Nghi ngờ những dấu hiệu bất thường trong vụ tai nạn giao thông khiến chồng tử vong, gia đình chị Nguyễn Thị Hà (Duy Tiên, Hà Nam) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những người liên quan đến vụ tai nạn.
Vụ tai nạn thương tâm
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hà (sn 1973, trú tại phường Duy Minh, TX. Duy Tiên, Hà Nam) - vợ nạn nhân , vụ tai nạn giao thông vào hồi 20h05, ngày 24/1/2024.
Cụ thể, nạn nhân là anh T.V.P., trên đường đi làm về bằng xe máy cup 50 mang BKS 90AB-017... từ hướng đường Phạm Ngọc Nhị về hướng làng Động Linh. Khi về cách nhà khoảng 700 m, thì gặp đống cát của nhà dân đồng thời va chạm với xe ô tô bán tải màu đen BKS 29C -15… do anh V. điều khiển.
“Khi xảy ra tai nạn, chồng tôi chảy nhiều máu, xe máy đè lên chân nên không thể dậy được. Tối hôm đó, thời tiết lạnh, đoạn đường vắng người qua lại nên lái xe đã bỏ đi. Rất may có 2 học sinh lớp 9 trường Duy Minh phát hiện và chạy vào nhà một người ven đường kêu giúp đỡ.
Sau khi nhận tin báo, gia đình đã đưa nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Hà Nam, rồi được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Đến sáng 25/1, chồng tôi bị hôn mê sâu do vết thương trên đầu quá nặng. Sau hơn 1 tháng nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt, chồng tôi không qua khỏi và đã tử vong ngày 27/2”, chị Hà kể lại.
Kết quả chẩn đoán tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy, nạn nhân gặp đa chấn thương sau tai nạn bao gồm: chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, cột sống cổ và chấn thương ngực kín (dập phổi, đông đặc phổi 2 bên).
Ngay sau khi nhận tin chồng tai nạn, gia đình đã trình báo với Đội CSGT - Công an TX. Duy Tiên. Cơ quan này có cử cán bộ đến kiểm tra hiện trường, làm biên bản sơ đồ cụ thể và thông báo cho gia đình là nạn nhân tự ngã, không có tai nạn giao thông xảy ra.
Tuy nhiên, khi thấy các vết thương cùng các hiện vật không thể do tự ngã gây ra, gia đình nạn nhân đã trích xuất camera của các hộ dân ven đường vào thời điểm xảy ra tai nạn. Sau khi có một số nghi ngờ trên, gia đình có làm đơn và trực tiếp đến cơ quan chức năng báo cáo để điều tra.
Tuy nhiên, sau thời gian kéo dài hơn 10 ngày, cán bộ Đội CSGT thị xã đã đưa lý do camera mờ, không rõ biển số xe nên rất khó tìm để trả lời người nhà nạn nhân.
Đến ngày 4/2, chiếc xe ô tô cùng người điều khiển gây ra tai nạn đã được lực lượng chức năng tìm thấy.
Theo chị Hà, đến ngày 26/2, gia đình anh V. (người gây tai nạn) mới đến gặp đại diện gia đình nạn nhân. Đồng thời đưa ra một khoản tiền nhằm tạm khắc phục hậu quả.
Làm rõ trách nhiệm
Tuy nhiên, gia đình nạn nhân đã gửi đơn đề nghị tới Thanh tra Bộ Công an, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam vào cuộc xác minh làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Cụ thể là tài xế ô tô mang BKS 29C -15… có dấu hiệu bỏ mặc nạn nhân tai nạn giao thông, không báo cáo các lực lượng chức năng để phối hợp đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời.
“Sau khi sự việc xảy ra, gia đình tôi đã trình báo các cơ quan chức năng để điều tra làm rõ vụ việc. Tuy nhiên kết quả ban đầu được thông báo là nạn nhân tự ngã, việc này đã phần nào nói lên sự thiếu trách nhiệm của các cán bộ làm công tác điều tra”, vợ nạn nhân nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Hòa - Trưởng Công an TX. Duy Tiên cho biết, vụ việc này đã được cơ quan CSĐT tiếp nhận và đang tiến hành các biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ quy định rất rõ về trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc này.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm sau đây: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Nếu hành vi không cứu người gặp tai nạn giao thông đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất của tội danh này lên đến 7 năm tù.
“Trong trường hợp làm chết người và bỏ chạy sau khi gây tai nạn còn được xem là tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự, Tòa án có thẩm quyền sẽ căn cứ vào tình tiết này để quyết định hình phạt cho người phạm tội”, Luật sư Hùng nhấn mạnh.