Ngày 28/10, tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương nhà văn Nam Cao, UBND huyện Lý Nhân tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Mộ và Khu lưu niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.
Đại diện xã Hòa Hậu (phải) đón nhận Bằng. Theo các tài liệu, nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), trong một gia đình Công giáo. Ông học Tiểu học, Trung học ở TP Nam Định.
Năm 1935 ông vào Sài Gòn kiếm sống, làm thư ký cho một hiệu may và bắt đầu viết truyện gửi cho các báo. Ông sau đó ra Hà Nội làm “giáo khổ trường tư”. Khi Nhật chiếm Đông Dương ông về tỉnh Thái Bình tiếp tục làm nghề dạy học, rồi lại về quê viết văn.
Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam - đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở phủ Lý Nhân, được cử làm Chủ tịch xã. Tháng 11/1945 ông trở lại Hà Nội, làm Thư ký tòa soạn tạp chí Tiên Phong, rồi được cử làm phái viên tham gia đoàn quân Nam tiến. Cuối năm 1946, ông về công tác ở Ty Văn hóa Hà Nam, làm báo Giữ nước và Cờ chiến thắng của tỉnh.
Chân dung nhà văn Nam Cao. Năm 1947, Nam Cao lên Việt Bắc, làm Thư ký tòa soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Đến năm 1948 ông được kết nạp Đảng. Năm 1950 ông chuyển sang làm việc ở Hội Văn nghệ Việt Nam, tạp chí Văn nghệ; được cử làm Ủy viên Tiểu ban văn nghệ của Trung ương Đảng, tham gia Chiến dịch Biên giới.
Ông hy sinh ngày 30/11/1951 tại đồn Hoàng Đan thuộc xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình khi đang đi cùng đoàn công tác thuế nông nghiệp vào vùng địch hậu, bị quân Pháp phục kích, sát hại. Ông hy sinh khi mới 36 tuổi, bị thất lạc mộ. Đến năm 1996 mộ phần của ông mới được tìm thấy, đưa về an táng tại quê nhà.
Ông được biết, nhớ đến là một nhà văn hiện thực xuất sắc, có đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà trước và sau Cách mạng Tháng Tám.
"Chí Phèo" là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Trước cách mạng, 2 chủ đề sáng tác chính của ông là bi kịch của những người nông dân nghèo và bi kịch của những trí thức nghèo. Ở chủ đề người nông dân nghèo ông có những truyện ngắn nổi tiếng như Chí Phèo, Lão Hạc, Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó …, khắc họa chân thật đời sống của những người thuộc tầng lớp “thấp cổ bé họng” nhất trong xã hội khi đó. Họ bị xã hội đối xử bất công, bị cái cái đói, cái nghèo hành hạ đến "biến dạng" cả về hình thể lẫn nhân cách nhưng trong sâu thẳm họ vẫn khao khát được sống lương thiện.
Ở chủ đề những trí thức nghèo, ông có các truyện ngắn nổi tiếng như Đời thừa, Giăng sáng , tiểu thuyết Sống mòn …, khắc họa bi kịch của những người trí thức như nhà văn, nhà giáo luôn khát khao sáng tạo, cống hiến nhưng bị nỗi lo cơm áo “ghì sát đất”, luôn phải sống trong tâm trạng dày vò, tủi hổ.
Ở giai đoạn này, thông qua tác phẩm, ông có những tuyên ngôn về nghệ thuật rất nổi tiếng, có giá trị, thể hiện rõ quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, như: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trắng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” (Truyện ngắn Giăng sáng ); “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng yêu thương, tình bác ái, sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn” (Truyện ngắn Đời thừa ).
Sau Cách mạng Tháng Tám, khi đang lăn lộn với các hoạt động phục vụ cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, ngòi bút của ông hướng vào vấn đề quan điểm, góc nhìn thời cuộc, đời sống của người trí thức trong điều kiện đất nước “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”, tiêu biểu là truyện ngắn Đôi mắt .
Con trai và con dâu nhà văn Nam Cao bên mộ cha. Tuy chỉ là nhân vật văn học nhưng kể từ khi được Nam Cao sáng tạo ra cho đến nay, những Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc, Trạch Văn Đoành… vẫn giữ nguyên sự sống động, "đi lại", "cựa quậy" trong tâm trí người đọc; được liên hệ với nhiều tình huống của đời sống, được thường xuyên nhắc đến trong lời ăn, tiếng nói hằng ngày của các tầng lớp dân dân.
Bên ngoài và bên trong Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao.
Với nhiều đóng góp to lớn, nhà văn Nam Cao đã được Đảng, Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật và nhiều danh hiệu cao quý khác. Tên ông được chọn đặt tên đường ở nhiều đô thị trên cả nước. Năm 2021-2022, Khu tưởng niệm Nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được tỉnh Hà Nam xây dựng gần mộ phần, trưng bày, lưu giữ những thông tin, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác văn học của Nam Cao. Ngày 24/2/2023, Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích cấp Quốc gia.