 9,5% xuống 9,4%. Kỳ hạn 6 tháng hạ lãi suất từ 9,3% xuống 9,2%.
NCB hạ lãi suất từ 0,2 - 0,45% tuỳ vào kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 9,5% xuống 9,3%. Ở kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,7% xuống 9,45%.
Dưới đây là biểu lãi suất một số ngân hàng được PV Báo Lao động ghi nhận sáng ngày 9/2: